Hình thành mạng lưới thương mại bền vững
Bà Nguyễn Huỳnh Trang - Phó giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh - trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Công Thương bên lề Hội nghị tổng kết Chương trình Hợp tác thương mại giai đoạn 2016 - 2020 và kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố năm 2020.
Thưa bà, chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa giữa thành phố với các tỉnh, thành phố năm 2020 có gì khác biệt so với những năm trước đó?
Do ảnh hưởng của dịch Covid -19, công tác tổ chức năm nay có khác so với những năm trước, đó là vừa triển lãm hàng hóa vừa phải phòng, chống dịch. Tuy nhiên, Hội nghị năm nay do Bộ Công Thương và UBND TP. Hồ Chí Minh chủ trì tiếp tục hình thành các chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu thụ giữa thành phố với các địa phương trên cả nước.
Tại sự kiện, Ban tổ chức tập trung hỗ trợ các sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm công nghiệp tiêu dùng, hàng nông sản, thực phẩm đạt chuẩn an toàn, có truy xuất nguồn gốc và sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu (XK); tìm kiếm nguồn hàng đặc sản trên cả nước cung cấp cho thị trường thành phố, bổ sung nguồn cung bình ổn thị trường và xúc tiến mở rộng XK.
Chương trình kết nối cung - cầu năm nay có 598 DN tham gia, trong đó 474 DN của 41 tỉnh, thành phố tham gia với 246 gian hàng; 124 DN của TP. Hồ Chí Minh tham gia với 224 gian hàng trưng bày, giới thiệu hàng hóa. Có 14 DN thuộc lĩnh vực phân phối, logistics, xuất nhập khẩu tham gia kết nối đưa sản phẩm đạt chuẩn, đảm bảo an toàn thực phẩm vào hệ thống phân phối, XK.
Bà đánh giá như thế nào về hiệu quả của chương trình này qua các năm?
Với chương trình này, các DN tham gia không chỉ mang hàng hóa, đặc sản đến quảng bá thương hiệu, tạo doanh thu, mà còn là cơ hội để nhà sản xuất trực tiếp tiếp xúc với đối tác, người tiêu dùng, ký kết hợp tác sản xuất, bao tiêu sản phẩm hiệu quả.
Cụ thể, giai đoạn 2016 - 2020, mỗi năm TP. Hồ Chí Minh ký kết tiêu thụ sản phẩm cho các tỉnh, thành phố có trị giá trên 4.500 tỷ đồng. Qua 5 năm thực hiện, đã có 28 DN bình ổn thị trường của thành phố đầu tư 47 nhà máy, cơ sở sản xuất; 63 trang trại nuôi, trồng tại các tỉnh thành Đông Nam bộ và Tây Nam bộ với tổng vốn đầu tư trên 18.000 tỷ đồng. Các DN này đã liên kết, ứng vốn cho nông dân nuôi, trồng, bao tiêu nông sản đạt 3.200 tỷ đồng/năm. 5 năm qua, đã có hơn 3.190 hợp đồng tiêu thụ nông sản giữa các DN được ký kết.
Theo tôi, chương trình đã tạo mối quan hệ hợp tác thương mại toàn diện, là cầu nối cung - cầu và bình ổn thị trường, góp phần tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, nhà sản xuất hiệu quả. Đơn cử, 3 chợ đầu mối của thành phố tiêu thụ khoảng 8.000 tấn mặt hàng nông sản, thực phẩm mỗi ngày cho các địa phương.
Tuy vậy, Chương trình kết nối cung - cầu hiện vẫn gặp một số khó khăn do DN vừa và nhỏ, hộ gia đình sản xuất thủ công chưa ổn định về sản lượng, chưa đồng đều về chất lượng. Các DN, nhà cung ứng ở nhiều địa phương chưa chủ động liên kết, hợp tác trong khâu vận chuyển, phân phối, tiếp thị, chưa đáp ứng khả năng giao hàng, thanh toán… theo thỏa thuận đã được ký kết.
Để khắc phục những hạn chế trên, Chương trình kết nối cung - cầu năm 2020 sẽ làm gì để trở nên chuyên nghiệp hơn, thưa bà?
Để trở thành thương hiệu của ngành thương mại thành phố, tới đây TP. Hồ Chí Minh sẽ tập trung, ưu tiên hỗ trợ các mặt hàng hàng nông sản, đặc sản đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP; hướng đến xây dựng thương hiệu các mặt hàng nông sản, đặc sản ở từng địa phương. Riêng thành phố sẽ tiếp tục xây dựng các chuỗi thực phẩm an toàn, liên kết chặt chẽ, lưu thông hàng hóa hiệu quả và giảm chi phí trung gian. Mục tiêu là hàng hóa trong nước sản xuất ra không chỉ tiêu dùng ở thị trường nội địa mà còn đẩy mạnh XK.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hinh-thanh-mang-luoi-thuong-mai-ben-vung-145386.html