Hiu hắt đường sắt - Bài 3: Dâu bể bên thanh ray
Thị phần vận tải đường sắt nay chỉ còn 1%, nhưng vẫn phải trả lương cho một lượng nhân sự khổng lồ 27.000 người, nên khó khăn bủa vây tứ bề. Từ tiếp viên toa xe đến thư ký vận tải, từ người gác chắn đến tuần đường… đời sống ngày cứ bó hẹp với thu nhập không cao. Với họ, số phận cuộc đời nặng hơn cả thanh ray trần ai.
Xa rồi thời hoàng kim
Từ năm 2010 trở về trước, thời kỳ hoàng kim, nhân viên đường sắt có mức lương “khủng”. Có khi phải chạy chọt mới vào được đường sắt. Xa hơn nữa, thời Pháp thuộc, làm nhân viên hỏa xa, lương nuôi được cả nhà một cách sung túc.
Còn 10 năm trở lại đây, đường sắt không còn khả năng cạnh tranh nổi đường bộ và hàng không nên phải chòi đạp đủ cách, toàn ngành phụ thuộc vào ray đơn.
Trong hành trình trải nghiệm các đoàn tàu Sài Gòn - Phan Thiết (SPT2), Sài Gòn - Nha Trang (SN2), Sài Gòn - Hà Nội (SE4), Yên Viên - Hạ Long (tàu 51501), Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Đồng Đăng (ĐĐ5/6), chúng tôi hiếm khi gặp được người trẻ làm tiếp viên trên tàu, vì lượng bán hàng giảm thấp, lương thấp. Trong đội ngũ lao động trực tiếp của ngành đường sắt, lái tàu có mức thu nhập cao nhất.
Anh Nguyễn Hữu Nam (lái chính tuyến Hà Nội - Lào Cai) cho biết thu nhập của anh được 15 triệu đồng/tháng. Nhưng cánh lái tàu đùa rằng: “Để được mức thu nhập này, lái tàu phải có thâm niên cao và… không mấy khi thấy mặt vợ con”. Trụ lại nghề là những lái tàu có thâm niên cao, còn anh em trẻ thường chỉ làm 1 - 2 năm là bỏ nghề vì đồng lương quá thấp, chỉ 5 - 6 triệu đồng/tháng, không đủ trang trải cuộc sống.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Chi nhánh đường sắt Đông Anh, cho biết: “Vất vả không kém lái tàu là đội phục vụ trên tàu, nhưng lương họ rất thấp. Trưởng tàu thâm niên cao cũng chỉ 8 - 10 triệu đồng/tháng, nhân viên phục vụ 5 - 6 triệu đồng/tháng, nhân viên gác chắn có khi chỉ 3 - 4 triệu đồng/tháng. Dự đoán là vài năm nữa, nếu tiếp tục như thế này, đường sắt sẽ rất khó tuyển thêm lao động. Không ai còn muốn vào làm đường sắt vì công việc nặng nhọc, lương thấp. Hiện Trường Cao đẳng nghề đường sắt mời gọi tuyển sinh rất hấp dẫn như miễn học phí, được các đơn vị đường sắt ký hợp đồng tuyển dụng sau khi học xong; thế nhưng thực tế là học xong rồi, có việc làm rồi, lái tàu và một số bộ phận khác vẫn bỏ việc vì thu nhập quá thấp”.
Làm thêm đủ nghề vì miếng cơm manh áo
Theo số liệu năm 1995, ngành đường sắt chiếm 11,7% lượng vận chuyển hành khách toàn quốc, hàng hóa có tỷ trọng 7,9%, nay hai hạng mục này chỉ còn 1% thị phần. Đường bộ chiếm ưu thế 72%, hàng không chiếm 22%. Ngành đường sắt đã xuống đáy.
Cũng vì thị phần giảm, lương thấp nên công nhân có thu nhập không như báo cáo thường niên và họ đang làm thêm đủ nghề. Theo khảo sát của phóng viên Báo SGGP trên các chuyến tàu, sau một ca chạy, mỗi tuần được nghỉ vài ngày, họ làm thêm việc khác vì miếng cơm manh áo.
Trên chuyến tàu Đồng Đăng ngày đầu tuần giữa tháng 8-2019, trưởng tàu Nguyễn Văn Tuấn kể: “Trừ em ra lo việc nhà vì con nhỏ, còn ai cũng đi làm thêm nhân viên truyền thông, quét sơn, gắn biển quảng cáo và nghề phụ lại cho thu nhập cao hơn nghề chính”.
Hương Thị Minh Thu kiểm soát vé kiêm bán hàng lên Đồng Đăng tâm sự: “Lương các ngành tăng đều đặn, còn đường sắt bền vững tại chỗ, mỗi tháng em nhận 4 triệu đồng, nhưng làm thêm em có thu nhập 6 triệu, nếu không làm thêm cuộc sống sẽ rất chật vật”.
Trên chuyến tàu này, lúc anh em nhân viên uống trà mạn ở khoang chở hàng, chúng tôi ngồi lại cùng tâm sự, ai cũng chùng xuống về mức thu nhập hiện tại so với cuộc sống. Khi được hỏi “nếu chọn lại, có làm với đường sắt?”, mấy anh em im lặng giữa tiếng bánh xe rít vào đường ray, một người trong số đó lắc đầu với đôi mắt ngấn nước, những người khác không ra chỉ dấu nhưng lòng nặng trĩu với hiện thực khó khăn.
