Hồ Chí Minh với tổng tuyển cử đầu tiên, với nhà nước của dân
Sau khi giành được độc lập, dân tộc Việt Nam đứng trước tình thế 'ngàn cân treo đầu sợi tóc'. Trong phiên họp Chính phủ đầu tiên ngày 3.9.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra 2 nhiệm vụ lớn đó là 'diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm' và 'tiến hành tổ chức tuyển cử để nhân dân bầu ra Quốc hội, để có một Hiến pháp dân chủ do Quốc hội của dân thông qua'.
Mặc dầu ở trong tình thế với sự có mặt của 30 vạn quân Trung Hoa Dân Quốc ở phía Bắc và quân Anh ở phía Nam với danh nghĩa quân Đồng minh vào giải giáp quân Nhật, nhưng thực chất là cấu kết với bọn phản động trong nước để hòng lật đổ chính quyền cách mạng non trẻ. Việt Nam lâm vào tình thế hiểm nguy. Ngày 23.9.1945, thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm trụ sở UBND Nam Bộ ở Sài Gòn, mở đầu cuộc xâm lược Việt Nam lần 2, buộc nhân dân Việt Nam phải đứng lên kháng chiến.
Trong bối cảnh mà chưa hết bàng hoàng trước nạn đói, đất nước đứng trước nguy cơ bị xâm lược, chính quyền lại còn non trẻ, thế mà vẫn tổ chức được Tổng Tuyển cử vào ngày 6.1.1946 để toàn dân Việt Nam từ Nam chí Bắc, từ miền xuôi đến miền ngược, khắp nơi cử tri hồ hởi đi bầu cử Quốc hội, như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói Quốc hội là “những người do dân ủy thác cho” để thay mặt dân và “bảo vệ lợi ích chung của nhân dân”.
Có một Quốc hội do dân bầu ra, Quốc hội tiến hành lập ra Chính phủ và thông qua Hiến pháp của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa cùng với việc thành lập tòa án, như vậy chứng tỏ Nhà nước do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam sáng lập là Nhà nước pháp quyền. Ở kỳ họp thứ hai của Quốc hội khóa I vào tháng 10.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Các đại biểu, các ủy viên, các ông chủ tịch đừng vì cái quyền hành mà nghênh nghênh cậy thế cậy quyền”; “Chính phủ từ Hồ Chí Minh đến những người làm việc ở các Ủy ban là đông lắm và phức tạp lắm, dù sao thì Chính phủ ta cũng đang hết sức làm gương, nhưng nếu gương không xứng đáng thì sẽ dùng pháp luật để mà trị”. Ngay trong năm 1946, Hồ Chí Minh đã ký 2 sắc lệnh quan trọng. Sắc lệnh số 26 ngày 25.2.1946 quy định tội phá hoại tài sản công coi là trọng tội. Sắc lệnh số 229 ngày 27.12.1946 ấn định hình phạt đối với tội đưa và nhận hối lộ, biển thủ công quỹ tài sản công. Người yêu cầu bộ máy Nhà nước cần nghiêm khắc với “những kẻ lợi dụng quyền thế làm việc trái với chính sách, pháp luật, với lợi ích của nhân dân”.
Ngay từ bản Hiến pháp năm 1946 được Quốc hội thông qua đã chứa đựng nội dung Nhà nước pháp quyền. Hồ Chí Minh đã đưa vào Hiến pháp cơ cấu quyền lực giữa các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, mà những quyền lực đó do một thể chế Nhà nước mới thực hiện. Điều 22 Hiến pháp năm 1946 quy định: “Nghị viện nhân dân (Quốc hội) là cơ quan có quyền lực cao nhất của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”. Điều 43 quy định: “Cơ quan hành chính cao nhất của toàn quốc là Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa”. Điều 63 quy định: “Cơ quan tư pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hòa gồm: Tòa án tối cao, các tòa án phúc thẩm, các tòa án nhị cấp và sơ cấp”. Có thể nói, trong tình thế đất nước như vậy, trong một thời gian ngắn, lại bị cô lập với thế giới, sau khi cách mạng thành công dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thiết lập được chính quyền cách mạng, tuy non trẻ nhưng đã mang đầy đủ tố chất của một chính quyền vừa đại diện cho dân tộc và nhân dân vừa tiếp cận được tính chất của một Nhà nước pháp quyền phù hợp với thời đại.
