Hình tượng con nghê trong văn hóa Việt
Nếu hình tượng con rồng biểu tượng cho sự uy nghi, quyền thế, cao quý, gắn với văn hóa cung đình thì con nghê được biết đến là linh vật mang đậm yếu tố bản địa, thấm đẫm đặc trưng, giá trị văn hóa – lịch sử, tôn giáo – tín ngưỡng, mỹ thuật Việt.
Hàng nghê gỗ tại Thái miếu nhà Hậu Lê (phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa).
Phải nói rằng, nghê là một con vật không có thật trong thế giới tự nhiên mà là sản phẩm của tâm thức, tín ngưỡng dân gian kết hợp với quá trình tiếp biến văn hóa, từ óc sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo của người nghệ nhân đục, đẽo, chạm, khắc mà thành. Không giống như hình tượng sư tử trong văn hóa Trung Hoa được thể hiện theo hướng mãnh thú, tinh quái, dữ tợn; hình tượng con nghê của Việt Nam vừa có nét gần gũi, dân dã, bình dị, thuần phục nhưng cũng không kém phần uy nghi. Do đó, bên cạnh đời sống phong phú, sinh động trong văn hóa dân gian, hình tượng nghê được “cung đình hóa”, trở thành linh thú mà các triều đại phong kiến Việt tôn kính.
Vốn là con vật hư cấu lại chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa dân gian nên về mặt tạo hình và ý nghĩa của hình tượng con nghê được thể hiện rất phong phú, đa dạng. Ngoài việc nhận biết theo hình dáng, hoa văn, tùy theo vị trí đặt, theo chức năng sử dụng, theo giai đoạn lịch sử, theo khu vực địa lý mà có sự nhìn nhận, phân loại khác nhau về hình tượng độc đáo này. Ví như, với mỗi vị trí xuất hiện, con nghê lại mang một ý nghĩa riêng. Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật, TS Trần Hậu Yên Thế - chủ biên cuốn sách “Phác họa Nghê - gã linh vật bên rìa” (nhìn từ đền Vua Đinh, Vua Lê) và cuốn sách “Nghê Việt tinh tuyển” do NXB Thế giới ấn hành nêu rõ: Con nghê nơi lăng mộ, xét trong ý nghĩa tâm linh hơi khác những con nghê chúng ta vốn quen thuộc thân thiết ở các đình làng, bởi thường thể hiện một lòng kính cẩn thương xót, bày tỏ một niềm đau đớn. Bởi lẽ, trong mỹ thuật cổ truyền vùng Viễn Đông, người ta không làm hình người khóc lóc ở lăng miếu, thay vào đó là hình các con thú. Con nghê của người Việt không có biểu hiện hung dữ, ghê gớm, hăm dọa, mà gần gũi, thể hiện tâm thức người Việt, phù hợp cảnh quan, nhân tình thế thái của người Việt. Như vậy, hình tượng nghê trong văn hóa Việt mang nhiều ý nghĩa sâu sắc, từ sự bình dị, gần gũi, đến sự chính trực, ngay thẳng, dũng mãnh, quyền uy, linh thiêng và lòng trung thành. Đây là những nét đặc trưng, độc đáo, sức hấp dẫn mà hiếm linh vật nào có được.
Tại xứ Thanh - vùng đất “địa linh nhân kiệt”, nơi lắng đọng tinh hoa văn hóa tự bao đời vẫn còn lưu giữ được những tài liệu, hiện vật minh chứng sinh động, thuyết phục cho sức sống bền bỉ của hình tượng con nghê trong tâm thức, đời sống văn hóa Việt.
Trong lời ca dao ca ngợi nghề mộc xứ Thanh (vì là ca dao nên lời ca tồn tại nhiều dị bản), nghê là linh vật đầu tiên được nhắc đến:
Anh đi làm thợ nơi nào
Để em gánh đục, gánh bào đi theo
Cột queo anh đẽo cho ngay
Anh bào cho thẳng, anh xoay mọi bề
Bốn cửa chạm bốn con nghê,
Bốn con nghê đực chầu về tổ tông.