Trên các đoàn tàu Bắc Nam, tình cảnh anh chị em cũng thật khó khăn. Mức lương tiếp viên 4 triệu đồng/tháng, có khi thực lãnh chỉ còn hơn 1 triệu đồng do phải đóng tiền bảo hiểm, tiền phần trăm trích lại. Khi xuống tàu, tiếp viên trở thành người lao động thời vụ như đàn ông phụ hồ, bốc vác, còn phụ nữ thì may mặc, làm nông, dọn dẹp nhà cửa thuê…
Thậm chí, nhiều trưởng, phó tàu cũng phải chạy Grab mới có thêm thu nhập. Nhiều người không chịu được đã nghỉ việc. Nguyễn Thị Thanh Huyền, trước đây làm thư ký vận tải ga Vinh (Nghệ An), vì việc không còn nhiều, mỗi năm phải nghỉ luân phiên 3 tháng không lương, đã bỏ nghề chuyển sang làm quản lý nhà hàng cho người quen.
“Ở chỗ em có 12 người nghỉ việc không lương, phải đóng bảo hiểm đợi hưu. Phân đoạn vận dụng toa xe hàng Vinh, năm 2019 các nhân viên được thông báo mỗi 3 tháng nghỉ 1 tháng không lương”, Thanh Huyền nói.
Khi phóng viên Báo SGGP hỏi về con số toàn ngành có bao nhiêu người nghỉ việc luân phiên không lương thì Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam khước từ trả lời.
Giữ lại một phần lương để… tự thưởng
Các công ty cổ phần đường sắt duy tu bảo dưỡng đường hay đơn vị cổ phần vận tải đường sắt vẫn thường báo cáo tổng kết cuối năm, lương cán bộ công nhân viên trung bình hơn 8 triệu đồng mỗi tháng.
Như vậy, ngành đường sắt có 27.000 lao động, nếu nhân với 8 triệu đồng thì quỹ lương mỗi tháng 216 tỷ đồng, mỗi năm 2.592 tỷ đồng. Nhưng đó chỉ là con số phỏng đoán, còn quỹ lương của ngành đường sắt vẫn là một ẩn số không công khai toàn bộ.
Trong cái nắng tháng 8 rát bỏng ở khu vực miền Trung, có ngồi với những công nhân duy tu, tuần đường, gác chắn của cung đường Lạc Sơn (Tuyên Hóa, Quảng Bình) mới hiểu phần nào nỗi buồn ẩn chứa trên những gương mặt mà chúng tôi đã gặp trong các cuộc hành trình cùng đường sắt.
Nhiều anh em dặn chúng tôi không nêu tên thì họ mới nói, lương không như báo cáo đã đưa ra có vẻ đèm đẹp thế. Chị L.T.H., một cấp dưỡng, cho biết: “Lương thực nhận của tôi có tháng 4 triệu đồng, tháng 4,2 triệu đồng chứ không có tháng nào tới 8 triệu đồng cả.
Nếu nhận đủ là chừng 5,1 triệu đồng, nhưng người ta trừ 20% lương, cuối năm 2018 về ăn tết được lãnh lại 11 triệu đồng. Chồng tôi trong ngành duy tu, lương nhận mỗi tháng 4,7 triệu đồng sau khi trừ 20% lương, cuối năm nhận lại 13 triệu đồng, tính theo hệ số, năm công tác”.
Người đi thưa thớt thì mọi sự cứ thế hiu hắt bên trong đường ray. Sâu trong cái bếp của cô cấp dưỡng cho đội duy tu cung Lạc Sơn là ngăn đựng củi cũ kỹ, ngọn lửa đỏ than, bữa cơm được nấu cho 18 người, mỗi suất chỉ 15.000 đồng.
Chúng tôi ghé vào, ban trưa có món canh loãng và măng già kho thịt chợ quê với không gian như kéo về thời bao cấp. Anh tuần đường vào bữa trưa sớm hơn mọi người, dùng cơm bằng tô nhựa, một mình nhai nuốt trong cái nắng quái mùa thu rồi lại cô độc rảo bước trên những thanh ray nặng nề với mồ hôi nhễ nhại. Họ thật sự như tách ra với phần còn lại của bao huyên náo cuộc đời.
Một lãnh đạo ngành đường sắt ở miền Trung thừa nhận với PV Báo SGGP việc trích lại phần trăm lương là có thật và được giải thích là: “Các bạn đang trẻ nên giữ lại để cuối năm họ có cái tết”.
Còn lãnh đạo Công ty cổ phần Đường sắt Sài Gòn cũng xác nhận, vì kinh doanh ngày mỗi khó nên giữ lại 10% lương của anh chị em để thưởng tết, thực sự đó không phải là thưởng mà giữ tiền của anh em cả thôi.
Thiếu nhân lực, trường đường sắt đào tạo miễn phí
Trong kỳ tuyển sinh năm 2019, Trường Cao đẳng Đường sắt (thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam) có thông báo xét tuyển đào tạo miễn phí hệ trung cấp, sơ cấp cho học viên đăng ký các ngành đường sắt và bố trí việc làm sau khi tốt nghiệp.
Trường thực hiện đào tạo miễn 100% học phí; trước đó học phí khoảng 1,6 triệu đồng/tháng. Hiện các vị trí ngành lái tàu đường sắt quốc gia, điều hành chạy tàu hỏa, công nghệ chế tạo và sửa chữa đầu máy, công nghệ chế tạo và sửa chữa toa xe; khám chữa toa xe; gác ghi, ghép nối đầu máy toa xe rất thiếu nhân lực.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/hiu-hat-duong-sat-bai-3-dau-be-ben-thanh-ray-612268.html