Hình thành thói quen phân loại rác thải tại nguồn
Những năm qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh ngày càng quan tâm tăng cường hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt đã nâng cao năng lực quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, góp phần hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Tuy nhiên, kinh tế - xã hội của tỉnh ngày một phát triển, gia tăng nhu cầu tiêu dùng hàng hóa... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Những năm qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh ngày càng quan tâm tăng cường hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt đã nâng cao năng lực quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, góp phần hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Tuy nhiên, kinh tế - xã hội của tỉnh ngày một phát triển, gia tăng nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, nguyên vật liệu, từ đó tăng lượng chất thải rắn phát sinh cả về số lượng và thành phần tính chất. Tuy nhiên, thực trạng xử lý rác thải sinh hoạt tại hầu hết các địa phương trên toàn tỉnh mới áp dụng phương pháp đốt bằng lò đốt công suất nhỏ hoặc chôn lấp tại bãi chôn lấp tập trung. Trong khi đó, các bãi chôn lấp trên toàn tỉnh đã cơ bản bị lấp đầy. Nhằm giảm thiểu lượng chất thải rắn sinh hoạt phải xử lý tại các khu xử lý rác thải tập trung, từ năm 2018 trên địa bàn tỉnh bắt đầu có một số địa phương tham gia thí điểm mô hình phân loại rác thải tại nguồn (PLRTTN). Đến cuối năm 2020, sau khi thành lập đoàn kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm từ các mô hình thí điểm, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương nhân rộng mô hình phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại nguồn trên toàn tỉnh.
Theo đó, các huyện, thành phố đều chủ động đặt mục tiêu trong năm 2021, có ít nhất 50% số thôn, xóm, tổ dân phố thực hiện PLRTTN và xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình; ưu tiên thực hiện PLRTTN đối với các xã đăng ký xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Các huyện, thành phố phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị có liên quan tổ chức tập huấn, tuyên truyền kiến thức về bảo vệ môi trường; hướng dẫn thực hiện PLRT, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình; tổ chức tham quan mô hình phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình có hiệu quả trên địa bàn tỉnh. Vận động, khuyến khích doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia ủng hộ phong trào PLRTTN, nhất là các xã, thị trấn thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Để thúc đẩy PLRTTN, các xã, thị trấn đã đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống đài phát thanh và lồng ghép vào các buổi họp tổ dân phố, khu dân cư… về cách thức PLRTTN, quy trình xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình và các chế tài khen thưởng, xử lý vi phạm; xây dựng hương ước, quy ước, quy định bảo vệ môi trường, thu gom, PLRTTN nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân, cơ sở kinh doanh dịch vụ, lưu trú kết hợp tuyên truyền các quy định xử lý vi phạm về BVMT; biểu dương người tốt, việc tốt và phê bình cá nhân vi phạm quy định giữ gìn vệ sinh môi trường trên cơ sở thống nhất của địa phương và cộng đồng. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn chi tiết các hộ dân triển khai việc PLRT và xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình; hỗ trợ mua sắm trang thiết bị, phương tiện phục vụ thu gom, vận chuyển rác thải, kinh phí xây dựng bể chứa phân vi sinh ở khu xử lý rác thải tập trung phù hợp với việc PLRTTN. Chỉ đạo đơn vị vận hành quản lý hoạt động thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn rà soát, cải tạo, nâng cấp phương tiện, trang thiết bị phù hợp, đáp ứng công tác thu gom, vận chuyển rác thải sau phân loại một cách đồng bộ. Đặc biệt, các xã, thị trấn đều áp dụng làm thí điểm tại các hộ gia đình cán bộ nòng cốt như: Bí thư, xóm trưởng, chi hội trưởng các Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và một số ít hộ dân. Sau khi đánh giá hiệu quả, giúp người dân nhận thức được lợi ích đạt được từ PLRTTN, các địa phương mới nhân rộng trên địa bàn toàn thôn, xóm, tổ dân phố của các xã, thị trấn.
