Hồ Ba Bể và câu chuyện may mắn dưới chân thác Đầu Đẳng
Mặt trời từ từ xuống núi, chiếu những tia nắng cuối ngày xuống mặt nước hồ Ba Bể xanh ngăn ngắt, khiến cho nó lung linh như có ai dát vàng, dát bạc...
Anh thanh niên người dân tộc Tày Nông Văn Thoại sinh ra và lớn lên tại xã Nam Mẫu ven hồ, lớn lên vì yêu hồ Ba Bể mà không thoát ly, ở lại quê làm nghề hướng dẫn khách du lịch và lái thuyền máy, đề nổ máy, con thuyền lướt nhẹ... Ai đó kêu lên: Ôi! Đúng là “sơn thủy hữu tình”. Còn tôi bất giác nhớ lại những câu thơ trong bài “Trên hồ Ba Bể” của nhà thơ Hoàng Trung Thông mà thế hệ chúng tôi thuộc lòng khi còn học cấp một: ...
Thoại vừa lái thuyền, vừa giới thiệu vắn tắt: Ba Bể là hồ thiên tạo, nằm ở trung tâm Vườn Quốc gia Ba Bể, thuộc xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, là một trong những hồ nước ngọt lớn nhất Việt Nam. Năm 1995, tại Mỹ, hồ Ba Bể được công nhận là một trong 20 hồ nước ngọt đặc biệt của thế giới cần được bảo vệ. Địa chất và địa mạo của khu vực hồ tạo thành những cảnh đẹp ngoạn mục. Hồ được nước của hai con sông chảy vào là sông Chợ Lèng và sông Nam Cường, rồi chảy ra sông Năng, đổ xuống thác Đầu Đẳng...
Vừa nghe chuyện vừa ngắm cảnh, quay phim, thoáng chốc thuyền chúng tôi rời hồ, xuôi theo dòng sông Năng để đến thác Đầu Đẳng, đích đến của hành trình và câu chuyện may mắn của 17 năm trước dưới chân thác.
Rồi việc lái thuyền được chuyển cho thanh niên Nông Văn Thuấn, cán bộ kỹ thuật của Trạm Thủy văn Ba Bể, người thuộc lòng những ghềnh đá, luồng lạch ở đây, để đưa chúng tôi tới gần ngọn thác hơn...
Thuấn bảo: Sông Năng, hàng vạn năm miệt mài cung cấp nước và phù sa, sau khi luồn dưới núi đá vôi Lũng Nham tạo thành Động Puông, như chốn bồng lai tiên cảnh, khi chảy đến khu vực bản Húa Tạng thì bị hàng trăm tảng đá lớn xếp chồng lên nhau chặn lại, cộng với độ dốc lớn, tạo thành dòng thác Đầu Đẳng hùng vĩ và luôn sôi sục với chiều dài hơn 1.000 mét, tạo thành ba bậc, bậc trên chênh với bậc dưới từ 3 đến 4 mét theo chiều dài. Tại khu vực thác Đầu Đẳng còn xuất hiện loại cá chiên với những con nặng trên 10kg, đây là loại cá hiếm thấy hiện nay. Mọi người có thể ngồi ngắm thác trên những phiến đá lớn hoặc trên ban công gỗ, sắt xây dựng phía trên cao...
Ngược dòng thời gian. Vốn cùng tỉnh Bắc Thái trước đây, anh em phóng viên Đài PT-TH Thái Nguyên luôn giữ mối quan hệ thân thiết với các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, trong đó có Vườn Quốc gia Ba Bể. Tháng 6-2006, theo đề nghị của Giám đốc Vườn Quốc gia Ba Bể Nông Văn Định, anh em ở Đài PT-TH Thái Nguyên lên làm giúp một video ca nhạc gồm những bài Then, Sly, Lượn ca ngợi thiên nhiên, con người nơi này, cũng có ý kêu gọi cộng đồng cùng nhau gìn giữ viên ngọc quý giữa núi rừng Việt Bắc.
