Hồ 'bất thường' nhất thế giới: Không có nhiều nước nhưng nhiều quốc gia muốn tìm tới
Mặc dù không có nước nhưng hồ này lại chứa một loại hợp chất không tưởng mà bất cứ quốc gia nào cũng mong muốn.
Ở làng La Brea phía tây nam đảo Trinidad thuộc Cộng hòa Trinidad và Tobago, Châu Mỹ có một cái hồ được đặt tên là hồ Pitch. Hồ Pitch không có nhiều nước nhưng lại thu hút rất nhiều khách du lịch. Thậm chí, nhiều quốc gia trên thế giới còn thể hiện mong muốn sử dụng hồ này. Hồ Pitch có chứa gì mà ai ai cũng thèm khát như vậy?
Hồ không chứa nước
Nguyên nhân là bởi hồ Pitch thực chất là một hồ nhựa đường tự nhiên lớn nhất thế giới. Hồ Pitch chứa đến 10 triệu tấn nhựa đường. Có thể nói, hồ nhựa đường Pitch là mỏ nhựa đường tự nhiên lớn nhất thế giới. Hồ nhựa đường Pitch có diện tích lên tới 40 hecta và sâu 75m.
Hồ Pitch được tìm thấy vào năm 1595 và được đưa vào khai thác kể từ năm 1867. Đó là vào cuối thế kỷ 16, ngài Walter Raleigh đã đến đất nước này và trong quá trình khám phá khu vực này, ông đã bị choáng ngợp bởi mùi nhựa đường trong không khí. Những người dân bản địa đã dẫn ông ta đến nơi mà họ cho rằng đó là địa ngục. Khi tới nơi ông đã thấy một cái hồ có chứa đầy một chất màu đen và Walter Raleigh là người khám phá ra hồ Pitch.
Các nhà khoa học sau khi phân tích các chất có trong hồ Pitch đã kết luận rằng nó có tuổi đời lên tới hàng nghìn năm.
Hồ Pitch hình thành từ sau khi mảng lục địa Caribe dịch chuyển và bị khối lục địa khác đè lên. Sự dịch chuyển này đã tạo ra các đường nứt gãy và làm cho dầu thô dưới lòng đất bị phun trào lên bề mặt. Một thời gian sau, khi những nguyên tố nhẹ trong dầu thô bị bốc hơi hết, những gì còn lại chỉ có nhựa đường.
Theo truyền thuyết cổ của người dân nơi đây, hồ Pitch trước đây đã từng "nuốt chửng" một bộ lạc do họ đã ăn những con chim ruồi, loài chim được cho là linh hồn tổ tiên của họ. Do đó các vị thần đã tạo ra hồ Pitch để trừng phạt loài người.
Một truyền thuyết địa phương khác lại cho rằng hồ Pitch có liên quan tới câu chuyện của nàng Callifaria, con gái của một tù trưởng bộ lạc địa phương. Nàng đã chạy trốn theo người yêu của mình là Kasaka, một hoàng tử của bộ tộc đối thủ. Cha của nàng đã đuổi theo và bắt được con gái của mình. Sau đó ông đã buộc nàng vào 1 con ngựa để nó kéo nàng trở về nhà. Vị thần Arawak khi biết chuyện này đã rất tức giận, ngài đã nhấn chìm cả ngôi làng của nàng xuống đất và dùng nhựa đường "che" nó đi.
Bảo tàng lịch sử thiên nhiên
Theo Amusing Planet, trong quá trình nghiên cứu tại hồ Pitch, các nhà khoa học đã tìm thấy vô số dấu vết của những con vật từ thời tiền sử. Trong lòng hồ, các nhà cổ sinh vật học đã vớt xương của các loài chó sói, rùa, ma mút, hổ răng kiếm, bò rừng bizon và cả những động vật không xương sống khác. Họ cho rằng, những loài động vật này vô tình rơi xuống và bị mắc kẹt trong nhựa đường. Chính lớp nhựa đường đã giúp cho bộ xương của chúng được bảo quản 1 cách hoàn hảo như vậy.
