HLV Vũ Tiến Thành: 'Không có bóng đá trẻ, đừng nói chuyện bản sắc'
HLV Vũ Tiến Thành cho rằng xây dựng hệ thống bóng đá trẻ là con đường phù hợp nhất để CLB TP.HCM nói riêng và bóng đá TP.HCM xây dựng bản sắc.
CLB TP.HCM đang trải qua giai đoạn "lột xác" dưới thời HLV Vũ Tiến Thành. Đội bóng này chỉ nhận một thất bại trong 7 trận gần nhất, giành quyền trụ hạng sớm 2 vòng đấu dù có thời điểm rơi xuống cuối bảng. Theo HLV Vũ Tiến Thành, sau khi trụ hạng, ông sẽ xây dựng hệ thống bóng đá trẻ để đội TP.HCM phát triển bền vững.
Trả lời phỏng vấn VTC News, HLV Vũ Tiến Thành khẳng định bóng đá trẻ là con đường đúng đắn để các đội bóng tại TP.HCM xây dựng bản sắc bóng đá, từ đó tìm lại hào quang và chiếm được lòng tin của người hâm mộ.
Không làm bóng đá trẻ, đừng nói chuyện bản sắc
- Ông từng nói sau khi giúp CLB TP.HCM trụ hạng sẽ bắt đầu tính toán đến kế hoạch tái cấu trúc CLB, trong đó xây dựng đào tạo trẻ. Đó là con đường đúng đắn để bản sắc bóng đá TP.HCM được khôi phục?
Khi về CLB TP.HCM, tôi nói với lãnh đạo đội rằng nếu xuống hạng thì chúng ta phải làm lại từ đầu. Tôi xuất thân từ đào tạo trẻ, từng làm việc tại PVF để tích lũy kinh nghiệm. Tôi nói với lãnh đạo rằng CLB TP.HCM phải có trung tâm đào tạo trẻ và hiện tại đội đang có cơ ngơi tốt. Làm bóng đá chuyên nghiệp, không có bóng đá trẻ thì đừng nói chuyện bản sắc.
Bản sắc là khái niệm trừu tượng. Nhưng từ bóng đá trẻ, chúng ta có thể tạo nên bản sắc. Những năm 80, 90, Cảng Sài Gòn đá rất hiện đại, chơi ban bật đẹp mắt. Tuy nhiên, bóng đá chuyên nghiệp ngày nay không chỉ có thế, không còn dùng chủ nghĩa kinh nghiệm, mà phải có một quy trình và cách làm nhất quán.
CLB TP.HCM phải làm đào tạo trẻ, xây dựng học viện bóng đá và cải tổ lực lượng, nói chung cần một quy trình khoa học để thành công. Tôi sẽ tìm thêm cầu thủ trẻ cho đội 1 TP.HCM. Đội sẽ xây dựng học viện bóng đá, phát triển hệ thống bóng đá cộng đồng. Ban huấn luyện sẽ đi trực tiếp tuyển chọn, rồi thành lập đội U13, U15, U17 cho TP.HCM.
CLB TP.HCM sẽ phát triển bóng đá trẻ nói chung và đội trẻ nói riêng. Chúng tôi phải có một hệ thống trẻ xuyên suốt như PVF. Mọi CLB đều cần có bản sắc riêng, muốn có bản sắc ấy thì phải làm được bóng đá trẻ.
Sau khi trụ hạng và có thành tích, CLB TP.HCM phải có cơ sở và nền tảng để phát triển mạnh. May mắn là tôi được lãnh đạo đội ủng hộ và tạo điều kiện.
Tôi tự tin vừa làm được bóng đá trẻ, vừa đảm bảo thành tích tốt. CLB TP.HCM hiện phải tìm nguồn cầu thủ trẻ có sẵn để "gối đầu" cho đội hình. Chúng tôi cũng có một số cầu thủ trẻ ở đội 1 như Ti Phông, Trọng Long,... Việc cần làm là kết hợp họ với các cầu thủ lớn tuổi để được kèm cặp. Khi học viện bóng đá được hoàn tất, CLB TP.HCM sẽ có nguồn cầu thủ ổn định.