Việc quay phim cơ bản hòm hòm, nhưng với đạo diễn trẻ Đặng Tiến Sơn khi đó thì cần có những cảnh kỳ vĩ trám thêm. Ê kíp lên Ba Bể có các nhà báo Tạ Đình Kiệm, Nguyễn Bảo Lâm, Nguyễn Thanh Bình và Đặng Tiến Sơn... Sau trận mưa rừng tối hôm trước, núi rừng Ba Bể tươi xanh, mát rượi. Sông Năng dâng nước, nơi thác Đầu Đẳng nước chảy cuồn cuộn. Giám đốc Nông Văn Định cử cán bộ của Vườn Quốc gia Ba Bể tên là Dương cùng đi với đoàn lên thác.
Khi đó, Đặng Tiến Sơn mới tốt nghiệp Cử nhân nghệ thuật chuyên ngành đạo diễn điện ảnh dưới Hà Nội về, được cử tham gia thực hiện nhiều tác phẩm khó, công phu. Lửa nghề mới được nhóm, cộng với sự đam mê luôn hừng hực, Sơn vác chiếc máy quay Bê-ta-cam nặng trịch, hứng khởi lia máy đẩy xa, rum gần rất điệu nghệ. Cơn mưa tối hôm trước làm nghiêng ngả nhiều cây rừng, làm cho việc quay phim đoạn con thác đổ tung bọt nước trắng xòa bị che một phần. Tảng đá trước mặt khô trắng bụi cát nhưng dưới lại đầy rêu trơn là cái bẫy khiến Sơn bước vào và trượt dài xuống thác cả trăm mét.
Sơn nhớ lại: Chiếc máy quay văng đi, nước dìm anh xuống vực sâu, rồi dềnh lên, lại dìm xuống đến bốn năm bận. Trong cơn hoảng loạn và vô vọng, anh chợt thấy một dây rừng buông thõng và cố bám lấy. Trời đất ạ! Cơn mưa rừng tối hôm trước đã làm một cây sồi đổ nghiêng và dây gắm theo đó mà xõa xuống... Thấy Sơn bị cuốn xuống vực, Dương cứ luồn rừng chạy xuôi mà gào, chợt thấy cái đầu nhô lên từ làn nước cuồn cuộn, anh ta mừng quá cứ ôm măt khóc hu hu...
Cụ ông Ma Văn Hiếu mở quán bán cơm rìa thác đón Sơn và anh em vào quán, dõng dạc: Hầy dà! Chưa ai rơi xuống thác mà thấy xác đâu lố. Lão ở đây mấy chục năm lão biết mà. Rượu Bằng Phúc đây, uống mừng thoát chết!
Các cán bộ, phóng viên, biên tập viên, người lao động của Đài PT-TH Thái Nguyên năm ấy hân hoan đón mừng Sơn thoát chết trở về. Các cán bộ quản lý lo toan tính khấu hao của máy quay bị rơi xuống vực. Thác Đầu Đẳng vẫn trường ca gầm réo cho vào quên lãng tất cả...
Hôm 1/7/2023, gặp lại nhau ở Bắc Kạn, anh Hoàng Đức Chí, Giám đốc Đài PT-TH Bắc Kạn cho biết: Sau vụ nhà báo Thái Nguyên rơi xuống thác Đầu Đẳng, tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo xây rào chắn, hàn sàn ngắm thác, quay phim, chụp ảnh, gắn nhiều biển cảnh báo nên ngăn chặn được nhiều tai nạn. Còn bà Trần Thị Loan, dựng lều bán nước ngay đỉnh thác, thì bảo: Có cảnh báo rồi, không ai dám xuống đâu vớ!...
Năm ấy (2006), tôi làm Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên, đi họp Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam tại Hà Nội, có báo cáo lại câu chuyện trên. Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Hồng Vinh nhắc nên đề nghị thành lập một quỹ để trợ giúp tai nạn rủi ro cho các nhà báo...
Trở lại câu chuyện đi hồ Ba Bể mới đây. Hôm ấy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Bắc Kạn Lưu Thị Hà đề nghị Thoại cho thuyền chạy đến các địa danh tên tuổi: Đảo Bà Góa, đảo An Mạ; ngắm các bản nhà sàn của người Tày; nghe sự tích hồ Ba Bể với truyền thuyết về đảo Bà Góa, thuyền độc mộc... Rồi cùng nghe nhà báo Nguyễn Xuân Hải (Báo Thái Nguyên) đọc phần tiếp trong bài thơ “Trên hồ Ba Bể” của nhà thơ Hoàng Trung Thông: và cả câu chuyện về nhà báo may mắn Đặng Tiến Sơn nữa.