Hình thành những công trình đa mục tiêu

Sau 35 năm kể từ ngày tái lập tỉnh, ngành thủy lợi Quảng Ngãi để lại nhiều dấu ấn quan trọng. Hệ thống thủy lợi Thạch Nham, hồ chứa Diên Trường, Núi Ngang, Nước Trong... đã góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.Hoàn thiện hạ tầng

Công trình thủy lợi Thạch Nham với hệ thống kênh mương rộng khắp đã cung cấp nước tưới cho trên 50 nghìn héc ta đất canh tác (trong đó có trên 31 nghìn héc ta lúa) ở các huyện Nghĩa Hành, Mộ Đức, Tư Nghĩa, Sơn Tịnh, Bình Sơn, TX.Đức Phổ và TP.Quảng Ngãi. Đồng rau xanh tốt, nhiều ruộng lúa trĩu hạt. Năng suất lúa tăng dần qua từng năm, đến năm 2023 đạt trên 61 tạ/ha, giúp nông dân trong tỉnh tăng thu nhập, đồng thời góp phần đảm bảo an ninh lương thực địa phương. Chính vì vậy, Thạch Nham được xem là đại công trình “dẫn thủy nhập điền”, là mạch nguồn của sự ấm no sau những ngày đầu tái lập tỉnh và cũng là niềm tự hào của ngành thủy lợi tỉnh. Sau Thạch Nham, hồ chứa nước Nước Trong với dung tích gần 290 triệu mét khối, kết hợp phát điện với công suất 16,5MW... được đầu tư hoàn thành đưa vào hoạt động từ năm 2018 (đối với cụm công trình đầu mối - PV). Nhờ đó, đảm bảo nước tưới cho trên 52 nghìn héc ta đất nông nghiệp; đồng thời tạo nguồn cấp nước công nghiệp và nước sinh hoạt cho KKT Dung Quất, TP.Quảng Ngãi và 7 huyện đồng bằng trong tỉnh.

Hồ chứa nước Biều Qua, xã Long Sơn (Minh Long) được đầu tư kiên cố.

Hồ chứa nước Biều Qua, xã Long Sơn (Minh Long) được đầu tư kiên cố.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương cho biết, tiếp nối các công trình trên, những năm qua, tỉnh đã tập trung nguồn lực đầu tư xây mới, sửa chữa, nâng cấp nhiều công trình hồ chứa, hệ thống thủy lợi lớn, kênh mương và đưa vào vận hành, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng yêu cầu sử dụng nước của người dân và phát triển kinh tế - xã hội. Riêng năm 2023, có 10 hồ chứa được nâng cấp, sửa chữa, gồm: Hố Vàng, Hố Đèo, Đá Chồng (Sơn Tịnh); Châu Long, Châu Thuận, Lỗ Tây, Hố Chuối, Bình Yên (Bình Sơn); Biều Qua (Minh Long) và Sở Hầu (TX.Đức Phổ). Cùng với đó, hệ thống kênh mương thủy lợi cũng được kiên cố hóa trên 2.500km (đạt gần 59%).

Không chỉ đảm bảo mục tiêu cấp nước tưới chủ động cho trên 78,8 nghìn héc ta, đạt 73,2% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp; mà hệ thống thủy lợi tỉnh còn phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, cũng như thực hiện hiệu quả tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Hệ thống thủy lợi gia tăng cấp nước cho sinh hoạt, công nghiệp từ 8 triệu m3/năm (năm 2020) lên gần 10,3 triệu m3/năm (năm 2023). Nhờ đó góp phần nâng tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98% (tăng gần 3,5% so với năm 2020); tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn đạt 65% (tăng hơn 11,3% so với năm 2020).

