Tăng cường kết nối thương mại Việt Nam – Mông Cổ
Mông Cổ luôn coi trọng quan hệ với Việt Nam và coi Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á. Hai bên cũng nhất trí tích cực thúc đẩy tổ chức và vận động các doanh nghiệp hai nước tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương tại mỗi nước.
Mở cửa cho hàng hóa của nhau trên cơ sở “có đi có lại”, qua đó sớm hoàn thành mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 200 triệu USD trong thời gian tới. Đồng thời, tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư và đẩy mạnh hợp tác trong đa dạng hóa chuỗi cung ứng nguyên liệu, nhất là trong các ngành mà hai bên có thế mạnh; thúc đẩy sớm ký mới Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Mông Cổ.
Với những tiềm năng lợi thế về hoạt động chăn nuôi, xuất khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt, trong khuôn khổ hội chợ triển lãm Nông nghiệp Quốc tế lần thứ 24 - AgroViet 2024 đã diễn ra Diễn đàn xúc tiến nông sản Việt Nam - Mông Cổ nhằm khai thác lợi thế tiềm năng của hai nước, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp của hai nước tìm kiếm đối tác thương mại.
Tại đây, các bên đã trao đổi thông tin về thực tế phát triển nông nghiệp của hai quốc gia, tiềm năng, thế mạnh của mỗi nước, khả năng thâm nhập, bổ trợ cho thị trường hàng hóa nông sản; khó khăn, vướng mắc trong hợp tác đầu tư, xuất nhập khẩu hàng hóa, nông sản giữa hai nước; doanh nghiệp hai bên gặp gỡ, tìm hiểu thông tin về đối tác, trao đổi thông tin về sản phẩm, dịch vụ và kết nối giao thương.
Theo ông Doãn Khánh Tâm, Phó Vụ trưởng, Phó Chánh Văn phòng, Ủy ban Biên giới quốc gia, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mông Cổ, ngành nông nghiệp của hai nước có nhiều lợi thế và có thể bổ sung cho nhau. Tuy nhiên, hiện giao thông vận tải là vấn đề gây cản trở trong giao thương Việt Nam - Mông Cổ.
Ông cũng cho biết, Mông Cổ bày tỏ thiện chí và hoan nghênh Việt Nam gia nhập Hiệp định vận tải đường sắt 3 bên Mông Cổ - Nga - Trung Quốc đã ký từ 2016.
Đặc biệt, mới đây Chính phủ Mông Cổ đã chủ động làm việc trước với Trung Quốc để tạo thuận lợi cho Việt Nam gia nhập Hiệp định này. Đây sẽ là triển vọng giải quyết bài toán khó về giao thông vận tải hàng hóa giữa Việt Nam và Mông Cổ trong tương lai.
“Trong việc xuất khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt, các cơ quan hữu quan của Mông Cổ, các tổ chức Chính phủ và phi chính phủ đều tham gia và hệ thống thông tin của các tổ chức này được tích hợp vào “Hệ thống Xuất khẩu một cửa sổ nông nghiệp”. Bằng cách này, quy trình cấp giấy chứng nhận xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt được thực hiện theo hình thức điện tử, giảm thời gian, chi phí, các thủ tục và các bước liên quan đến cấp giấy chứng nhận xuất khẩu”, ông Tâm chia sẻ thêm.
Tại diễn đàn, đại diện Công ty TNHH San Hà, một doanh nghiệp chuyên về các lĩnh vực chăn nuôi, giết mổ gia cầm và thủy cầm, chế biến thực phẩm, kinh doanh thực phẩm, tư vấn và cung cấp dịch vụ nhà hàng cho rằng, chăn nuôi gia cầm ở Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong nền nông nghiệp và kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu gia cầm đòi hỏi sự đầu tư lâu dài và tuân thủ các tiêu chí nghiêm ngặt. Nhà nước cần triển khai nhiều chương trình giám sát vùng chăn nuôi và đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao tiêu chuẩn sản phẩm cho thị trường nội địa và xuất khẩu cho các doanh nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu kỹ thuật cao đối với các thị trường xuất khẩu.
Công ty TNHH San Hà mong muốn mở rộng hoạt động xuất khẩu gia cầm sang thị trường Mông Cổ, cung cấp sản phẩm chất lượng cao và an toàn, xây dựng thương hiệu, thiết lập mối quan hệ hợp tác chiến lược với các đối tác địa phương, nghiên cứu nhu cầu tiêu dùng để điều chỉnh mục tiêu phù hợp.
Doanh nghiệp này cũng kiến nghị, cần tạo điều kiện thuận lợi trong thủ tục xuất nhập khẩu; Cơ quan quản lý nhà nước cần đơn giản hóa hồ sơ pháp lý để giảm thiểu thời gian thực hiện các thủ tục xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp. Nhà nước hỗ trợ nguồn vốn, gói vay đặc biệt cho doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh…
Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/tang-cuong-ket-noi-thuong-mai-viet-nam-mong-co-158103.html