HLV Chung Hae-seong và đoạn kết buồn ở CLB TP.HCM
Ông Chung Hae-seong kết thúc hành trình gần 2 năm ở CLB TP.HCM bằng việc từ chức HLV trưởng và từ chối ngồi vào ghế Giám đốc Kỹ thuật.
"Thành công của HLV Park Hang-seo không tạo áp lực cho tôi vì đội tuyển và CLB khác nhau nhiều lắm. Tôi biết ông Lee (Lee Heung-sil - PV) của CLB Viettel đã từ chức. Tuy nhiên, tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều HLV Hàn Quốc qua đây giúp đỡ bóng đá Việt Nam", HLV Chung Hae-seong chia sẻ với Zing hồi 2019, thời điểm CLB TP.HCM dẫn đầu sau khi nửa mùa giải V.League kết thúc.
Song, không phải HLV Hàn Quốc nào cũng thành công ở Việt Nam, kể cả khi người đó để lại dấu ấn đậm nét như ông Chung. Gần một năm sau cuộc phỏng vấn, CLB TP.HCM thua 0-3 trước đội Hà Nội ở vòng 11 V.League 2020. Cựu trợ lý của HLV Guus Hiddink từ chức, đồng thời từ chối lời mời ở lại làm Giám đốc Kỹ thuật. Vụ việc được cả truyền thông xứ sở kim chi biết đến và tạo ra không ít lùm xùm xung quanh.
Thất bại và thành công
HLV Park và ông Chung đều là trợ lý của Guus Hiddink, khi chiến lược gia kỳ cựu người Hà Lan dẫn dắt Hàn Quốc vào bán kết World Cup 2002. Sau giải đấu này, danh tiếng của ông Chung ngày càng đi lên, trong khi người đồng nghiệp không được may mắn như vậy.
HLV Park và ông Chung bằng tuổi, nhưng cựu thuyền trưởng CLB TP.HCM lại có nhiều hơn người đồng nghiệp 10 năm kinh nghiệm ở lĩnh vực cầm quân. Ông gây dựng uy tín khi dẫn dắt nhiều CLB tại Hàn Quốc, thậm chí từng đảm nhận vị trí quan trọng ở liên đoàn. Trái lại, sự nghiệp của HLV Park ở quê nhà tương đối lận dận, cho tới khi ông đến Việt Nam.
Ông Chung và ông Park tới Việt Nam ở hai vị thế khác nhau.
Được đặt nhiều kỳ vọng, ông Chung ngồi vào ghế Giám đốc Kỹ thuật (GĐKT) của HAGL với mục tiêu đưa đội bóng này vô địch V.League. Kể cả khi công việc của ông bao gồm từ chăm sóc cho đội một lẫn đội trẻ, đến chú ý đến vấn đề thể lực, chiến thuật, dinh dưỡng... vẫn có những giới hạn ông không thể chạm tới. Thành tích của HAGL không cải thiện, ông Chung không có nhiều dấu ấn, và chia tay là điều tất yếu xảy đến.
"Khi ở HAGL, tôi là GĐKT. Còn ở CLB TP.HCM, tôi là HLV trưởng và người quan trọng nhất. Tôi ở Pleiku rất hạnh phúc và có nhiều niềm vui. Song, là GĐKT, nhiều việc ở Gia Lai tôi không làm được. Về TP.HCM làm HLV trưởng, tôi quyết định được mọi thứ từ sinh hoạt, tập luyện tới thi đấu. Hãy luôn nhớ, khi đội bóng thành công, đó là công sức của từng người. Khi đội thất bại, trách nhiệm cuối cùng phải thuộc về HLV trưởng vì ông ta là người quyết định. Không có áp lực ấy, thì không phải là HLV trưởng", HLV Chung chia sẻ với Zing.
Vô địch Giải hạng Nhất 2016, CLB TP.HCM giành quyền lên chơi tại V.League 2017 và trụ hạng thành công ở vị trí thứ 12 với 25 điểm. Mùa giải năm sau, đội bóng vẫn giữ nguyên vị trí đó, chỉ giành nhiều hơn 2 điểm. Nguy cơ trở lại Giải hạng Nhất luôn tiềm ẩn với CLB TP.HCM cho tới khi ông Chung về nhậm chức HLV trưởng trước mùa giải 2019.
Từ đội bóng chỉ hướng đến mục tiêu trụ hạng, CLB TP.HCM trở thành hiện tượng của giải khi liên tiếp giành những kết quả ấn tượng để vươn lên vị trí dẫn đầu trên bảng xếp hạng. Theo thống kê, sau vòng đấu đầu tiên, thầy trò HLV Chung đứng thứ 6. Song, suốt quãng thời gian còn lại, đội bóng của ông có 14 lần đứng thứ nhất, 11 lần xếp thứ nhì và giành ngôi á quân chung cuộc với 5 điểm kém hơn CLB Hà Nội.
Kể cả khi CLB TP.HCM hụt hơi ở giai đoạn cuối, người hâm mộ vẫn tin họ là một trong những ứng cử viên hàng đầu cho chức vô địch V.League 2020. Sự đầu tư được thể hiện ở những hợp đồng như Nguyễn Công Phượng, Bùi Tiến Dũng, Võ Huy Toàn... càng làm niềm tin ấy trở nên mạnh mẽ hơn, cho đến lúc ông Chung từ chức khi mùa giải còn chưa đi hết giai đoạn một.
Đánh mất niềm tin
CLB TP.HCM lột xác thế nào dưới thời HLV Chung?