Nỗ lực của ngành chức năng, các địa phương và người dân đã đạt kết quả tích cực. Toàn tỉnh có 1.160/3.611 thôn, xóm, tổ dân phố của 150 xã, phường, thị trấn với 123.404 hộ gia đình tham gia PLRTTN và xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình. Ở những địa phương triển khai mô hình phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình đã giảm thiểu được khoảng 30-40% lượng rác phải vận chuyển về khu xử lý rác thải tập trung, góp phần giảm tải cho các bãi chôn lấp hiện đang quá tải, nâng cao hiệu quả đốt tại các lò đốt rác thải. Bên cạnh đó, các loại rác hữu cơ sau xử lý, phân hủy có dạng mùn, tơi xốp có thể sử dụng trực tiếp để bón cho cây trồng.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường: Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, việc PLRTTN của tỉnh còn một số bất cập. Một số địa phương chưa linh hoạt trong việc áp dụng các mô hình PLRT sinh hoạt và xử lý rác thải hữu cơ hoặc áp dụng không phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, nhu cầu của từng hộ gia đình. Nhận thức và ý thức của người dân chưa cao trong việc duy trì phân loại và xử lý rác thải, một số người dân không hợp tác thực hiện phân loại. Việc PLRT sinh hoạt tại nguồn ở một số nơi chưa thực sự hiệu quả, phương tiện trang thiết bị thu gom, vận chuyển rác thải sau xử lý chưa đồng bộ. Kinh phí để thực hiện PLRTTN còn hạn chế, hầu hết còn mang tính chất tận dụng. Chưa có chính sách hỗ trợ về giảm mức nộp phí dịch vụ thu gom, xử lý rác thải đối với những hộ dân tham gia thực hiện PLRT và xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình. Cán bộ làm công tác môi trường tại các xã, thị trấn chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa có cán bộ chuyên trách và đào tạo bài bản về chuyên môn. Một số địa phương không có sự phân công rõ ràng về trách nhiệm trong nhiệm vụ môi trường cho cán bộ công chức nên xử lý công việc còn lúng túng, vướng mắc.
Để nhiệm vụ PLRTTN đạt kết quả cao hơn, Sở Tài nguyên và Môi trường, các địa phương kiến nghị UBND tỉnh có cơ chế, chính sách bổ sung hỗ trợ kinh phí cho các địa phương để duy trì và nhân rộng mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn toàn tỉnh trong thời gian tiếp theo từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường và nguồn xây dựng nông thôn mới của tỉnh; chỉ đạo và điều hành của cấp ủy các cấp để triển khai đồng bộ, có hiệu quả mô hình PLRTTN; giao Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chủ trì triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trong toàn tỉnh. Về phía các địa phương, thời gian tới cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về PLRTTN theo quy định của Luật BVMT năm 2020 chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2022. Cụ thể Luật BVMT năm 2020 đã quy định việc thu phí rác thải dựa trên khối lượng hoặc thể tích thay cho việc tính bình quân theo hộ gia đình hoặc đầu người như hiện nay. Cơ chế thu phí này sẽ góp phần thúc đẩy người dân phân loại, giảm thiểu rác thải phát sinh tại nguồn bởi nếu không thực hiện việc này thì chi phí xử lý rác thải phải nộp sẽ cao. Thông qua quy định rác thải sinh hoạt phải được phân làm 3 loại: chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác... Qua đó, góp phần giáo dục nâng cao nhận thức của người dân về sự cần thiết của PLRTTN, hình thành thói quen phân loại rác và biến rác thải thành nguồn tài nguyên. Các địa phương cũng tăng cường tập huấn, đào tạo, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho các cán bộ làm công tác môi trường của các xã, thị trấn. Hỗ trợ, hướng dẫn người dân áp dụng các mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn phù hợp với điều kiện và nhu cầu của từng gia đình./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy