HLV Park Hang Seo và Đội tuyển Việt Nam: Sau phút đầu bay bổng...
Sau khi dành cho các học trò những lời có cánh như: 'Tố chất cầu thủ Việt Nam không kém gì cầu thủ Hàn Quốc', hay 'Ở đây có nhiều người như được sinh ra để chơi bóng', rốt cuộc HLV trưởng Đội tuyển Việt Nam Park Hang Seo cũng nhận ra một điểm yếu chết người: Thể lực
Sau trận đấu với Afghanistan tại vòng loại Asian Cup 2019 trên sân Mỹ Đình vừa qua, ông Park đã nhìn rõ học trò của ông bị mất thể lực trong khoảng 15 phút cuối trận. Đấy là khoảng thời gian mà nhiều cầu thủ không còn đeo bám đối phương một cách dẻo dai như trước nữa, khiến ông phải ra sát sạt đường piste hò hét, đốc thúc từng pha bóng một. Điều mà ông Park bây giờ nhận ra cũng là điều mà người tiền nhiệm của ông ở Đội tuyển trước đây như là Toshiya Miura đã nhận ra.
Năm 2014, sau khi chân ướt chân ráo tới Việt Nam và đề nghị các cầu thủ Việt Nam chạy vài chục vòng quanh sân trước mỗi buổi tập là ông Miura nhận ra ngay chuyện này. Có một chuyện thật như đùa là hồi ấy ông Miura luôn dẫn đầu đoàn chạy, và ông thậm chí còn chạy khỏe hơn và dẻo hơn so với những cậu học trò kém mình nhiều tuổi.
Ông Miura đến từ Nhật Bản nhưng lại chịu ảnh hưởng lớn bởi trường phái bóng đá thể lực cổ điển của người Đức. Thế nên ông quyết cải thiện điểm yếu thể lực của cầu thủ Việt Nam bằng những bài tập chạy rất nặng, và sau đó là màn ngâm mình trong nước đá. Cũng chính bởi nỗi ám ảnh thể lực mà sau đó khi chọn người vào Đội tuyển, ông Miura thường chuộng mẫu cầu thủ cao to, “lực sĩ”, và bỏ qua những cầu thủ có kĩ thuật khéo léo nhưng non về sức.
Thực ra thì nỗi ám ảnh thể lực trong lòng Đội tuyển Việt Nam đã có từ rất lâu, trải qua rất nhiều thế hệ và rất nhiều đời HLV. Ngay cả khi lứa U.19 của những Công Phượng, Văn Toàn, Tuấn Anh, Xuân Trường... trình làng thì nỗi ám ảnh ấy cũng hiện lên dữ dội. Sau khi chứng kiến các cầu thủ con cưng của mình chỉ thường xuyên đá hay, đá ổn trong khoảng 70 phút các trận đấu, ông chủ Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức đã tìm rất nhiều cách khắc phục.
Đầu tiên, ông tính đến cuộc cách mạng dinh dưỡng, giáo dục các cầu thủ hiểu được giá trị của từng bữa ăn. Những chuyên gia dinh dưỡng đến Hoàng Anh Gia lai JMG thời điểm ấy từng nhận xét rằng: “Mặc dù là những cầu thủ chuyên nghiệp nhưng họ không biết phải ăn uống như thế nào để đảm bảo một nền tảng thể lực tốt khi thi đấu”.
Tiếp đó, ông Đức mời chuyên gia thể lực châu Âu và mua về cả những trang thiết bị huấn luyện thể lực hiện đại châu Âu để giúp các cầu thủ có thể chạy nhiều, chạy khỏe hơn. Nhưng sau tất cả, nếu bảo những cầu thủ như Công Phượng, Văn Toàn, Tuấn Anh... bây giờ là những người giàu thể lực thì e là khiên cưỡng.