- Đâu là lý do khiến ông lựa chọn về dẫn dắt CLB TP.HCM, đội vốn là kỳ phùng địch thủ với CLB ông từng huấn luyện là Sài Gòn?
Thời điểm nhận được lời mời từ CLB TP.HCM, tôi đang phụ trách PVF và giữ vai trò Chủ tịch CLB Phố Hiến. Đó là vị trí tôi rất hài lòng. Sau khi tôi tái cấu trúc và thay đổi công tác huấn luyện ở PVF, các đội U13, U15, U17 thi đấu rất hay. Nhìn PVF hay Phố Hiến thi đấu là khán giả thấy được bản sắc chơi bóng ở đây.
Sau trận CLB TP.HCM thua Sài Gòn ở lượt về, lãnh đạo CLB TP.HCM mời tôi về làm việc. Tôi chỉ nghĩ trong đầu rằng mình là người con của bóng đá TP.HCM, sứ mệnh của mình với PVF đã xong. Ở TP.HCM có 2 đội bóng, thì Sài Gòn đã có Lê Huỳnh Đức giữ vai giám đốc kỹ thuật. Tôi nghĩ mình từng làm Sài Gòn và có triết lý phù hợp, thì bây giờ cứ về CLB TP.HCM.
Điều thôi thúc bản thân tôi là tình yêu với bóng đá TP.HCM, dù tình cảnh đội khó khăn khi CLB TP.HCM còn 8 trận chưa đấu nhưng lại không có "trận cầu 6 điểm" nào.
Khi lãnh đạo CLB TP.HCM đưa ra lời mời, tôi chần chừ mấy giây rồi nhận lời. Từ lúc tôi nhận lời mời cho đến khi về CLB TP.HCM huấn luyện chỉ mất 24 tiếng.
- Ông về CLB TP.HCM ở thời điểm đội đang đứng cuối bảng, rồi đưa đội trụ hạng sớm 2 vòng đấu. Ông đã giải quyết tình thế ra sao?
4 trận đầu của tôi ở CLB TP.HCM (gặp HAGL, Bình Dương, Hà Nội, SLNA), đội chưa bắt nhịp được, nhưng từ trận gặp Thanh Hóa, tôi nói cầu thủ rằng họ đã nắm bắt được lối chơi. Có thời điểm CLB TP.HCM thiếu Hoàng Thịnh, Ti Phông, Samson, Huy Toàn nhưng một khi đã "vào phom" thì có thiếu người, chúng tôi vẫn đá được. Ở trận gặp Đà Nẵng, CLB TP.HCM mất 4, 5 trụ cột, song đội vẫn thắng 3-0.
Khi đã có hệ thống chơi bóng, các cầu thủ có niềm tin, rồi gặt hái được kết quả tốt.
Chìa khóa giúp CLB TP.HCM trụ hạng là xây dựng được tính tập thể. Tôi từng làm được điều này thời còn huấn luyện đội Sài Gòn. CLB TP.HCM hiện tại có bản sắc và tinh thần đoàn kết. Trước khi thi đấu, toàn đội phải hô khẩu hiệu "Chúng ta là CLB TP.HCM". Lúc các cầu thủ đá chính từ đường hầm bước vào sân, các cầu thủ cùng ban huấn luyện phải đứng vỗ tay. Điều đó tạo ra tinh thần tập thể.
Tính tập thể là sức mạnh của CLB TP.HCM. Ngoài ra, tôi phải giải quyết những vấn đề ngoài sân cỏ, những rào cản khiến cầu thủ còn lấn cấn. HLV ngày nay không chỉ quán xuyến chuyện chuyên môn, mà còn phải giải quyết các vấn đề tồn đọng của đội bóng. Để cầu thủ ra sân với nhiệt huyết cao độ, họ cần thông thoáng đầu óc. Chúng tôi đã làm được điều đó.
Khi huấn luyện đội Sài Gòn, tôi cho các cầu thủ xem trước bài tập, giải thích cho họ nội dung huấn luyện, đồng thời phải xây dựng giáo án tập luyện phù hợp với lối chơi. Tôi giải thích cho cầu thủ cách chơi rõ ràng, rồi lắng nghe họ phản biện trước lúc ra sân.