Theo thống kê của các nhà khoa học, 90% các hóa thạch trong hồ Pitch là của các loài thú săn mồi. Trong đó, có tới 4.000 hóa thạch của sói tuyết, 2.000 hóa thạch của hổ răng kiếm, còn lại là của sói Bắc Mỹ. Ngoài ra họ cũng tìm được cả hóa thạch của các loài chim ăn thịt.
Vào năm 1928, một cây cổ thụ khổng lồ 4.000 năm tuổi đã bất ngờ trồi lên lòng hồ Pitch rồi sau đó lại từ từ chìm dần xuống dưới. Từ sự việc này, các nhà khoa học đã đặt ra giả thuyết rằng, hồ Pitch là một môi trường tương tự như hồ hydrocacbon trên Titan, mặt trăng của sao Thổ. Nếu họ có thể phân tích được toàn bộ các chất có trong hồ Pitch, họ sẽ tìm ra câu trả lời về việc có hay không sự sống trong hồ hydrocacbon của Titan.
Nguồn nhựa đường dồi dào
Nhựa đường của hồ Pitch vô cùng đặc nên bạn có thể dễ dàng đi lại trên mặt hồ. Thế nhưng, nếu bạn dừng lại thì sẽ bị chìm dần. Bởi nhìn từ bề mặt thì hồ Pitch có vẻ hoàn toàn yên tĩnh, nhưng trong lòng hồ, các dòng nhựa đường thực chất vẫn luôn di chuyển không ngừng.
Nguồn nhựa đường của hồ Pitch tính tới thời điểm này đã được khai thác trong hơn 100 năm và vẫn chưa có dấu hiệu cạn. Chính vì thế, dù Cộng hòa Trinidad và Tobago với dân số chưa đến 1,2 triệu người nhưng nhờ có tài nguyên nhựa đường và dầu khí nên quốc gia này là một địa điểm đầu tư tuyệt vời cho giới doanh nhân quốc tế.
Hiện nay, hồ Pitch đang cung cấp 108.000 tấn bitum (dùng làm nhựa rải đường) và phần lớn được xuất khẩu. Các vỉa dầu phần lớn ở miền Nam Trinidad cung cấp hơn 7 triệu tấn/năm (1994). Khai thác khí đốt cũng trên đà gia tăng. Dầu mỏ được xuất khẩu sang Hoa Kỳ và Vương quốc Anh. Phần lớn giếng dầu và các nhà máy lọc dầu đều nằm trong tay các công ty của Hoa Kỳ. Sản lượng hyđrocacbon chiếm 80% tổng giá trị các loại sản phẩm xuất khẩu. Tính đến năm 2016, GDP của Trinidad và Tobago đạt 22.809 USD, đứng thứ 106 thế giới và đứng số 1 khu vực Caribe.
Con đường ở phía trước của cung điện Buckingham nước Anh hay sân bay La Guardia, đường hầm Lincoln của Mỹ đều là những công trình kiến trúc nổi tiếng từng sử dụng nhựa đường từ hồ Pitch để xây dựng.
Tính tới nay, các công ty khai khoáng đã thu được 10 triệu tấn nhựa đường nhưng hồ Pitch vẫn còn rất nhiều. Các nhà khoa học phỏng đoán rằng, còn rất nhiều nguồn dầu mỏ bên dưới lòng đất và có lẽ nguồn nhựa đường sẽ chưa thể cạn kiệt. Lượng nhựa đường dưới hồ Pitch có thể khai thác trong mấy trăm năm nữa.
Ngoài ra, hồ Pitch còn là một điểm du lịch nổi tiếng. Mỗi năm lượng khách du lịch kéo đến đây lên tới 20.000 người. Thời điểm du khách kéo tới nhiều nhất là sau mùa mưa. Sau những cơn mưa, nhiều hồ nước nhỏ được hình thành trên mặt hồ Pitch và chúng có chứa hàm lượng lưu huỳnh rất lớn. Nước hồ như vậy có thể chữa được các bệnh về xương khớp và da. Vì thế, du khách thường tới đây để ngâm mình trong các hồ nước nhỏ này.
*Bài viết tổng hợp nguồn từ Sohu, Worldking, Explorersweb…