Hình thành không gian kinh tế biển phát triển năng động

Với đường bờ biển dài 65 km, hệ sinh thái đa dạng, Bến Tre được nhận định là địa phương có đầy đủ tiềm năng để bứt phá mạnh mẽ, hình thành một không gian kinh tế biển phát triển năng động, bền vững. Từ năm 2021, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy Bến Tre phát triển về hướng Đông (hướng biển), lấy phát triển hướng Đông làm động lực mới cho tăng trưởng, tỉnh Bến Tre đã chủ động xây dựng và triển khai nhiều chương trình, đề án trọng điểm.

Thu hoạch nghêu ở Hợp tác xã thủy sản Rạng Đông, xã Thới Thuận, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre (ảnh tư liệu).

Thu hoạch nghêu ở Hợp tác xã thủy sản Rạng Đông, xã Thới Thuận, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre (ảnh tư liệu).

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam, xuất phát từ nhu cầu phát triển của tỉnh, đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Tỉnh ủy Bến Tre đã ban hành Nghị quyết 04-NQ/TU phát triển về hướng Đông để khai thác các tiềm năng, thế mạnh mà tỉnh Bến Tre có, nhưng chưa được khai thác hết trong nhiều năm qua. Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, đến nay, tỉnh đã đạt được những bước tiến đáng kể trong các lĩnh vực hạ tầng giao thông, năng lượng tái tạo, phát triển công nghiệp và du lịch biển. Ngoài ra, kinh tế biển đạt được những kết quả tích cực, nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao ngày phát triển, giúp người dân vùng ven biển nâng cao thu nhập.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Bến Tre Nguyễn Văn Buội cho biết, tỉnh Bến Tre giàu tiềm năng phát triển kinh tế biển, với hơn 50.000 ha diện tích tiềm năng nuôi thủy sản. Giai đoạn 2021-2024, Bến Tre khai thác được diện tích nuôi thủy sản là 47.800 ha; tổng sản lượng nuôi đạt 329.000 tấn; trên 90% sản lượng nuôi có giá trị kinh tế cao, chất lượng tốt phục vụ chế biến xuất khẩu. Bến Tre là tỉnh có truyền thống đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, đây cũng là thế mạnh của tỉnh. Đặc biệt, nghề nuôi nghêu xuất khẩu đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường quốc tế với chứng nhận MSC uy tín, mở ra cánh cửa xuất khẩu rộng lớn. Các mô hình nuôi tôm công nghệ cao cũng đang được nhân rộng, nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế.

Qua 4 năm triển khai Kế hoạch số 3004/KH-UBND ngày 1/6/2021 về phát triển 4000 ha nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025, đến nay, tỉnh Bến Tre đã phát triển tăng thêm 2.121 ha nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao, nâng tổng diện tích nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao đến nay đạt 3.801 ha, đạt 95,03% so với kế hoạch của tỉnh. Sản lượng hằng năm đạt 90.000 tấn, chiếm 50% sản lượng nuôi tôm nước lợ của tỉnh. Năng suất bình quân nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đạt 40-60 tấn, cá biệt có hộ sản xuất đạt 70-80 tấn/ha mặt nước.

Ông Lê Văn Sấm “vua" tôm công nghệ cao ở xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú (Bến Tre) cho biết, sau hơn 5 năm chuyển sang mô hình nuôi tôm công nghệ cao, hiệu quả kinh tế gia đình rất tốt. Đến nay, gia đình ông phát triển tổng diện tích nuôi tôm công nghệ cao đạt 45 ha. Với diện tích trên, mỗi năm thu hoạch khoảng 500-700 tấn tôm nguyên liệu, lợi nhuận khoảng 40 tỷ đồng.

Đáng chú ý, Bến Tre đang chủ động đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, với trọng tâm là các dự án điện gió và nhà máy sản xuất Hydro xanh. Sở Công Thương đã hoàn thiện hồ sơ đề xuất bổ sung danh mục các nguồn điện gió tự sản, tự tiêu phục vụ sản xuất hydro xanh vào Đề án điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, nhằm tạo tiền đề quan trọng để triển khai các dự án năng lượng sạch trong thời gian tới.

Hiện nay, tỉnh đã cấp chủ trương đầu tư 20 dự án điện gió và đã triển khai 6 dự án ở Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú. Đến nay, có 2 dự án đi vào hoạt động, với 250MW đã hòa với lưới điện quốc gia. Hiện tỉnh đã hoàn thành thêm 150 MW và các dự án khác đang tiếp tục triển khai.

Mặt khác, trong định hướng phát triển, tỉnh có khu lấn biển 50.000 ha để phát triển các khu, cụm công nghiệp trong tương lai. Đặc biệt là di dời những khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã có quy hoạch sẽ dời phát triển ra hướng Đông.