Về CLB TP.HCM, tôi vẫn duy trì cách làm khoa học, nghiên cứu đối phương và xây dựng quy trình chuẩn bị tuần tự. Các cầu thủ đều thoải mái với điều đó. Nhiều cầu thủ còn rụt rè, ngại trao đổi trên sân, nên tôi cho họ quyền được trao đổi, quyền được nói những điều họ muốn.
- Vấn đề ông nhắc đến có liên quan đến việc CLB TP.HCM từng nợ tiền lót tay của cầu thủ?
Giữa CLB TP.HCM và các cầu thủ có lấn cấn về tiền lót tay ở mùa 2021. Đội đã trao đổi với cầu thủ, nhưng lại làm không cặn kẽ dẫn đến có sự lấn cấn giữa đôi bên. Một số cầu thủ có thói quen bày tỏ quan điểm trên mạng xã hội lại dùng Facebook để nói về CLB.
Tôi nói với cầu thủ rằng đó là chuyện không nên. Có những người đã ở CLB đến 4, 5 năm, họ ăn lương CLB, trong lúc đội đang khó khăn thì họ nên chia sẻ. Tôi là người đứng giữa và giải quyết những mâu thuẫn đó. Những vấn đề này rất nhỏ, nhưng trước đó không được giải quyết thấu đáo.
Khi về CLB TP.HCM, tôi thường xuyên trao đổi với cầu thủ. Tôi ở với họ, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng và đứng cùng chiến hào với họ. Tôi và cầu thủ hiểu nhau hơn và điều đó có lợi cho cuộc đua trụ hạng.
- Ông xây dựng lối chơi cho CLB TP.HCM thế nào?
Theo dõi cầu thủ TP.HCM, tôi nhận thấy họ có năng lực, hoàn thiện kỹ thuật, nhưng lạc lối trong chuyên môn do người dẫn đầu đi không đúng hướng. TP.HCM thay quá nhiều HLV trong thời gian ngắn. Cầu thủ phải hiểu triết lý, phương pháp tập luyện của HLV thì mới đáp ứng được lối chơi, nhưng TP.HCM thay rất nhiều HLV nên mất lối chơi.
Tôi có xem trận TP.HCM thua 0-2 trước Sài Gòn. Họ chuyền bóng rất nhiều, nhưng đường vào cầu môn ở đâu thì không tìm được. Trong bóng đá, kiểm soát bóng nhiều mà không hiệu quả thì sẽ phản tác dụng. Ở chiều ngược lại, Sài Gòn cứ chuyền dài là tiếp cận được cầu môn của Thanh Thắng và ghi bàn.
Tôi xây dựng hệ thống chơi bóng cho đội TP.HCM, nơi các cầu thủ được mô tả công việc rõ ràng. Trước khi tôi về, các cầu thủ ngoại của TP.HCM bị chê, trong đó có Atapharoy Bygrave, nhưng khi tôi huấn luyện, cậu ấy đã ghi 2 bàn quan trọng mang về cho đội 6 điểm. Daniel Green cũng kiến tạo không thua gì Lee Nguyễn. Khi xây dựng được vai trò rõ ràng cho cầu thủ, họ sẽ chơi rất tốt.
Tôi sẽ tính toán chọn lọc cầu thủ để phù hợp với lối chơi. Mục tiêu của chúng tôi ở mùa giải tới là top 3.
Kế hoạch bất thành ở Sài Gòn FC
- Ông từng thành công mùa đầu ở Sài Gòn, nhưng ở mùa sau đó, đội lại rơi xuống khu vực nguy hiểm. Đặt mục tiêu như thế cho CLB TP.HCM liệu có quá cao?
Mùa 2020, tôi dẫn dắt Sài Gòn giành huy chương đồng V-League với một đội hình bình thường. Nếu mùa giải không bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, có thể Sài Gòn đã vô địch.
Mùa 2021, tôi thay 21 cầu thủ. Có người nói rằng ở một đội bóng phong trào, thay 5 cầu thủ đã khó đá, huống chi thay tới 21 người ở một đội chuyên nghiệp. Tôi bị chỉ trích nhiều, nhưng mục tiêu của CLB là khôi phục bản sắc bóng đá Sài Gòn.