Điều rất mới và đặc biệt, Nhà nước của nước Việt Nam độc lập là Nhà nước của dân đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước vừa ra đời mà phải thực hiện hai nhiệm vụ kháng chiến và kiến quốc. Theo Hồ Chí Minh, dù hoàn cảnh nào thì Nhà nước cũng phải là của dân, bầu cử là biện pháp dân chủ để dân lập ra Nhà nước và cũng là phương thức để kiểm tra quyền lực Nhà nước. Người trúng cử vào Quốc hội phải có trách nhiệm với nhân dân bầu ra mình để đại diện cho dân kiểm soát quyền lực Nhà nước. Đồng thời, bản thân họ nếu không làm tròn sự ủy thác của nhân dân thì cũng bị “bãi nhiệm”. Quyền bãi nhiệm đại biểu của cử tri cũng đã được ghi vào Điều 20 của Hiến pháp 1946: “Nhân dân có quyền bãi miễn các đại biểu do mình bầu ra”. Nhân dân kiểm soát quyền lực của Nhà nước còn qua việc “phúc quyết” đối với những vấn đề trọng đại của đất nước. Người nói: “Những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa ra nhân dân phúc quyết, nếu hai phần ba nghị viện đồng ý”. Thực chất đó là việc thay cho trưng cầu ý dân, một hình thức quan trọng để thực hiện quyền dân chủ của dân để kiểm soát các quyết sách của Nhà nước mà Hồ Chí Minh đã đưa vào Hiến pháp.
Vấn đề kiểm sát quyền lực trước tiên là quyền lực của đại biểu, của cán bộ luôn được Hồ Chí Minh quan tâm và nhắc nhở, Người nói “Đại biểu Quốc hội được cử tri bầu ra không phải để làm quan, không phải để ăn trên, ngồi trốc mà là người đầy tớ thật trung thành với đồng bào”. Muốn làm được điều đó các đại biểu Quốc hội phải thực sự gắn kết máu thịt với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thường xuyên tiếp xúc, nghe ngóng cử tri để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng và ý kiến của cử tri phản ánh với Quốc hội và cơ quan Nhà nước. Hồ Chí Minh luôn căn dặn: “Các đại biểu Quốc hội hãy vì lợi nước quên nhà, vì lợi ích chung quên lợi ích riêng, phải làm cho xứng đáng với đồng bào”.
Vận dung tư tưởng và quan điểm Hồ Chí Minh vào việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN cần quan tâm đến việc thực hành dân chủ, giữ vững kỷ cương, tăng cường pháp chế. Theo đó, cơ quan quyền lực Nhà nước phải được hoạt động thực sự dân chủ. Quyền lực Nhà nước không thuộc về bộ máy Nhà nước hay một bộ phận cán bộ có chức quyền mà là thuộc về nhân dân. Để quyền lực thuộc về nhân dân, thì cơ quan tối cao đại diện cho nhân dân là Quốc hội phải hoạt động đúng thực quyền, hoạt động một cách dân chủ, công khai trên cơ sở đảm bảo đầy đủ sự ủy quyền của nhân dân để giám sát các hoạt động của cơ quan Nhà nước. Là cơ quan quyền lực của nhân dân, một thiết chế vì dân, nên các đại biểu Quốc hội phải nắm được tâm tư, nguyện vọng của dân, mạnh dạn nêu lên chính kiến để biến ý chí, nguyện vọng của nhân dân thành ý chí của Nhà nước. Đồng thời bản thân của đại biểu Quốc hội cũng phải luôn nêu gương, luôn học hỏi tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ hiểu biết, nắm vững pháp luật, thực sự vì người dân thì khi ấy chức năng giám sát của đại biểu, của Quốc hội mới có hiệu quả thực sự. Đó là thực thi dân chủ đúng nghĩa nhất.
Lúc này kỷ niệm 75 năm ngày Tổng tuyển cử và đang hướng về Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, quan điểm của Hồ Chí Minh về dân chủ “Bao nhiêu lợi ích đều của dân, bao nhiêu quyền lợi đều của dân” cần được khắc sâu vào tâm can của cán bộ các cấp, cần được quán triệt vào các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Muốn vậy thì trước hết theo Người: “Chính phủ dân chủ của nhân dân phải là đầy tớ của dân, từ chủ tịch tối cao đến cán bộ dân làng. Dù là Chính phủ hay là cán bộ cũng phải là đầy tớ…”. Bởi Hồ Chí Minh đã nhận biết một điều là dù cơ chế gì, dù sự kiểm soát quyền lực đến đâu, thì quan trọng bậc nhất để thực thi được dân chủ là ở cán bộ, “người cán bộ là gốc”, ở “tư cách của người cách mạng”.
Hiện nay ở trong một thế giới luôn thay đổi và biến động, nhớ về những năm tháng đầu Cách mạng Tháng Tám, ta vẫn thấy có những giá trị không đổi theo thời gian. Từ đó đến nay, đất nước trải qua bao thử thách gian truân mà vẫn vượt qua được để phát triển. Để có được thành quả như hiện nay do Đảng ta đã lãnh đạo dân tộc giữ vững và phát huy điều mà Hồ Chí Minh đã nêu ra, tất cả lợi ích đều thuộc về nhân dân và có dân là có tất cả.