Hình tượng người chiến sĩ qua tiểu thuyết 'Hừng đông'

'Hừng đông' là cuốn tiểu thuyết tư liệu về Phan Đăng Lưu (5/5/1902-28/8/1941) – nhà cách mạng tiền bối, một trí thức tiêu biểu xuất sắc của Đảng và nhân dân ta đã sống, chiến đấu, hi sinh vì lý tưởng cách mạng, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Qua cuốn tiểu thuyết “Hừng đông”, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã tái hiện chân thực, trách nhiệm và sinh động cuộc đời, sự nghiệp cách mạng sôi nổi, nhiều sáng tạo, nhiều gian khổ, hy sinh của nhà cách mạng tiền bối Pham Đăng Lưu.

Tiểu thuyết Hừng đông.

Nhân vật được tái hiện trong cuốn tiểu thuyết là người chiến sĩ cách mạng Phan Đăng Lưu quê ở thôn Đông, xã Hoa Thành (trước là xã Tràng Thành), huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An trong một gia đình nông dân có truyền thống nho học, yêu nước, yêu lao động, nhân ái, nghĩa tình. Ông sớm bộc tư chất thông minh, hiếu học, can đảm, khí khái; giỏi về chữ Hán, tiếng Pháp, văn học, nông học, chính trị học, xã hội học… Những năm tháng tuổi trẻ, Phan Đăng Lưu ấp ủ hoài bão giải phóng đất nước, đưa nước ta theo con đường độc lập, tự do, dân chủ, tiến bộ.

“Hừng Đông” là tiểu thuyết thứ 2 trong vòng hai năm trở lại đây của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ. Năm 2019, ông đã cho xuất bản tiểu thuyết “Chuyện tình Khau Vai” đây cũng là tác phẩm văn học được chuyển thể từ một kịch bản sân khấu do ông là tác giả và đã nhận được sự quan tâm của bạn đọc.

Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ trong một buổi nói chuyện về cuốn tiểu thuyết Hừng đông.

Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ trong một buổi nói chuyện về cuốn tiểu thuyết Hừng đông.

Đôi lời chia sẻ về cuốn tiểu thuyết “Hừng đông”, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ cho biết: “Thường thì từ tiểu thuyết người ta chuyển thể sang kịch bản sân khấu hoặc điện ảnh. Nhưng với cuốn tiểu thuyết này lại hơi ngược lại một chút là từ kịch bản sân khấu của vở Hừng đông chuyển thể sang tiểu thuyết. Thực ra sân khấu thì người ta phải đến sân khấu để xem hoặc trên máy tính… nhưng bây giờ muốn cảm nhận tác phẩm này dễ hơn và đến được với nhiều người thì có lẽ chuyển thể sang một ấn phẩm như cuốn sách ở trên tay thì mọi người sẽ tiếp thu hơn và tôi đã chuyển sang thành tiểu thuyết. Qua cuốn tiểu thuyết này tôi muốn nói về thân phận của một dân tộc bị áp bức bóc lột, sau đó là thân phận của những con người trong đó có cả ông Phan Đăng Lưu và những người đồng chí, đồng bào của ông. Thời kì khó máu lửa hi sinh gian khổ như vậy những người cộng sản họ sống vì lý tưởng, họ sẵn sàng hi sinh thân mình, vì nhân dân và vì dân tộc, không nghĩ bất cứ lợi ích riêng tư nào cho mình. Đó cũng là thông điệp gửi cho hôm nay và mai sau đó là chúng ta đã đang và sẽ có những người cộng sản như thế”.

Phạm Sỹ

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/hinh-tuong-nguoi-chien-si-qua-tieu-thuyet-hung-dong-548485.html