Hồ Bohinj - tấm gương khổng lồ, vẻ đẹp huyền bí nơi tận cùng thế giới
Slovenia – quê hương của đệ nhất phu nhân nước Mỹ là điểm đến thu hút với rất nhiều khách du lịch. Có không ít những điều thú vị ở đây, trong đó phải kể đến hồ nước Bohinj với vẻ đẹp huyền ảo hiếm nơi nào khác có được.
Cách thủ đô Ljubljana, Slovenia một giờ đồng hồ lái xe, hồ Bohinj nằm trong thung lũng Bohinj của dãy Julian Alps với những dãy đá vôi đồ sộ, nằm ở phía Tây Bắc khu vực Thượng Carniola và một phần của Vườn quốc gia Triglav. Hồ Bohinj dài 4,2km và rộng 1km ở nơi rộng nhất, vốn là một hồ băng tạo thành từ băng tích.
Hồ gương tĩnh lặng
Hồ Bohinj vốn được mệnh danh là “hồ gương” bởi mặt hồ tĩnh lặng và trong suốt như một tấm gương khổng lồ. Bao quanh hồ là rặng núi phủ rừng thông xanh ngát điểm xuyến cùng những đồng cỏ hoang sơ tạo nên vẻ đẹp kỳ vĩ của thiên nhiên.
Bohinj còn được ví như “viên ngọc xanh” của Slovenia. Nước hồ có nguồn gốc chủ yếu từ Hồ Đen (Black Lake), vì vậy nước trong hồ chia thành hai phần rõ rệt như có một giao ước ngầm được thể hiện bằng đường phân chia ranh giới ở giữa hồ. Một nửa hồ phía gần bờ nước trong suốt như thủy tinh, có thể nhìn rõ từng viên sỏi dưới đáy hồ. Nửa còn lại nước hồ có màu xanh thẫm đầy vẻ huyền bí.
Ngoài ra, nơi đây còn có một thảm thực vật đa dạng và phong phú. Vùng hồ nước trong Bohinj cũng là môi trường sống của nhiều loại cá như cá hồi, cá tuyết sông, Squalius cephalus, Phoxinus phoxinus, các loại động vật thân mềm, cũng như nhiều loài tảo…
Nằm ở phía bên kia hồ là một bức tượng đồng Zlatorog sậm màu mảnh khảnh, tức Sừng Vàng, con hươu huyền thoại được người dân trong vùng tin là đã bảo vệ cho rặng núi xung quanh hồ. Dưới ánh nắng ban trưa, con hươu này trông giống như thật.
Nơi tận cùng thế giới
Trong hàng trăm năm, những ngôi làng chăn cừu và người dân sống xung quanh hồ nước đóng băng Bohinj bị cách ly hoàn toàn với phần còn lại của Slovenia bởi đường sá và địa hình hiểm trở. Cũng chính vì sự cách biệt về địa lý mà ở Slovenia, người ta thường có câu châm ngôn hài hước rằng, “Bohinj đi sau thế giới một, hai ngày”.
Có khoảng 24 ngôi làng quần tụ dưới chân dãy núi Julian Alps, ngôi làng lớn nhất là Bohinjska Bistrica. Một trong những số đó có ngôi làng xinh đẹp Ukanc, nằm ở phía bên xa nhất của hồ mà tên của nó dịch ra là ‘nơi tận cùng thế giới’, và để đi tới đó có thể phải mất hàng tuần.
Tuy nhiên vào năm 1906, trong thời kỳ suy tàn của Đế chế Áo-Phổ, người ta đã phá núi làm đường hầm và một tuyến đường sắt được xây dựng để kết nối thành phố khai mỏ Jesenice ở phía Bắc với hải cảng Trieste nằm trên bờ biển Adriatic ở phía Nam. Nhờ vậy, vùng Bohinj ít bị cách biệt hơn về mặt địa lý, nhưng sau đó nó lại trở thành một phần lãnh thổ của nước Nam Tư cũ trong hàng chục năm. Vậy nên, không cách biệt về địa lý nhưng lại cách biệt về chính trị với phần còn lại của châu Âu lúc bấy giờ.
Mãi đến năm 1991, khi Slovenia đã giành được độc lập và gia nhập khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu, Eurozone, vào năm 2007, một phần quá khứ dường như vẫn còn ảnh hưởng sâu đậm và nhịp sống chậm rãi vẫn được duy trì ở vùng đất xinh đẹp này.
Ngày nay, Bohinj đã trở thành điểm đến thu hút rất nhiều nghệ sĩ và du khách yêu thích cái đẹp. Do Bohinj nằm giữa những dãy núi trập trùng với độ cao từ 1.600m đến 2.000m nên đây được xem là nơi lý tưởng để cắm trại và tham gia các hoạt động ngoài trời như bơi lội, chèo thuyền, leo núi, đạp xe, cưỡi ngựa, chơi golf… Từ hồ Bohinj, những ai đam mê khám phá có thể đi lên thác nước Savika cách hồ hơn một tiếng đường đèo, ngắm thảm thực vật đa dạng nhất thế giới cùng khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp.
Theo tục truyền của người dân bản xứ, khi Chúa tung từ cái bị của mình ra làm nên các nước trên thế giới, một hại bụi nhỏ bị dính lại ở đáy bị. Sau này Chúa ném hạt bụi đó xuống giữa châu Âu, làm nên nước Slovenia bé nhỏ và được đền bù bằng báu vật của tất cả các nước khác như: rừng, biển, núi non, sông hồ, hang động…
Có lẽ, vì vậy không khó để hiểu vì sao Bohinj lại được thiên nhiên ban tặng vẻ đẹp quyến rũ đến như vậy. Bất cứ ai một khi đã đến nơi đây đều không muốn rời xa.