Hình thành những trụ cột hợp tác mới Việt - Pháp
Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và các lĩnh vực chiến lược được kỳ vọng sẽ là những trụ cột hợp tác mới, tương xứng với quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp.

Đại diện Vietjet và Airbus trao hợp đồng mua bán 20 tàu bay thân rộng A330-900 dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước Lương Cường và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: Đức Thanh
Chú trọng khoa học công nghệ, chuyển đổi năng lượng
Chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đầu tuần này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong quan hệ song phương Việt - Pháp, mở ra kỷ nguyên mới trong hợp tác chiến lược giữa hai nước. Dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước Lương Cường và Tổng thống Macron, hàng loạt văn kiện hợp tác đã được ký kết, trong đó nổi bật là Hiệp định Hợp tác về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Pháp - văn kiện được đánh giá là cột mốc mới, biểu trưng cho tầm nhìn dài hạn và chiến lược trong mối quan hệ giữa hai quốc gia.
Tại cuộc hội kiến sau đó của Tổng thống Macron và Tổng Bí thư Tô Lâm, Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh đề nghị Pháp đồng hành cùng Việt Nam đưa khoa học công nghệ thành trụ cột hợp tác mới giữa hai nước trong thời kỳ mới, đề nghị Pháp hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực chiến lược như hàng không vũ trụ, công nghệ sinh học, công nghệ số, công nghệ bán dẫn, công nghệ lượng tử, kinh tế số..., đi đôi với đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Hai bên cũng nhất trí thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng, Pháp hỗ trợ Việt Nam trong khung khổ Quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), mở rộng sang hợp tác năng lượng hạt nhân, đào tạo nguồn nhân lực và ứng dụng nguyên tử vì mục đích hòa bình như trong lĩnh vực y tế; phấn đấu có các dự án trọng điểm là biểu tượng hợp tác mới giữa hai nước trong kỷ nguyên phát triển mới của Việt Nam.
Những trụ cột hợp tác mới này được hai bên đưa ra trong bối cảnh khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo được xác định là ưu tiên hàng đầu cho sự vươn lên của Việt Nam, thể hiện qua Nghị quyết 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị. Pháp cũng xác định, đây là lĩnh vực có tính đột phá cho việc duy trì và phát triển của nước Pháp thời gian tới.
Theo Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet, nước Pháp có tất cả thế mạnh từ nghiên cứu, đào tạo đến việc chuyển giao và ứng dụng công nghệ cho các hoạt động phát triển khoa học và công nghệ, kinh tế.
Những lĩnh vực như năng lượng, trong đó có năng lượng hạt nhân, cũng như giao thông hay những công nghệ cao, như trí tuệ nhân tạo (AI) là những lĩnh vực mà Pháp mong muốn tăng cường ưu tiên hợp tác với Việt Nam trong thời gian tới.
Đại sứ Olivier Brochet đánh giá, đây là những lĩnh vực đáp ứng được nhu cầu và trình độ của Việt Nam. Phía Pháp đặc biệt quan tâm đến những tầm nhìn mà Việt Nam đã đưa ra, đặc biệt là những dự án lớn về phát triển hạ tầng chiến lược như Dự án Xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Đây là lĩnh vực mà rất nhiều doanh nghiệp Pháp có thế mạnh.
Để tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khoa học công nghệ giữa Việt Nam và các đối tác nước ngoài, Đại sứ Olivier Brochet cho rằng, Việt Nam cần đảm bảo tất cả vấn đề liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ được bảo vệ chặt chẽ. Đồng thời, cần tạo điều kiện thuận lợi cho quan hệ hợp tác giữa khu vực công và tư, nhằm thúc đẩy sự kết nối giữa các cơ quan nhà nước với các đối tác nghiên cứu và phát triển. Bên cạnh đó, cần khuyến khích sinh viên mạnh mẽ hơn nữa trong việc học lên các bậc cao hơn trong lĩnh vực khoa học công nghệ.
Tăng cường các lĩnh vực hợp tác truyền thống
Trong khi các trụ cột hợp tác mới đang hình thành, tại các cuộc tiếp xúc, Tổng thống Macron cũng khẳng định, Pháp mong muốn cùng Việt Nam tiếp tục tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực truyền thống, đặc biệt là y tế, giáo dục, văn hóa và mở rộng trên các lĩnh vực hợp tác mới như hạ tầng, giao thông đô thị, hàng không vũ trụ, năng lượng mới, ký ức lịch sử…, tương xứng với quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện hiện nay.
Việc nâng cấp quan hệ hai nước lên tầm mức chiến lược toàn diện đang mở ra không gian hợp tác rộng lớn hơn, sâu sắc hơn, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên và mang tính chiến lược.
Pháp sẽ thúc đẩy nhằm sớm hoàn tất phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư EU - Việt Nam, thúc đẩy Ủy ban châu Âu sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” IUU đối với hàng thủy sản Việt Nam và tạo điều kiện để Việt Nam tăng xuất khẩu thủy sản vào thị trường Pháp và EU.
Theo ông Đinh Toàn Thắng, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Cộng hòa Pháp, tất cả các nhân tố truyền thống vẫn thực sự là nền tảng quan trọng để duy trì và thắt chặt quan hệ giữa hai nước, từ sự chia sẻ lịch sử và giao thoa văn hóa sâu sắc, từ sự gần gũi và hiểu biết lẫn nhau giữa hai dân tộc, đến sự tích cực của cộng đồng người Việt Nam và bạn bè Việt Nam tại Pháp như nêu ở trên và đặc thù của mối quan hệ lan tỏa đến từng địa phương, vùng miền, con người hai bên.
Vì vậy, việc nâng cấp quan hệ hai nước lên tầm mức chiến lược toàn diện đang mở ra không gian hợp tác rộng lớn hơn, sâu sắc hơn, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên và mang tính chiến lược, phù hợp với lợi ích và tiềm năng của cả Việt Nam và Pháp.
Đại sứ Đinh Toàn Thắng khẳng định, nhiều lĩnh vực, dự án cụ thể đang được hai bên bàn thảo sâu để thúc đẩy các ưu tiên kinh tế - thương mại - đầu tư, tăng cường hợp tác quốc phòng - an ninh, đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, giáo dục - đào tạo, y tế. Việc ký kết các thỏa thuận hợp tác mới trong khung khổ chuyến thăm sẽ tạo động lực và cơ sở pháp lý quan trọng cho các hoạt động hợp tác giữa hai nước những năm tới.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/hinh-thanh-nhung-tru-cot-hop-tac-moi-viet---phap-d291375.html