Quan trọng nhất là tôi vẫn chứng minh Sài Gòn đá được. 3 trận đầu tiên, chúng tôi giành 6 điểm, đánh bại HAGL trước sự chứng kiến của 20.000 khán giả ở sân Thống Nhất. Nói vậy để thấy nếu xây dựng được hệ thống thi đấu chặt chẽ vẫn tốt hơn so với mua cầu thủ tốt về mà không liên kết được họ với nhau.
- Tại sao ông lại rời cương vị HLV Sài Gòn dù luôn khẳng định kế hoạch của mình đi đúng hướng?
Thời điểm Văn Lang Group nhận PVF, lãnh đạo đội nói sứ mệnh của tôi là đóng góp cho bóng đá Việt Nam, phải ra quản lý PVF. Vị trí huấn luyện được giao cho HLV Masahiro Shimoda. Ông ấy đã đi cùng chúng tôi suốt 1 tháng trước đó. Dù vậy, các cầu thủ Sài Gòn FC đã quen với tôi, nhưng có lẽ lại chưa quen với phương pháp của ông Shimoda.
Đội Sài Gòn năm 2021 có trung tâm Thành Long. Tôi đã nghĩ đến kế hoạch xây học viện bóng đá ở Thành Long. Tôi là người hoạch định chiến lược mà lại ra làm việc ở PVF, còn những người thay thế ở Sài Gòn FC làm việc theo cách khác.
Sài Gòn khi ấy cũng sai về câu khẩu hiệu. Đội bóng đi theo con đường "Nhật hóa", theo tôi dùng từ như vậy là không phù hợp. Tôi từng nói là Sài Gòn FC không phải đội bóng Nhật Bản, mà chúng tôi chỉ học công nghệ bóng đá của người Nhật.
Theo chủ trương của lãnh đạo Sài Gòn FC, chúng tôi phải lấy cầu thủ Nhật Bản về đội. Tôi chấp nhận bỏ Geovane Magno và Pedro Paulo dù rất tiếc nuối. Tôi phải làm vì cái chung của đội bóng. Tuy nhiên, biết rằng Sài Gòn FC phải tìm nguồn thu, nhưng cần dung hòa vấn đề ấy với khâu chuyên môn và thành tích.
Để làm bóng đá, cần phải tạo hệ thống, củng cố đào tạo trẻ, xây dựng đội hình 1 trước đã. Mục tiêu trước tiên của bóng đá là phải có thành tích. Thương hiệu của CLB cần được xây dựng qua từng trận đấu một.
- Để thực hiện kế hoạch ở CLB TP.HCM, ông có lo ngại điều tiếng không, bởi theo tôi được biết, Vũ Tiến Thành cũng là nhân vật gây tranh cãi?
Tôi cho rằng mình nên nhìn vào kết quả cụ thể, còn không quan tâm người ta nói tốt về mình hay không. Có một điều tôi ngạc nhiên với những người làm bóng đá là họ dùng mạng xã hội nhiều quá. Tôi nói với cầu thủ rằng buổi sáng thức dậy, khi họ viết những dòng trạng thái trên mạng xã hội, hãy viết những điều tốt.
Facebook cũng như ngôi nhà của mình. Nếu họ nói những điều tích cực, mọi thứ sẽ luôn tích cực. Còn nói tiêu cực thì mọi thứ tiêu cực. Hãy mở mắt ra và nhìn cuộc đời bằng con mắt lạc quan. Truyền thông và mạng xã hội hiện nay sẵn sàng khai thác những thứ cầu thủ đăng lên.
3 năm tôi về làm bóng đá, số người nghĩ tốt về tôi nhiều hơn là nghĩ xấu. Tôi là người trực diện và thẳng thắn. Nếu tôi không phải người tốt, cầu thủ sẽ không ra sân lăn xả vì mình. Ở Sài Gòn hay TP.HCM cũng vậy. Tôi là người tử tế. Tôi sống với cầu thủ, nỗ lực làm việc để mang lại lợi ích cao nhất cho CLB của mình.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!