HLV Polking: 'Cầu thủ Việt Nam cần dũng cảm rời vùng an toàn'
HLV Mano Polking cho rằng rào cản lớn nhất khiến cầu thủ Việt Nam khó xuất ngoại không nằm ở chuyên môn, mà xuất phát từ tâm lý ngại thay đổi và cuộc sống quá êm đềm trong nước.

HLV Polking hy vọng các cầu thủ Việt Nam hãy bước ra khỏi vùng an toàn. Ảnh: CAHN.
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, HLV Mano Polking - người từng dẫn dắt tuyển Thái Lan 2 lần vô địch AFF Cup và đang dẫn dắt CAHN lên tiếng khuyến khích cầu thủ Việt Nam mạnh dạn xuất ngoại. Theo ông, đây không chỉ là cơ hội phát triển chuyên môn mà còn là hành trình trưởng thành về tư duy, bản lĩnh và nhân cách.
Cầu thủ Việt Nam cần dũng cảm hơn
Nhưng đáng tiếc, trong khi bóng đá khu vực đang chứng kiến làn sóng “xuất khẩu cầu thủ” ngày càng mạnh mẽ, thì tại Việt Nam, đây vẫn là bài toán đầy trăn trở. Lập luận của HLV Polking không mới. Tuy nhiên, nó luôn đúng trong bối cảnh bóng đá hiện đại.
Nếu không dám va chạm với môi trường khắc nghiệt hơn, cầu thủ sẽ rất khó vượt qua giới hạn bản thân. Ông Polking không chỉ nói về chuyên môn. Thực tế, cầu thủ Việt Nam không quá thua kém so với Thái Lan, Malaysia hay Indonesia.
Điều ông nhấn mạnh là vấn đề tâm lý. Cầu thủ cần có tư duy sẵn sàng bước ra khỏi vùng an toàn. Đây mới là yếu tố cốt lõi mà bóng đá Việt Nam còn thiếu.
Ông Polking đưa ra sự đối sánh thú vị với các cầu thủ Brazil - quốc gia có số lượng cầu thủ xuất ngoại nhiều nhất thế giới. “Họ không ngại đi xa. Họ sẵn sàng chấp nhận thi đấu ở bất cứ nơi đâu miễn có cơ hội mưu sinh và khẳng định bản thân”.
Đó là tâm thế của những người hiểu rõ mình đang đứng ở đâu trong hệ sinh thái bóng đá toàn cầu, và biết rằng nếu không ra đi, họ có thể bị đào thải ngay tại quê nhà.
Trong khi đó, cầu thủ Việt Nam lại đang sống trong “vùng thoải mái” lý tưởng. Họ có thu nhập ổn định, sống giữa sự yêu mến của người hâm mộ, không cần học ngoại ngữ, không lo rào cản văn hóa.
Tất cả mọi thứ đã được dọn sẵn để duy trì một vị thế “ngôi sao nội địa”. Trong mắt họ, ra nước ngoài thi đấu không khác gì đánh cược danh tiếng, một sự đánh đổi mà phần lớn không dám thực hiện.

HLV Polking cho rằng trình độ của các cầu thủ Việt Nam không thua kém cầu thủ các nước khác. Ảnh: CAHN.
Quan điểm này phần nào củng cố cho chia sẻ rất thẳng thắn của thủ môn Nguyễn Filip mới đây. Anh cho rằng khác biệt lớn nhất giữa cầu thủ Việt Nam và cầu thủ châu Âu là “tinh thần sẵn sàng ra đi”.
Ở châu Âu, cầu thủ trẻ luôn mơ được xuất ngoại, bởi họ hiểu rằng đó là lộ trình tất yếu để trưởng thành. Còn ở Việt Nam, phần lớn chọn ở lại để duy trì hình ảnh “người hùng trong nước”.
Điều đó lý giải trong khi bóng đá Thái Lan, Indonesia hay Malaysia thường có cầu thủ chơi bóng ở Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, thì cầu thủ Việt Nam vẫn quanh quẩn trong nước. Hoặc nếu có xuất ngoại, các cầu thủ cũng hiếm khi trụ lại được lâu dài.
Đáng nói hơn, các cầu thủ xuất ngoại thành công của khu vực không chỉ giúp bản thân nâng tầm mà còn mang theo niềm tự hào quốc gia, trở thành biểu tượng cho sự tiến bộ của cả nền bóng đá.
Trình độ cầu thủ Việt Nam không kém, nhưng...
Về mặt kỹ năng, như chính HLV Polking thừa nhận, cầu thủ Việt Nam không hề yếu. Vấn đề là họ không chịu thử thách. Khi không chịu va đập, họ sẽ mãi không thể chạm đến những chuẩn mực cao hơn.
Đó là vòng lặp tiêu cực khi thành tích quốc tế vẫn giậm chân tại chỗ, người ta lại đổ lỗi cho "thiếu kinh nghiệm thi đấu đỉnh cao". Nhưng chính những người có khả năng thay đổi điều đó lại không chịu bước ra khỏi "vùng yên ổn".
Một ví dụ đối lập rõ nét là trường hợp các ngoại binh Brazil tại V.League. Họ đến từ một quốc gia có truyền thống bóng đá lẫy lừng, từng vô địch thế giới nhiều lần. Nhưng chính vì sức cạnh tranh quá khốc liệt, họ buộc phải xuất ngoại, chấp nhận chơi ở các giải đấu nhỏ để có cơ hội mưu sinh và thi đấu chuyên nghiệp. Trong khi đó, không ít cầu thủ Việt Nam vẫn chọn giữ vị trí "ngôi sao lớn trong ao làng nhỏ".

HLV của CAHN mong các cầu thủ hãy thay đổi tư duy. Ảnh: CAHN.
Phần lớn các ngoại binh Brazil tại V.League đều sớm khẳng định được chỗ đứng. Không ít người trở thành trụ cột quan trọng của các đội bóng, nhờ nền tảng kỹ thuật và khả năng thích nghi tốt với môi trường khắc nghiệt. Thành công tiêu biểu nhất chính là trường hợp của Nguyễn Xuân Son. Cầu thủ gốc Brazil không chỉ thi đấu nổi bật ở V.League mà còn được nhập tịch và trở thành mũi nhọn trên hàng công của tuyển Việt Nam.
Tuy nhiên, nếu nhìn từ góc độ cầu thủ nội, số lượng những người dám bước ra khỏi vùng an toàn, sẵn sàng thử thách ở môi trường mới vẫn quá ít ỏi. Đây vẫn là điểm khác biệt lớn giữa các ngoại binh và cầu thủ Việt Nam.
Xuất ngoại không phải tấm vé bảo đảm thành công. Nhưng HLV Polking nhấn mạnh: "Nếu không thành công, bạn hoàn toàn có thể trở về. Ở đây, mọi người vẫn sẽ chào đón bạn”. Vấn đề là, nếu không bao giờ bước ra, bạn sẽ không biết giới hạn thật sự của mình nằm ở đâu - và cũng không thể góp phần nâng tầm bóng đá Việt Nam trên bản đồ khu vực.
Chừng nào tâm lý "ngôi sao nội địa" còn ngự trị, chừng ấy giấc mơ vươn ra biển lớn vẫn sẽ mãi chỉ là khẩu hiệu đẹp. Muốn thay đổi, phải bắt đầu từ chính khát vọng và tinh thần dấn thân của mỗi cá nhân. Đó không còn là câu chuyện riêng của từng cầu thủ, mà là thước đo của một nền bóng đá có dám thay đổi hay không.