Hình thành thói quen sử dụng hàng Việt Nam

Triển khai Cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam' là nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện 'mục tiêu kép' phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe nhân dân và phục hồi, phát triển KT-XH, trong năm 2021, Cuộc vận động được triển khai với nhiều hình thức đa dạng, góp phần nâng cao ý thức cho cán bộ, công chức, người lao động và nhân dân ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Gian hàng kết nối, tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP tỉnh Sơn La và các tỉnh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Gian hàng kết nối, tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP tỉnh Sơn La và các tỉnh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Bà Giàng Thị Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, cho biết: MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên đã tuyên truyền ý nghĩa của cuộc vận động gắn với thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và các phong trào thi đua yêu nước; quảng bá những sản phẩm chất lượng thương hiệu Việt; vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên, người tiêu dùng ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng Việt; tổ chức các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn để thu hút người dân địa phương mua sắm, tạo niềm tin của người dân với sản phẩm nội địa.

Ban Chỉ đạo Cuộc vận động đã phối hợp tổ chức Hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm xoài, nhãn Sơn La với một số tỉnh, thành phố trong cả nước. Hỗ trợ, hướng dẫn các HTX, doanh nghiệp tham gia chương trình kết nối cung cầu, xuất khẩu trực tuyến do Bộ Công Thương và các tỉnh, thành phố trong nước tổ chức. Chỉ đạo thành viên, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể tổ chức xúc tiến thương mại như: Bàn giao sản phẩm xoài Sơn La theo thỏa thuận tiêu thụ cho các đơn vị chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu và thương mại điện tử; công bố văn bằng bảo hộ nhãn hiệu; kết nối, giới thiệu các sản phẩm nông sản của tỉnh với chủ đề “Kết nối nông sản - san sẻ yêu thương vượt qua đại dịch”; tổ chức “Tuần lễ nông sản và thực phẩm an toàn Sơn La tại Siêu thị BigC Thăng Long (Hà Nội), tổ chức cho các doanh nghiệp, HTX tham gia Hội chợ OCOP Quảng Ninh; Hội chợ đặc sản vùng miền tại Hà Nội...

Hiện nay, hệ thống tiêu dùng hàng hóa trong tỉnh đã phát triển khá toàn diện, với 1 trung tâm thương mại, 5 siêu thị, 104 chợ truyền thống, trên 16.000 cửa hàng, cơ sở bán lẻ các loại; gần 50 cơ sở, xưởng, nhà máy chế biến nông sản. Nhiều mặt hàng nông sản, đặc biệt là các sản phẩm OCOP của tỉnh, như: Chè, sữa, mật ong, long nhãn, xoài, nhãn... có mặt tại các siêu thị, chợ và đang chinh phục được người tiêu dùng trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu.

Tại huyện Yên Châu, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, các xã, thị trấn vận động đoàn viên, hội viên, người dân tích cực hưởng ứng Cuộc vận động. Tuyên truyền hưởng ứng “Ngày quyền của người tiêu dùng thế giới” và phổ biến “Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.

Điểm nổi bật trong thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn huyện Yên Châu là xây dựng thương hiệu và chuỗi liên kết sản xuất nông sản địa phương để đưa nông sản vào thị trường; trong đó, hai sản phẩm được chứng nhận thương hiệu là “Xoài tròn Yên Châu” được cấp chỉ dẫn địa lý và “Chuối Yên Châu” được cấp nhãn hiệu chứng nhận. Các sản phẩm khác được sử dụng nhãn hiệu chứng nhận mang địa danh Sơn La, gồm: Xoài da xanh, nhãn, mận hậu, bơ, chanh leo, cà phê, rau an toàn; 6 sản phẩm OCOP, gồm: Xoài sấy dẻo, chuối sấy giòn, chuối sấy dẻo, rượu chuối, tỏi đen Yên Châu và tinh bột nghệ được đánh giá xếp hạng 3 và 4 sao.

Gian hàng trưng bày hoa quả Việt tại siêu thị VinMart Sơn La.

Gian hàng trưng bày hoa quả Việt tại siêu thị VinMart Sơn La.

Anh Lò Văn Đào, Giám đốc HTX Tâm Thịnh, xã Sặp Vạt, huyện Yên Châu, thông tin: HTX có 10 thành viên, trồng 24 ha xoài tròn và xoài tượng da xanh. Năm 2017, say khi huyện Yên Châu được cấp chỉ dẫn địa lý, sản phẩm xoài được thị trường nhiều tỉnh, thành phố biết đến và tiêu thụ khá nhanh. Các thành viên HTX luôn tuân thủ việc chăm sóc, áp dụng quy trình VietGAP. Vụ xoài năm 2021, mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng xoài của HTX vẫn được thương lái từ Hà Nội, Hòa Bình, Nam Định thu mua.

Chị Vũ Thị Hương, phường Chiềng Lề, Thành phố, cho biết: Trước đây, gia đình tôi thường sử dụng các loại trái cây nhập khẩu. Những năm gần đây, các loại nông sản trong tỉnh sản xuất đã có chứng nhận an toàn thực phẩm, lại sẵn mùa nào thức đấy, giá hợp lý, nên không có lý do gì không mua. Bên cạnh đó, những vật dụng hằng ngày tôi cũng đều đến siêu thị lựa chọn các thương hiệu trong nước, bởi chất lượng không thua kém gì hàng nhập khẩu.

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tiếp tục lan tỏa đã góp phần tạo chuyển biến và hình thành thói quen sử dụng hàng Việt Nam của các gia đình, từ đó, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất ra nhiều hàng Việt có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Nguyễn Thư

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/hinh-thanh-thoi-quen-su-dung-hang-viet-nam-46827