Chia sẻ với Zing, chuyên gia Vũ Mạnh Hải nhận định: "Đầu tiên là tính chuyên nghiệp. Ông Chung xây dựng cách làm bóng đá chuyên nghiệp giống như ông Park làm với tuyển Việt Nam. Trong một ban huấn luyện có người này người khác. Đó là điều mà từ xưa đến nay có thể người Việt Nam nghĩ ra và biết nhưng không làm".
"Thứ hai là cải thiện thành tích đội bóng. Từ chỗ đội yếu, chỉ mong trụ hạng, CLB TP.HCM vươn lên giành ngôi á quân. Họ cũng bắt đầu có ý thức chuyển nhượng cầu thủ tương đối chuyên nghiệp với việc lấy Công Phượng, Huy Toàn, Tiến Dũng… Nhìn chung, ông ấy đã đưa cách làm bóng đá chuyên nghiệp vào CLB TP.HCM. Họ cũng tiến tới việc xây dựng đội bóng chuyên nghiệp một cách tử tế, đàng hoàng", cựu danh thủ Thể Công nói thêm.
Kết thúc vòng 11 V.League 2020, CLB TP.HCM đứng thứ 5 trên bảng xếp hạng với 17 điểm, kém đội Sài Gòn, đại diện dẫn đầu, 6 điểm. Về lý thuyết, đội bóng của ông Chung còn nguyên cơ hội cạnh tranh ngôi vô địch. Song, trận thua 0-3 trước CLB Hà Nội hôm 24/7 như một đòn mạnh giáng vào lòng tự trọng của chiến lược gia người Hàn Quốc, khiến ông buộc phải đưa ra quyết định mang đến không ít nuối tiếc cho người hâm mộ. Đó là từ chức.
"Theo tôi, ông Chung là một con người rất tự trọng và đầy lòng tự ái. Ông ấy cảm thấy bóng đá Việt Nam không có sự công bằng. Tại sao trọng tài thổi như thế? Tại sao lại để CLB TP.HCM có những phút giây oan uổng? Trong trận với CLB Hà Nội, trọng tài có lúc đúng lúc sai, nhưng tôi cảm giác ông Chung không tin tưởng vào đội ngũ cầm cân nảy mực này", chuyên gia Vũ Mạnh Hải chia sẻ.
Ông nói thêm: "HLV Chung nghĩ rằng có sự chi phối nào đó, cộng với việc đội thua liên tục nên cũng ít nhiều mất phương hướng. Không ai đủ bản lĩnh bên cạnh ông ấy để tham mưu, góp ý, trao đổi về tâm lý và văn hóa Việt Nam. Tôi nghĩ ông ấy đang chới với giữa việc bất mãn, giận dỗi nên không muốn làm. Ông ấy cảm thấy cuộc chơi này không sòng phẳng. Ông ấy đã nỗ lực rất nhiều và toàn tâm toàn ý nhưng không đạt được mục đích".
Bên cạnh công tác trọng tài, không thể phủ nhận CLB TP.HCM đã có sự thụt lùi so với mùa giải trước dù bổ sung không ít ngôi sao. Mùa này, họ chỉ giành 5 chiến thắng trên tổng số 11 trận. CLB TP.HCM bị Hải Phòng và Đà Nẵng cầm hòa, trong khi thất bại trước đội Sài Gòn, Bình Dương, Hà Tĩnh và CLB Hà Nội. Cùng thời điểm ở mùa giải năm ngoái, họ chỉ để thua 1 trận và hòa 2 trận.
Vì sao CLB TP.HCM sa sút so với chính họ ở mùa giải trước?
Ông Vũ Mạnh Hải nói: "Nhìn từ xa, tôi cảm nhận hình như trong nội bộ CLB TP.HCM có vấn đề chưa ổn. CLB Sài Gòn thì khác. Họ thắng, thua hay hòa vẫn vui vẻ, nhiệt tình. CLB TP.HCM thua, mất 11 m, phản ứng rồi lại thua tới mức coi như buông xuôi. Tâm lý và tính chuyên nghiệp của đội bóng do ông Chung cố công xây dựng không còn nữa. Nếu thua mà chơi nỗ lực, tích cực, chắc chắn ông ấy sẽ còn gắn bó".
"Trong những trận đấu gần đây, ông Chung làm cũng không tốt lắm. Việc sử dụng lực lượng, thay người, lối chơi, đội bóng của ông ấy có vẻ cũng bị bắt bài. Đặc biệt, tôi cảm giác các cầu thủ dễ nản. Đá bóng như vậy thì không ổn. Tôi nghĩ quyết định chia tay là sự cộng hưởng của tất cả bất mãn, bực tức, căng thẳng. Ông Chung không còn muốn làm bóng đá nữa, nên từ chối tất cả vị trí người ta muốn níu kéo ông ở lại", cựu danh thủ Thể Công khẳng định.
HLV Chung lẽ ra có thể trở thành một người Hàn Quốc khác thành công tại Việt Nam. Dù vậy, chặng đường hơn 2 năm của ông tại đây khép lại với một nốt trầm buồn, trong khi người đồng nghiệp Park Hang-seo ở vị thế trái ngược. Những gì nhận lại ở HAGL và CLB TP.HCM rõ ràng không tương xứng với tầm vóc, công sức của chiến lược gia người Hàn Quốc. Song, đôi khi có tài là chưa đủ, mà còn cần cái duyên.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hlv-chung-hae-seong-va-doan-ket-buon-o-clb-tphcm-post1108024.html