Hình tượng con trâu chăm chỉ, bền bỉ, no đủ và thịnh vượng
Trong văn hóa thế giới, đặc biệt ở những quốc gia nông nghiệp, con trâu là hình ảnh quen thuộc, gắn bó thân thiết với người nông dân. Con trâu không chỉ là nguồn sức kéo mà đã đi vào đời sống văn hóa các dân tộc hết sức đa dạng, phong phú với những biểu tượng, ý nghĩa độc đáo, không chỉ bởi đặc điểm thích nghi với môi trường khắc nghiệt hay đặc tính ôn hòa, chúng còn là biểu tượng của sự chăm chỉ, chịu được gian khổ và no đủ, thịnh vượng.
Philippines: Trâu là biểu tượng quốc gia
Trên thế giới, nhiều quốc gia lấy con vật để đại diện cho đất nước như biểu tượng của Mỹ là đại bàng, nước Anh là sư tử dũng mãnh, Trung Quốc là con rồng… Mặc dù loài trâu nước khá phổ biến ở các quốc gia Đông Nam Á, nhưng ở Philippines, loài trâu (Carabao) có một vị trí đặc biệt - là con vật biểu tượng của quốc gia.
Con trâu được người dân Philippines tượng trưng cho sức mạnh, quyền lực, hiệu quả, sự kiên trì và hơn hết là đức tính chăm chỉ, cần cù. Con trâu đã được Tổng thống đầu tiên của Philippines Emilio Aguinaldo tuyên bố là biểu tượng quốc gia vì sự đóng góp của loài vật này cho cuộc cách mạng Philippines lần thứ nhất. Con vật này đã được xem là “bạn đồng hành” của người dân Philippines kể từ đó. Người nông dân Philippines coi trâu Carabao như là một thành viên trong gia đình. Trâu Carabao mạnh mẽ, ngoan ngoãn và dễ huấn luyện, là “người bạn tốt nhất của người Philippines”. Nhà sử học nổi tiếng người Philippines Ambeth Ocampo đã kể câu chuyện về những con vật này đã giúp người dân Philippines chống lại kẻ thù xâm lược, khi chúng xông vào tấn công kẻ thù vì “có mùi khác lạ, không giống với mùi thân thuộc của người dân Philippines”.
Con trâu là yếu tố không thể thiếu đối với nền kinh tế Philippines và ăn sâu vào nền văn hóa nước này. Về mặt kinh tế, con trâu đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp như cày ruộng, kéo gỗ và các vật liệu khác cùng với loại xe phổ biến ở nước này có tên gọi là “karriton” (xe đẩy) và “kerata” (xe trượt). Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, thật khó có thể tưởng tượng được nền nông nghiệp Philippines sẽ ra sao nếu không có trâu Carabao. Trong lịch sử, đã hai lần nền nông nghiệp Philippines bị ảnh hưởng nghiêm trọng do số lượng trâu suy giảm. Lần thứ nhất là vào những năm 1900 khi số trâu bị suy giảm do dịch bệnh và nạn châu chấu phá hủy nguồn thức ăn nuôi trâu. Lúc đó, số lượng trâu đã giảm tới 90%, kéo theo nó là sản lượng lương thực sụt giảm nghiêm trọng. Lần thứ hai, khi xâm lược Philippines, quân Nhật không chỉ tịch thu gạo mà còn bắn chết hết trâu bởi chúng nghi trâu được sử dụng để vận chuyển vũ khí cho quân đội Philippines.
Đối với người dân Philippines, trâu Carabao không chỉ đơn thuần là một con vật nuôi gắn bó thân thiết, nó còn là biểu tượng cho sự chăm chỉ, cần cù và hết đỗi mạnh mẽ, kiên cường của người dân Philippines. Trải qua những khó khăn trong quá khứ, người dân Philippines xem con trâu là đại diện cho lịch sử và sức mạnh của con người và quốc gia.
Thái Lan: “Người bạn” của người nông dân cày ruộng
Thái Lan là một trong những nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Trước đây, con trâu đóng vai trò quan trọng trong nền nông nghiệp sản xuất lúa gạo, là “người bạn” của người nông dân cày ruộng. Có mối quan hệ gần gũi với đời sống của người nông dân nên loài vật này được coi là biểu tượng của văn hóa xứ sở Chùa Vàng.
Trâu Thái kích thước lớn và cặp sừng nhìn có chút đáng sợ, nhưng loài vật này lại rất hiền lành và ngoan ngoãn. Là loài có sức kéo tốt, trâu là con vật lý tưởng giúp người nông dân cày bừa dưới ruộng bùn nhờ móng guốc lớn và các khớp linh hoạt. Đối với ruộng lúa nhỏ, trâu là phương tiện canh tác hiệu quả và tiết kiệm nhất. Ngoài việc cày bừa, chúng còn được sử dụng để tuốt lúa và vận chuyển trong vụ thu hoạch lúa. Ngày xưa, khi người nông dân đập lúa với số lượng lớn, họ sử dụng trâu thay cho sức người. Một con trâu được buộc vào một cái sào thẳng đứng để ném những thân lúa đã gặt, trâu đi vòng vòng luồn trên thân cây để tách hạt lúa ra khỏi thân.
