'Hít thở thôi cũng là điều xa xỉ ở Delhi lúc này'
Người nhà bệnh nhân phải đi cầu xin oxy cho người thân. Hầu hết bệnh viện đều cạn kiệt dưỡng khí. Tại các thành phố bị ảnh hưởng nặng do Covid-19, 'hít thở là điều xa xỉ'.
Ấn Độ đã ghi nhận gần 1 triệu ca nhiễm Covid-19 mới chỉ trong vòng 3 ngày, trong đó có 346.786 trường hợp mới công bố vào ngày 24/4.
Một quan chức cho biết tại bệnh viện Jaipur Golden ở Delhi, hơn 20 người chết trong đêm 24/4 vì thiếu oxy, theo BBC.
Chính phủ khẳng định họ đang triển khai các chuyến tàu khẩn cấp và lực lượng không quân để tiếp tế dưỡng khí đến các khu vực bị ảnh hưởng nặng.
Số người chết trên khắp Ấn Độ là 2.263 vào ngày 23/4 và tăng lên 2.624 người vào ngày 24/4.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết tình hình ở Ấn Độ là một "lời nhắc nhở tàn khốc" về những gì Covid-19 có thể gây ra.
“Oxy, oxy, ông có thể tìm oxy cho tôi được không?”
Phóng viên Soutik Biswas của BBC cho biết sáng sớm 24/4, ông nhận được điện thoại từ một phụ nữ nhờ ông tìm nguồn dưỡng khí. Chồng của cô đang giằng co với tử thần tại một bệnh viện ở Delhi.
“Lại thêm một ngày nữa mà việc hít thở thôi cũng là một điều xa xỉ đối với nhiều người ở thành phố này”, Biswas tự nhủ.
“Xen kẽ những âm thanh bíp bíp từ màn hình theo dõi bệnh nhân, người phụ nữ nói rằng lượng bão hòa oxy của chồng cô ấy đã giảm xuống mức 58 - mức rất nguy hại đến tính mạng. Một lúc sau, chỉ số tăng lên 62”.
Con số này nếu dưới 92 đã là điều đáng lo ngại.
Ông Biswas đã thực hiện các cuộc gọi khẩn cấp và nhắn tin cho một người bạn bác sĩ làm việc trong lĩnh vực chăm sóc đặc biệt để xin giúp đỡ. Bệnh viện thậm chí không có máy đo lưu lượng oxy dự phòng, vì vậy người vợ phải kêu gọi trên Twitter để tìm mua một chiếc.
Ông Biswas chia sẻ rằng trên trang nhất một tờ báo mà ông đọc có bức ảnh chụp 3 người xa lạ cùng dùng một bình oxy để có thể níu kéo sự sống. Họ là những nạn nhân “bị cuốn vào thảm kịch do sơ suất của chính phủ gây ra”.
Trong khu chung cư Biswas sinh sống, cư dân đang cố mua một số máy tạo oxy phòng trường hợp ai đó “cần trợ thở”. 57 cư dân bị nhiễm bệnh và bị cách ly trong nhà riêng.
“Bệnh nhân phải tự lo cho mình. Đối với nhiều người, họ đang chờ cái chết đến từ từ”, ông Biswas nói.
Cạn kiệt oxy
“Các anh có thấy cá bị vớt ra khỏi nước thì thế nào chưa? Hơn 20 bệnh nhân đã chết (trong một đêm ở một bệnh viện) vì không có dưỡng khí. Điều này thật không tưởng tượng nổi. Họ hấp hối giống như cá bị vớt ra khỏi nước vậy”, một người nhà bệnh nhân vừa qua đời đêm 24/4 bức xúc chia sẻ với ANI.
Một người phụ nữ khác vừa mất chồng nghẹn ngào: “Chồng tôi chết vì bệnh viện cạn oxy, họ đã giết anh ấy. Họ nói tim anh ấy ngừng đập. Làm sao mà họ có thể để 22, 23 người chết như thế cùng một lúc được chứ?”.
Các bệnh viện ở Delhi đã cảnh báo rằng họ đang ở mức “vỡ trận”. Tại bệnh viện Holy Family, các khoa chăm sóc đặc biệt đã chật kín và không còn chỗ cho thêm giường.