Những câu ca dao ấy khiến mỗi người trong chúng ta, khi bước chân vào Thái miếu nhà Hậu Lê (phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa) không khỏi bồi hồi, xao xuyến nghĩ về người xưa. Theo những tài liệu ghi chép lại, để tri ân và tôn vinh công lao to lớn của vương triều Hậu Lê, năm 1805, Vua Gia Long đã cho dời Thái miếu nhà Hậu Lê từ Thăng Long về đất Bố Vệ (nay là phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa). Thái miếu được xây dựng trên nền điện “Chiêu hòa” cũ – vốn là điện thờ Tuyên Từ Nhân ý, Chiêu túc Hoàng Thái hậu, vợ của Vua Lê Thái tông. Nơi đây thờ các vị hoàng đế, hoàng thái hậu cùng các công thần triều Hậu Lê. Dưới thời nhà Nguyễn, nơi đây được coi là “Quốc miếu”. Thái miếu được khởi dựng với quy mô khá rộng lớn, nhiều lớp điện thờ gồm những tòa ngang dãy dọc, bố cục cân xứng, hài hòa theo kết cấu truyền thống, tạo nên một không gian thờ phụng trang nghiêm, bề thế. Mang nét đặc trưng của kiến trúc thời Lê – Nguyễn, thái miếu có các hạng mục: nghinh môn, bình phong, sân điện, nhà hữu vu, nhà tả vu, điện thờ... có kết cấu theo lối chữ “nhị” (gần như kiểu trùng thềm điệp ốc). Trong đó, trung tâm là điện thờ (tiền điện và hậu điện) gồm 7 gian, mái lợp ngói mũi hài. Với những giá trị về văn hóa, lịch sử, năm 1995, Thái miếu nhà Hậu Lê được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp bằng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Tồn tại suốt chiều dài 200 năm lịch sử, vượt qua biết bao thăng trầm, biến thiên của lịch sử, bào mòn của thời gian, Thái miếu nhà Hậu Lê không còn giữ được diện mạo như xưa. Diện tích khuôn viên thu hẹp, thay vào đó là đường làng, ngõ phố tấp nập người qua lại và những ngôi nhà cao tầng, kiên cố mọc lên san sát. Tuy nhiên, dẫu trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, đến nay, Thái miếu nhà Hậu Lê vẫn còn lưu giữ được nhiều hiện vật cổ, như: nghê gỗ, cột, kèo, xà, kẻ bằng gỗ lim, bức đại tự, thánh vị, long ngai. Trong đó, hàng nghê gỗ uy nghiêm đứng chầu ngay trước cửa điện thờ là một trong những hiện vật độc đáo, hàm chứa giá trị văn hóa – lịch sử, mỹ thuật sâu sắc. Được biết, hàng nghê gỗ tại Thái miếu nhà Hậu Lê có từ thế kỷ XVII, được làm bằng gỗ mít. Mặc dù được thể hiện với kích thước to, nhỏ khác nhau nhưng tất cả những con nghê ấy đều thu hút người xem bởi các đường nét chạm khắc tinh xảo, tài hoa, thế ngẩng cao đầu oai vệ, tôn nghiêm nhưng vẫn không mất đi nét gần gũi, thân thuộc. Theo quan sát ban đầu, những con nghê trước điện thờ của Thái miếu nhà Hậu Lê mang nhiều nét đặc trưng của kỳ lân nghê mình vẩy, lưng có kỳ, đầu không có sừng vốn xuất hiện nhiều từ thời Nguyễn, ở những nơi tôn nghiêm của hoàng triều.