Trâu nước đã được nông dân Thái Lan sử dụng làm sức kéo trong nhiều thế kỷ. Trước đây, số lượng trâu đã trở thành thước đo giàu nghèo của mỗi gia đình. Ngày nay chỉ còn một số ít ruộng lúa ở vùng sâu vùng xa vẫn sử dụng trâu nước để cày. Do số lượng của chúng giảm mạnh, nhiều người lo ngại rằng trâu nước có thể dần biến mất ở Thái Lan. Chính bởi vậy, vào ngày 7-3-2017, Chính phủ Thái Lan đã quyết định thông qua “Ngày bảo tồn trâu Thái Lan” theo đề xuất của Bộ Nông nghiệp với mục tiêu nâng cao tầm quan trọng của việc bảo tồn loài vật được xem là một biểu tượng của văn hóa Thái. Ngày 14-5 hàng năm được chọn là Ngày bảo tồn loài trâu, bởi vào ngày này năm 1980, cố Quốc vương Bhumibol Adulyadej tuyên bố thành lập “ngân hàng gia súc” như một biện pháp bảo tồn gia súc, cho phép người nông dân được vay hay mua trâu với giá hợp lý.
Cùng với đó, Thái Lan cũng có làng bảo tồn trâu được thành lập năm 2002 ở huyện Sri Prachan, tỉnh Suphan Buri, cách Thủ đô Bangkok khoảng 120km. Làng Bảo tồn Trâu được thành lập để bảo tồn trâu nước Thái Lan vốn được coi là xương sống của nền nông nghiệp Thái Lan, cũng như để thúc đẩy tầm quan trọng của nó trong đời sống của nông dân Thái Lan. Trâu được nuôi ở ngôi làng này nhằm sinh sản và tăng dân số. Nó cũng được nhắm đến là một điểm du lịch sinh thái tập trung vào việc bảo tồn trâu và sản xuất lúa gạo.
Trâu là biểu tượng của nông nghiệp Thái Lan và đời sống nông thôn Thái Lan. Bởi vậy, trong số hàng nghìn lễ hội của người Thái, Lễ hội Wing Kwai (Đua trâu) là một trong những lễ hội độc đáo nhất của Thái Lan. Lễ hội bắt nguồn từ thế kỷ XIX khi những người nông dân muốn bày tỏ lòng biết ơn đối với những con vật đã làm việc với họ trên đồng ruộng.
Việt Nam: Con trâu biểu tượng cho sức mạnh bền bỉ của dân tộc
Con trâu rất quen thuộc với người dân Việt Nam bởi loài vật này gắn liền với sự phát triển của nền văn minh lúa nước. Từ bao đời nay, người Việt luôn lấy hình tượng con trâu là “đầu cơ nghiệp” gắn bó với người nông dân, là sức mạnh của dân tộc Việt Nam vì sự bền bỉ, đức tính hiền lành, mạnh mẽ, là biểu tượng của sự an lành, no đủ... Con trâu với đặc tính hiền lành, chăm chỉ, chịu khó, sức vóc to lớn khỏe mạnh biểu trưng cho sức khỏe, dũng mãnh, thiện chiến, không chịu khuất phục. Câu chuyện “Trâu đoàn kết giết hổ” là một bài học về tinh thần đoàn kết, hiệp đồng sức mạnh để chống lại kẻ thù. Người nông dân Việt Nam tìm thấy trong con trâu sức mạnh quật cường của một dân tộc yêu hòa bình nhưng thượng võ, bất khuất, kiên cường.
Hình ảnh con trâu được thể hiện trên nhiều lĩnh vực của đời sống tinh thần của người Việt từ hàng nghìn năm qua. Hình ảnh con trâu kéo cày trên cánh đồng hay nhẩn nha gặm cỏ, đầm mình trong vũng ao hồ nước vô cùng quen thuộc, gợi lên cảm giác thanh bình của cuộc sống làng quê. Trong tranh dân gian Đông Hồ, hình ảnh con trâu gắn bó với sinh hoạt làng quê, những chú bé mục đồng để tóc chỏm thổi tiêu trên lưng trâu giữa những cánh đồng lúa chín vàng, hay bên những lũy tre xanh có những con trâu được nghỉ ngơi nhai cỏ sau những giờ làm lụng vất vả. Con trâu vàng cũng được chọn làm linh vật của SEA Games 22 tổ chức tại Việt Nam năm 2003...
Với người Việt Nam, con trâu là biểu tượng cho sức mạnh bền bỉ, tinh thần hăng say lao động, cần cù, chăm chỉ, chịu được gian khổ và khỏe mạnh. Năm Tân Sửu - 2021, hình ảnh con trâu với những phẩm chất tốt đẹp chắc chắn sẽ mạng lại cuộc sống dồi dào, ấm no, hạnh phúc cho người dân.