“Hầu hết bệnh viện đều đang trên bờ vực. Nếu hết oxy, nhiều bệnh nhân sẽ không còn cách nào khác”, bác sĩ Sumit Ray nói với BBC.
“Trong vòng vài phút, họ sẽ chết. Những bệnh nhân này, họ đang thở máy, họ cần oxy lưu lượng cao. Nếu hết oxy, hầu hết họ sẽ chết ”.
Tại bệnh viện Jaipur Golden, một bác sĩ nói với BBC rằng chính phủ đã phân phối 3,6 tấn oxy, được giao vào 17h ngày 23/4 (giờ địa phương). Tuy nhiên, mãi đến nửa đêm, bệnh viện mới nhận được, và lượng này chỉ chiếm một phần nhỏ so với những gì chính phủ đã hứa.
Hãng tin Reuters đưa tin vào ngày 23/4, Thủ hiến Delhi Arvind Kejriwal thậm chí đã xin tiếp tế oxy trên truyền hình trực tiếp.
“Tất cả các cơ sở sản xuất oxy của đất nước nên được chính phủ tiếp quản ngay lập tức”, ông nói.
“Bệnh viện nào cũng cạn kiệt oxy. Chúng tôi sắp hết dưỡng khí rồi", ông Sudhanshu Bankata, giám đốc điều hành của bệnh viện Batra hàng đầu ở thủ đô, nói với kênh New Delhi Television.
Một tòa án cấp cao ở Delhi đã cảnh báo vào ngày 24/4 rằng họ sẽ "treo cổ" bất kỳ ai cố gắng cản trở việc cung cấp oxy khẩn cấp. Họ cho biết hiện có nhiều bằng chứng cho thấy một số chính quyền địa phương đang chuyển dưỡng khí đến các bệnh viện trong khu vực của họ.
Tòa án này cũng gọi đợt bùng phát nghiêm trọng này của Ấn Độ là một “cơn sóng thần”.
Hậu quả của tự mãn
Đầu năm nay, chính phủ Ấn Độ tin rằng họ đã đánh bại được virus. Vào giữa tháng 2, số ca mắc mới đã giảm xuống còn 11.000 ca. Đến tháng 3, bộ trưởng Y tế cho biết Ấn Độ đang ở "giai đoạn cuối" của đại dịch.
Tuy nhiên, sau đó, một làn sóng mới đã nổ ra. Nguyên nhân được cho là một số biến chủng mới đã bắt đầu xuất hiện ở Ấn Độ.
Thế nhưng, nhiều chuyên gia y tế và nhà phê bình cho rằng sự chủ quan mới là nguyên nhân chính.
Họ nói rằng việc số ca nhiễm giảm tại Ấn Độ vào cuối năm ngoái đã khiến các nhà chức trách tự mãn. Chính quyền đã cho phép hoạt động các lễ hội tôn giáo và biểu tình bầu cử, biến những sự kiện này thành các cụm siêu lây nhiễm.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Amit Shah, cũng như các chính trị gia đối lập trong tháng này đã tham gia các cuộc vận động bầu cử ở 5 bang đông dân. Hàng chục nghìn người tham gia không đeo khẩu trang. Không có biện pháp giãn cách nào được thực hiện.
Ngoài ra, các nhà lãnh đạo tôn giáo và hàng trăm nghìn tín đồ Hindu giáo đã xuống bờ sông Hằng ở thành phố Haridwar, miền bắc Ấn Độ vào tháng trước để tham gia lễ hội Kumbh Mela.
“Các nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo đã trở thành gương cho nhiều người. Họ không hề tuân theo các quy định hạn chế mà họ vẫn hay bảo mọi người nên tuân theo”, Tiến sĩ Vineeta Bal, người nghiên cứu hệ thống miễn dịch tại Viện Nghiên cứu và Giáo dục Khoa học Ấn Độ ở thành phố Pune, nhận xét.
Đúc kết lại công tác chống dịch của chính phủ, cô cho rằng tình cảnh hiện tại của Ấn Độ là do “thất bại trong quản lý, thất bại trong dự đoán, thất bại trong việc lập kế hoạch, cùng với đó là suy nghĩ rằng đã chinh phục được virus".
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hit-tho-thoi-cung-la-dieu-xa-xi-o-delhi-luc-nay-post1208096.html