Nói lại tất cả những điều này để thấy, việc cải thiện thể lực của các cầu thủ ở một lò đào tạo bóng đá hay một đội tuyển quốc gia không phải là chuyện một sớm một chiều. Theo các chuyên gia thể lực mà chúng tôi tiếp xúc thì thậm chí khi các cầu thủ bước vào độ tuổi 12, 13 mới được giáo dục vấn đề dinh dưỡng, nhắm tới việc nâng cao thể lực cũng đã là khá muộn. Ở những nền bóng đá phát triển châu Âu thì vấn đề dinh dưỡng cho một cầu thủ - một đứa nhỏ thậm chí đã được tính đến và thực hiện ngay từ khi cầu thủ ấy còn trong bụng mẹ.
Trở lại với những nhận xét của tân HLV trưởng Park Hang Seo về vấn đề thể lực cầu thủ Việt Nam, ai cũng biết ông Park đến từ Hàn Quốc – một nền bóng đá rất trọng thể lực. Vì thế, người ta kỳ vọng ông cũng sẽ có những ngón nghề đặc biệt nào đó để có thể khắc phục cái điểm yếu mãn tính của Đội tuyển Việt Nam từ hàng chục năm nay. Tất nhiên, chỉ là khắc phục một phần nào đó thôi, vì như đã nói phải đợi tới khi trưởng thành hay khi khoác áo Đội tuyển Quốc gia mới được chú trọng đào tạo thể lực đã là quá muộn.
Và thế mới biết, sau những lời có cánh lúc ban đầu dành cho các cầu thủ của mình, bây giờ thì ông Park đã dần dần nhận ra cả một núi công việc đầy thách thức mà mình sẽ phải dấn thân vào.
Năm 2004, khi sang Việt Nam làm việc, thuyền trưởng Đội tuyển Việt Nam khi ấy là Tavares đề nghị VFF phải mời một chuyên gia thể lực chuyên biệt làm việc cùng mình. Thế là VFF mời HLV thể lực Biro, cũng là người Brazil đồng hương với Tavares, sang làm việc.
Tuy nhiên, những phương pháp huấn luyện của cặp bài Tavares – Biro không những không giúp thể lực của các cầu thủ Việt Nam được cải thiện, mà trái lại khiến những đôi chân bị “hóa chì”.
Tiger Cup 2004 ấy, các tuyển thủ Việt Nam chạy những bước chạy rất nặng nhọc, và sau trận thua trắng Indonesia 0-3 trên sân Mỹ Đình thì đã lập tức bị loại khỏi cuộc chơi. Các đời HLV sau này như Riedl, Calisto đều không có những chuyên gia thể lực riêng biệt như thế. Cả hai ông thầy châu Âu vừa huấn luyện chiến thuật, vừa huấn luyện thể lực, và với riêng Calisto, những bài tập thể lực cùng bóng đã tạo hiệu quả lớn.
AFF Cup 2008, Đội tuyển Việt Nam càng đá càng khỏe, trong đó ấn tượng nhất là trận chung kết lượt về đá sòng phẳng với “kèo trên” Thái Lan trên sân Mỹ Đình. Thời HLV người Nhật Toshiya Miura, vấn đề thể lực được cải thiện ít nhiều, nhưng đến thời thầy nội Nguyễn Hữu Thắng thì nó lại tiếp tục trở thành điểm chết.
SEA Games 29 vừa qua, trong những trận đấu mang tính quyết định với Indonesia và Thái Lan, không khó thấy các cầu thủ Việt Nam đều không đủ sức đá đến những phút cuối cùng.
Rõ ràng, với bất cứ đời HLV trưởng nào ở Đội tuyển Việt Nam thì cái nhiệm vụ nâng nền thể lực cũng trở thành nhiệm vụ sống còn, nhưng người thành công, người thất bại, và vì thế đã tạo ra những kết cục rất khác nhau. Mong là với tân thuyền trưởng Park Hang Seo, vấn đề thể lực sẽ được cải thiện theo chiều tích cực. (Ngọc Anh )