Nếu tượng nghê ở Thái miếu nhà Hậu Lê là minh chứng sinh động dưới góc độ hiện vật thì tấm văn bia “Minh tịnh tự bi văn” thời Lý được lưu giữ tại khu văn hóa thôn Thọ Văn, xã Hoằng Phúc (nay là thị trấn Bút Sơn), huyện Hoằng Hóa được xem như tư liệu thuyết phục về vai trò, ý nghĩa, sức sống của hình tượng này trong dòng chảy văn hóa xứ Thanh nói riêng, văn hóa Việt nói chung dưới góc độ văn bản học. Theo Thông báo Hán Nôm học (2000) và bài viết “Tấm bia đời Lý tại huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa” của tác giả Phạm Văn Thắm đăng tải trên Tạp chí Hán Nôm số 5-2003 cho biết: Tấm bia được dựng vào ngày 15 tháng 2 năm Canh Ngọ, niên hiệu Quảng Hựu 6 (1090).
Theo công trình nghiên cứu “Văn khắc Hán Nôm Việt Nam, tập 1” do Viện Nghiên cứu Hán Nôm và Viễn Đông Bác cổ xuất bản năm 1996 thì số bia từ thời Bắc thuộc đến thời nhà Lý cả nước có tổng số 27 bia và chuông, riêng Thanh Hóa có 6 bia. Chiếu theo thời gian dựng bia thì “Minh tịnh tự bi văn” là tấm bia cổ thứ hai, xếp sau Đại Tùy Cửu Chân quận Bảo An Đạo tràng chi bi văn, dựng năm 618 tại huyện Đông Sơn. Nội dung tấm bia chủ yếu nói về việc lập chùa Minh Tịnh, ca ngợi công đức của Sùng Nghi sứ Hoàng Khánh Văn. Điều đặc biệt, trong nội dung của văn bia có nhắc đến việc xây đài nghê, tòa sư tử: Ngôi chùa như tòa long cung nguy nga, sừng sững trên mặt đất, các đấu trụ tựa sao trời, vì kèo như vành trăng treo. Bậc thánh sắc vẻ tôn nghiêm, hiện trên đài sen, tượng A Di Đà sơn son rực rỡ, lại (đặt) thêm đài nghê, tòa sư tử. Như vậy, tấm bia “Minh tịnh tự bi văn” có giá trị văn hóa – lịch sử, khoa học rất lớn. Nó không chỉ là một trong những cứ liệu lịch sử xác định Danh xưng Thanh Hóa mà còn là tấm bia vào loại sớm nhất nhắc đến kiểu thức đài nghê, tòa sư tử và ghi rõ danh tính ba nghệ nhân thực hiện là Tô Diên Thái, Hoàng Bí và Hoàng Thiệu.
Ngoài các di tích, hiện vật kể trên, khi ghé thăm Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, giữa không gian trưng bày ngoài trời với nhiều hiện vật gắn với các giai đoạn, thời kỳ lịch sử của tỉnh, người xem không khỏi thích thú khi ngắm nhìn các mẫu tượng nghê đá với tư thế, hình dáng, cách thức chạm khắc, đục đẽo hoa văn trang trí khác nhau vào thời Lê Trung hưng, thế kỷ XVII – XVIII được sưu tầm từ nhiều nơi trên địa bàn tỉnh đưa về đây như: cổng phía Bắc, thành Thanh Hóa, xã Thọ Hạc, Đông Sơn (nay là TP Thanh Hóa), huyện Cẩm Thủy...
Dẫn chứng ra đây để thấy rằng, tuy là con vật hư cấu và chịu ảnh hưởng đậm nét của văn hóa dân gian nhưng hình tượng nghê vẫn có một mẫu số chung, đó là “căn tính văn hóa, một thân phận văn hóa gắn với người Việt”, đúng như nhà nghiên cứu mỹ thuật, TS Trần Hậu Yên Thế nhận định. Với giá trị, ý nghĩa nhân văn sâu sắc cùng sức sống bền bỉ của hình tượng con nghê trong dòng chảy văn hóa – lịch sử dân tộc, thiết nghĩ, “gã linh vật bên rìa” này cần được quan tâm, đầu tư, nghiên cứu, bảo tồn sâu và rộng hơn nữa từ các nhà nghiên cứu và các cấp, ban, ngành có liên quan theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.