Hướng đến công trình đa mục tiêu

Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Võ Đoàn cho biết, toàn tỉnh hiện có 807 công trình thủy lợi (gồm 127 hồ chứa nước, 532 đập dâng, 8 đập ngăn mặn và 140 trạm bơm), trong đó có 22 hồ có dung tích chứa từ 3 triệu mét khối trở lên. Trong điều kiện biến đổi khí hậu, cộng với áp lực của các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, mạng lưới thủy lợi và các hồ chứa nước không chỉ đáp ứng mục tiêu tưới tiêu cho nông nghiệp, mà còn phục vụ nuôi trồng thủy sản kết hợp cấp, tiêu, thoát nước cho sinh hoạt và các ngành kinh tế khác.

Hạ tầng thủy lợi được đầu tư kiên cố, tạo điều kiện để người dân đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm, gia tăng hiệu quả sản xuất.

Hạ tầng thủy lợi được đầu tư kiên cố, tạo điều kiện để người dân đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm, gia tăng hiệu quả sản xuất.

Ngành thủy lợi tỉnh triển khai nghiên cứu toàn diện, tổng thể hệ thống cấp nước cho nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, sinh hoạt nông thôn, thoát lũ và phòng, chống xâm nhập mặn. Trên cơ sở đó đã tham mưu, đề xuất tỉnh bố trí đầu tư phát triển nhiều công trình, dự án phát triển mạng lưới thủy lợi theo hướng đa mục tiêu, như: Nắn dòng kênh tiêu nước sông Thoa, tiêu úng thoát lũ KCN VSIP, sửa chữa nâng cao an toàn đập 19 hồ chứa nước bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới, đập ngăn mặn Trà Bồng, Bình Nguyên - Bình Phước. Ngành thủy lợi cũng tích cực tham gia, tham mưu UBND tỉnh phê duyệt các dự án quy hoạch thủy lợi tỉnh các giai đoạn 2006 - 2015, giai đoạn 2020 định hướng đến năm 2030 hay Quy hoạch phòng, chống lũ và chỉnh trị sông Trà Khúc, sông Vệ, sông Trà Câu... Qua đó, vận hành và khai thác hiệu quả các công trình thủy lợi, đảm bảo cấp nước, thoát nước đa mục tiêu, kết hợp phòng, chống thiên tai, nuôi trồng thủy sản, cấp nước sinh hoạt, công nghiệp và cải tạo môi trường sinh thái.

Chi cục Thủy lợi tỉnh cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào quản lý, khai thác, vận hành các công trình thủy lợi, góp phần phát huy và nâng cao năng lực cấp nước, cơ bản đảm bảo nước tưới cho phần lớn diện tích sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt cho nhân dân. Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Võ Đoàn cho biết, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào quản lý, khai thác, vận hành các công trình thủy lợi đã mang lại hiệu quả cao trong điều tiết nước, đảm bảo an toàn hồ chứa và giúp dự báo, cảnh báo sớm thiên tai. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ tích hợp cơ sở dữ liệu chuyên sâu giúp công tác dự báo, cảnh báo sớm thiên tai chính xác hơn. Vì thế, công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai kịp thời và hiệu quả hơn, góp phần hạn chế thấp nhất các rủi ro và thiệt hại, nhất là thiệt hại về người.

ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG QUẢN LÝ
Toàn tỉnh đã lắp đặt 79 trạm đo mưa tự động Vrain, trở thành địa phương có số trạm đo mưa chuyên dùng lớn nhất cả nước; xây dựng và vận hành phần mềm WebGIS thủy lợi Quảng Ngãi (tại địa chỉ: http://thuyloi.quangngai.gov.vn). Qua đó, cung cấp thông tin, tạo nguồn dữ liệu mưa có độ chính xác để cung cấp cho các cơ quan, đơn vị, địa phương nhằm phục vụ hiệu quả công tác dự báo, cảnh báo, chỉ đạo, chỉ huy và ứng phó với công tác phòng, chống thiên tai.

Bài, ảnh: THẢO HOA

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/kinh-te/nong-nghiep/202402/hinh-thanh-nhung-cong-trinh-da-muc-tieu-0ad1982/