Bên cạnh đó, lĩnh vực du lịch biển cũng có những bước phát triển khả quan. Chỉ tính riêng trong quý I/2025, tổng lượng khách du lịch đến ba huyện biển đạt 195.271 lượt, mang về doanh thu 254 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 25% tổng lượng khách và tổng thu toàn tỉnh.

Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 29/01/2021 của Tỉnh ủy về phát Bến Tre về hướng Đông giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030; thời gian qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã tập trung nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển tỉnh về hướng Đông nhằm cải tạo cảnh quan biển, mở ra không gian phát triển mới cho địa phương và của khu vực, thúc đẩy liên kết trong toàn vùng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tri Dương Văn Chương nhấn mạnh, quán triệt tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 Khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển tỉnh Bến Tre về hướng Đông, thời gian qua, huyện Ba Tri đã tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt để đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng ven biển và xác định đây là mũi nhọn chủ lực trong việc tạo sức bật cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội chung của huyện.

Mới đây, 6 công trình, dự án đã được đưa vào vận hành, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện Ba Tri nói riêng và của tỉnh nói chung, gồm: Đường giao thông vào Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá kết hợp Cảng cá Ba Tri (nay là QL.57C); xây dựng cầu Châu Ngao; khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá kết hợp cảng cá Ba Tri, tỉnh Bến Tre; dự án Hạ tầng vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre; xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế bền vững cho người dân vùng ven biển Ba Tri, tỉnh Bến Tre nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu (TDA4); dự án phòng chống xâm thực, xói lở bờ biển huyện Ba Tri. Tổng mức đầu tư các công trình, dự án hơn 1.000 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho rằng, việc xây dựng hạ tầng là vấn đề quan trọng, mang tính quyết định trong việc phát triển về hướng Đông của tỉnh. Do đó, thời gian tới, tỉnh nhấn mạnh tầm quan trọng của tuyến đường ven biển trong việc kết nối với Thành phố Hồ Chính Minh, các tỉnh miền Tây, đặc biệt là vùng duyên hải phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long.

Hiện nay, hạ tầng giao thông-logistics phục vụ phát triển hướng Đông tiếp tục được đầu tư đồng bộ. Nhiều công trình trọng điểm như cầu Rạch Miễu 2, đường gom vào cầu, tuyến đường ven biển, các công trình cảng cá và bến cảng đang được đẩy nhanh tiến độ. Dự án cầu Ba Lai 8 trên tuyến đường ven biển đã triển khai thi công các gói thầu chính, mở ra triển vọng kết nối liên vùng giữa Bến Tre, Tiền Giang và Trà Vinh.

Về hạ tầng công nghiệp, tỉnh đẩy mạnh đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp ven biển. Tại Khu công nghiệp Phú Thuận với diện tích hơn 231 ha, các gói thầu về hạ tầng giao thông, thoát nước, cây xanh, chiếu sáng đang được đẩy nhanh tiến độ, để nhanh chóng hoàn thiện cơ sở hạ tầng thu hút đầu tư. Công tác xúc tiến đầu tư vào các cụm công nghiệp Tân Thành Bình, An Hòa Tây, Bình Thới và Phú Hưng được tích cực triển khai, kỳ vọng tạo thêm nhiều không gian phát triển công nghiệp mới cho khu vực ven biển.

Về phát triển đô thị ven biển, tỉnh đang triển khai Đề án công nhận đạt chuẩn đô thị loại V cho các xã Tân Phong (Thạnh Phú) và Thới Thuận (Bình Đại). Các dự án đô thị ven biển cũng được xúc tiến chuẩn bị đầu tư, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tại các huyện biển.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát triển kinh tế biển ở Bến Tre vẫn còn đối mặt với không ít khó khăn. Đáng chú ý là những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công, thách thức về biến đổi khí hậu và dịch bệnh thủy sản, cùng với sự bất ổn của thị trường xuất khẩu thủy sản đang là những vấn đề cần tiếp tục tháo gỡ…

Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam nêu rõ, trong bối cảnh đó, tỉnh Bến Tre xác định rõ nhiệm vụ trong tâm của tỉnh thời gian tới là tiếp tục tập trung chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng trọng điểm, phát triển khu, cụm công nghiệp, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các ngành kinh tế biển, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ và chuyển đổi số trong sản xuất và quản lý.

Với những tiềm năng sẵn có và định hướng phát triển rõ ràng, kinh tế biển Bến Tre hứa hẹn sẽ có những bước tiến mạnh mẽ trong tương lai, đóng góp ngày càng quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh, đồng thời mang lại cuộc sống ấm no và thịnh vượng cho người dân vùng ven biển.

Tin, ảnh: Công Trí (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/hinh-thanh-khong-gian-kinh-te-bien-phat-trien-nang-dong-20250511112331232.htm