Hình xăm dưới góc nhìn văn hóa: Lựa chọn nào cũng có sự đánh đổi

Các chuyên gia văn hóa, giáo dục, người nổi tiếng kiến giải, chia sẻ kinh nghiệm quanh câu chuyện xăm mình.

Hình xăm đẹp là tác phẩm nghệ thuật, nhưng ngược lại sẽ trở thành thảm họa

Diễn viên Thu Quỳnh: Hình xăm theo ta cả cuộc đời

Diễn viên Thu Quỳnh

Diễn viên Thu Quỳnh

Với quan điểm của người sở hữu một số hình xăm, tôi nghĩ, mỗi khi mình lựa chọn và quyết định đặt một hình xăm lên da thì ngay từ đầu phải xác định nó theo mình cả cuộc đời. Có xác định vậy ta mới cân nhắc kỹ lưỡng xem nên hay không. Mẹo nhỏ của Thu Quỳnh là chọn những hình xăm có ý nghĩa với bản thân, vì thế cả chục năm qua đi không hề thấy chán. Hình xăm đầu tiên đến với tôi năm 2010, đến giờ nhìn lại vẫn thấy đẹp và yêu thích. Nó là kỷ niệm, dấu mốc ý nghĩa và là châm ngôn trong cuộc sống nên vẫn đúng. Hiện nay tôi đang hoàn thiện hình xăm cậu bé bơi dưới bụng cá voi. Đó lại là câu chuyện tình mẫu tử thiêng liêng. Khi sinh em bé xong, tôi xăm hình cậu Be (niềm tin, cũng là tên gọi thân mật của con trai Thu Quỳnh-PV). Qua thời gian dài, hình xăm nhạt dần, nét vẽ không còn sắc nét và tôi chọn sửa bằng cách xăm con cá voi bao trùm lên vị trí ấy.

Nghệ sỹ Quách Thu Phương: Lựa chọn nào cũng phải trả giá

Nghệ sỹ Quách Thu Phương

Nghệ sỹ Quách Thu Phương

Tôi thích nghệ thuật xăm, thậm chí từng mơ ước có hình xăm nho nhỏ ở vai, cánh tay hay ở cổ. Sở thích đơn giản, có thể vẻ đẹp rất quyến rũ nữa nhưng chắc có lẽ duyên chưa đến. Không phải tôi sợ đau đâu, bởi khi làm đẹp, phẫu thuật thẩm mỹ hay bất cứ lựa chọn nào ta đều phải trả giá. Điều quan trọng chúng ta có thích hay không thôi.

Hình xăm không phải là tiêu chí để đánh giá phẩm chất đạo đức hay tư cách một con người. Tôi từng gặp một số bạn sở hữu rất nhiều hình xăm trên cơ thể, nhưng khi tiếp xúc lại cực kỳ dễ thương, sống hiền lành, tử tế. Nhìn vậy mà không phải vậy là vì thế.

Tôi không kỳ thị hình xăm nhưng cũng không khuyến khích. Hình xăm là lựa chọn mang tính cá nhân, làm sao cho thật thẩm mỹ và phù hợp với mỗi người, không nên chạy theo trào lưu. Các bạn hãy cứ là chính mình, nếu mình thích thì có quyền chọn. Tuy nhiên, các bạn học sinh phải hết sức cân nhắc, để tránh phải hối hận.

PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Không tuyên chiến với cái đẹp

PGS.TS Trịnh Hòa Bình

PGS.TS Trịnh Hòa Bình

Pháp luật không nghiêm cấm người xăm hình, hay giới hạn hình xăm. Đây là vấn đề thuộc về phạm trù chuẩn mực văn hóa, đạo đức, thẩm mỹ trong xã hội. Người ta chọn xăm mình để biểu đạt cái tôi cá nhân, nhu cầu thẩm mỹ của họ. Nhiều người trẻ chọn xăm khá sớm, từ lứa tuổi học sinh. Chúng ta nên có sự định hướng cho giới trẻ chọn cách xăm hình thế nào, vị trí, kích thước, tỷ lệ hình xăm ra sao cho phù hợp với thẩm mỹ, văn hóa. Các bạn trẻ khi lựa chọn xăm hình để biểu đạt cái tôi, thì hãy chọn hình xăm mang tính nghệ thuật, truyền thông điệp, ý nghĩa sâu sắc. Còn việc xăm hình kỳ quái, tại các vị trí nhạy cảm trên cơ thể, đi ngược với thuần phong, mỹ tục, tuyên chiến với cái đẹp thì không nên.

PGS.TS Trần Thành Nam: Cân nhắc lợi, hại

PGS.TS Trần Thành Nam

Nhiều bạn trẻ tìm đến hình xăm trong phút bốc đồng, nổi loạn của tuổi trẻ, rồi sau đó hối hận, tìm cách xóa do hình xăm ở vị trí, có kích thước, hình thù… không phù hợp. Với những bạn trẻ xác định làm việc, tham gia vào các lĩnh vực, ngành nghề có tính đặc thù trong tương lai thì hãy cân nhắc thật kỹ việc xăm hình. Rõ ràng hình xăm không quyết định tất cả, không phản ánh, đại diện cho phẩm chất, năng lực, lối sống của bạn. Tuy nhiên, một số lĩnh vực, ngành nghề vẫn còn có thành kiến nhất định với hình xăm, nên nếu bạn chọn xăm hình thì sẽ ảnh hưởng, thậm chí đánh mất cơ hội.

Theo nghiên cứu gần đây, tỷ lệ người trẻ xăm hình ngày càng cao và trẻ hóa về độ tuổi. Lứa tuổi học sinh, đặc biệt độ tuổi từ 17 tuổi trở lên, các em thường có xu hướng chọn xăm hình để ghi lại dấu ấn, cảm xúc… Thay vì cấm đoán, cha mẹ, thầy cô nên định hướng cho các em, không để bị lệch chuẩn.

PGS.TS Đinh Hồng Hải: Quyền tự do cá nhân, miễn không gây hại cho xã hội

PGS.TS Đinh Hồng Hải

PGS.TS Đinh Hồng Hải

Hình xăm là nét văn hóa đã xuất hiện từ giai đoạn Đồ đá mới đến nay. Tương tự, ông cha ta có tục xăm mình từ cổ xưa. Trong không gian xã hội hiện nay, giữa người thích và không thích, giữa người thực hiện và người khước từ xăm mình vẫn còn nhiều tranh luận.

Ở phương tây, hình xăm khá phổ biến ở giới ngôi sao bóng đá, người mẫu, nghệ sỹ... Thế nhưng một số ngành nghề, lĩnh vực khác như giảng viên, quân nhân, cảnh sát, chính trị gia, không nhiều người xăm mình, nếu có phải rất kín đáo.

Tôi cho rằng, trong một môi trường đặc thù như môi trường sư phạm, cả học sinh và thầy cô giáo đều phải xác định mình là ai, ở vị trí nào trong xã hội. Trong không gian riêng tư của gia đình, dĩ nhiên giáo viên có quyền tự do cá nhân của họ. Nhưng khi xuất hiện trước học sinh, giáo viên cần giữ đúng chuẩn mực.

NGUYÊN KHÁNH - LƯU TRINH (ghi)

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/hinh-xam-duoi-goc-nhin-van-hoa-lua-chon-nao-cung-co-su-danh-doi-post1381415.tpo