Hình tượng Bạch Tuyết qua thời gian

Bạch Tuyết vẫn tiếp tục được các nhà sáng tạo, những người kể chuyện khai thác theo góc nhìn mới, phản ảnh hơi thở của thời đại.

Bạch Tuyết và bảy chú lùn là câu chuyện có lịch sử hàng thế kỷ, bắt nguồn từ truyện dân gian châu Âu trước thế kỷ 18, với nhiều dị bản xuất hiện trong các nền văn hóa khác nhau. Vào thế kỷ 17, tại Italy, Giambattista Basile viết truyện Pentamerone (Tựa tiếng Anh: The Young Slave - Người nô lệ trẻ) vào năm 1634, kể về một cô gái chìm vào giấc ngủ mê man do một lời nguyền ma thuật.

Ở Đức phổ biến giai thoại truyền miệng về một người mẹ ghen tuông và một cô gái bị đầu độc. Một số nhà sử học cho rằng nhân vật Bạch Tuyết có thể lấy cảm hứng từ những nhân vật lịch sử có thật, chẳng hạn Margaretha von Waldeck - nữ quý tộc Đức sống vào thế kỷ 16, hay Maria Sophia von Erthal - nữ bá tước ở thế kỷ 18.

 Một số phiên bản truyện cổ Grimm đang phát hành tại Việt Nam.

Một số phiên bản truyện cổ Grimm đang phát hành tại Việt Nam.

Câu chuyện rùng rợn của anh em nhà Grimm

Phiên bản thành văn của truyện Bạch Tuyết và bảy chú lùn mà người ta biết đến ngày nay xuất hiện lần đầu vào năm 1812, trong ấn bản đầu tiên tuyển tập Truyện kể cho trẻ em và gia đình (Kinder- und Hausmärchen) của anh em nhà Grimm. Trong cuốn sách này, câu chuyện có tựa đề Schneewittchen ("Snow White" hay "Bạch Tuyết" trong tiếng Đức), được đánh số truyện thứ 53.

Câu chuyện này đầy đủ các chi tiết: nàng công chúa bị hoàng hậu ghen ghét vì sắc đẹp, rồi bị bỏ trong rừng, thoát chết nhờ thợ săn tha cho, sống với bảy chú lùn; sau đó ba lần mắc bẫy của hoàng hậu, lần cuối cùng ăn phải táo độc và nằm bất tỉnh đến khi lời nguyền được hóa giải vì người hầu của hoàng tử vấp ngã trong lúc khiêng quan tài nàng và làm miếng táo rơi ra. Cơ bản giống với truyện mà đa phần trẻ nhỏ ngày nay đều được nghe.

Tuy nhiên, chi tiết rùng rợn nhất trong bản này về sau đã được thay đổi: nhân vật phản diện độc ác bị gán cho người mẹ kế mà vốn dĩ trong lần xuất bản đầu tiên, là người mẹ ruột của Bạch Tuyết. Các tác giả đã thêm vào nhân vật mẹ kế, sửa lại để các ấn bản về sau phù hợp hơn với nhãn quan đạo đức của số đông.

Bạch Tuyết trong truyện sinh ra đã là "cô con gái da trắng như tuyết, môi đỏ như son và tóc đen nhánh như gỗ mun". Nàng "càng lớn, càng đẹp", "lên bảy nàng đẹp như nắng sớm mai và đẹp hơn chính cả hoàng hậu".

Tính cách của Bạch Tuyết thể hiện qua cách cô ứng xử trong các tình huống truyện, dù được diễn tả khá hạn chế: Cô hành xử cần thiết để giữ được mạng sống (van xin người thợ săn, ăn khi đói). Vốn là công chúa nhưng Bạch Tuyết không ngại khó, chịu làm việc nhà để được ở lại cùng các chú lùn. Tuy nhiên, cô gái trẻ lại nhẹ dạ, cả tin nên hết lần này đến lần khác bị hoàng hậu hãm hại.

 Bạch Tuyết trong phim hoạt hình năm 1937 (trái) và trong phiên bản phim người đóng năm 2025. Ảnh: Hollywood Reporter.

Bạch Tuyết trong phim hoạt hình năm 1937 (trái) và trong phiên bản phim người đóng năm 2025. Ảnh: Hollywood Reporter.

Chuyển thể điện ảnh và nỗ lực làm mới

Phiên bản chuyển thể nổi tiếng nhất của Bạch Tuyết và bảy chú lùn xuất hiện vào năm 1937, do Walt Disney sản xuất và phát hành. Phiên bản này đã gia giảm nét đen tối trong phiên bản truyện cổ Grimm như loại bỏ hai lần mưu hại đầu tiên của hoàng hậu, chỉ giữ lại chi tiết quả táo độc.

Bảy chú lùn được đặt tên và xây dựng với những tính cách riêng biệt: Doc, Grumpy, Happy, Sleepy, Bashful, Sneezy và Dopey. Đặc biệt, Bạch Tuyết được đánh thức không phải nhờ một sự cố tình cờ mà bằng nụ hôn của tình yêu đích thực. Bộ phim trở thành hiện tượng, thu về 8 triệu USD trong thời kỳ Đại suy thoái và mở ra kỷ nguyên mới cho ngành công nghiệp phim hoạt hình.

Suốt thế kỷ 20, Bạch Tuyết tiếp tục được chuyển thể hàng trăm lần trên sân khấu và màn ảnh (cả phim hoạt hình và phim người đóng). Những phiên bản chuyển thể trong hai thập niên đầu của thế kỷ 21 tạo điểm nhấn vì mạnh dạn làm mới cốt truyện và hình tượng nhân vật.

Nhiều bộ phim mang đến góc nhìn mới mẻ: Mirror Mirror (2012) mang phong cách hài hước và kỳ ảo, còn Snow White and the Huntsman (2012) xây dựng hình tượng Bạch Tuyết mạnh mẽ, trở thành chiến binh chống lại kẻ thù.

Trong loạt phim truyền hình Once Upon a Time (2011-2018), Bạch Tuyết là một nhà lãnh đạo kiên cường. Ngoài điện ảnh, Bạch Tuyết còn xuất hiện trong các trò chơi điện tử như Kingdom Hearts, trong sách, anime và truyện tranh, đi vào văn hóa đại chúng. Maleficent (2014) là một trường hợp đặc biệt: Phim xoay chuyển góc nhìn, qua đó hoàng hậu trở thành nhân vật chính có những tâm tư riêng.

Mới đây nhất, Snow White (2025) loại bỏ nhân vật hoàng tử, thay vào đó thêm vào nhân vật chàng trai lãnh đạo một phiến quân nổi loạn chống lại hoàng hậu. Phim gây tranh cãi ngay từ khâu casting khi chọn một diễn viên da màu vào vai Bạch Tuyết và nhận phản hồi trái chiều khi công chiếu. Tuy vậy, đây vẫn là một nỗ lực táo bạo và đáng ghi nhận của đoàn làm phim trong việc phá vỡ những định kiến vốn đóng đinh với nhân vật Bạch Tuyết.

Hình tượng Bạch Tuyết qua thời gian đã không ngừng biến đổi: từ một nàng công chúa bị động thành một hình mẫu độc lập hơn, phản ánh sự thay đổi trong quan niệm về hình mẫu người phụ nữ trong xã hội, cũng như ảnh hưởng từ những phong trào nữ quyền.

Phong Khang

Nguồn Znews: https://znews.vn/hinh-tuong-bach-tuyet-qua-thoi-gian-post1541540.html