Hồ Chí Minh với xây dựng Đảng chân chính cách mạng, xây dựng Đảng về đạo đức

Trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh, tư tưởng về đảng cộng sản-đảng cách mạng chân chính theo học thuyết đảng kiểu mới của Lênin và đảng cộng sản cầm quyền có một vị trí nổi bật, có vai trò đặc biệt quan trọng.

Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của sự nghiệp cách mạng, từ cách mạng giải phóng dân tộc đến cách mạng xã hội chủ nghĩa, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.

Trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh, tư tưởng về đảng cộng sản-đảng cách mạng chân chính theo học thuyết đảng kiểu mới của Lênin và đảng cộng sản cầm quyền có một vị trí nổi bật, có vai trò đặc biệt quan trọng. Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của sự nghiệp cách mạng, từ cách mạng giải phóng dân tộc đến cách mạng xã hội chủ nghĩa, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.

Sau 10 năm đầu trong cuộc hành trình tìm đường cứu nước (kể từ năm 1911), năm 1920, Nguyễn Ái Quốc trở thành chiến sĩ cộng sản đầu tiên của Việt Nam, là người đồng sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, khi mới 30 tuổi. Cũng năm 1920, lần đầu tiên, Nguyễn Ái Quốc được đọc tác phẩm của Lênin về “Quyền tự quyết của các dân tộc” qua bản tiếng Pháp, tạo nên bước ngoặt nhận thức trong cuộc hành trình tư tưởng của Người. Sau này, khi hồi tưởng lại, Người đánh giá, tư tưởng Lênin đã rọi sáng cho Người, giúp Người nhận ra “đây là cái cẩm nang thần kỳ, là con đường giải phóng cho chúng ta, là con đường cứu sống chúng ta”.

Mười năm sau, năm 1930, ở tuổi 40, Người sáng lập Đảng ta với tên gọi “Đảng Cộng sản Việt Nam”. Người trực tiếp soạn thảo Chính cương, Sách lược của Đảng, Điều lệ Đảng và thư gửi quốc dân đồng bào nhân sự kiện Đảng ra đời, kêu gọi đồng bào đoàn kết xung quanh Đảng, đi theo con đường cách mạng mà Đảng vạch ra.

Bác Hồ làm việc trong vườn Phủ Chủ tịch (năm 1957). Ảnh tư liệu.

Bác Hồ làm việc trong vườn Phủ Chủ tịch (năm 1957). Ảnh tư liệu.

Do vậy, khi xác định “tư cách của một người cách mệnh”, Người đặc biệt nhấn mạnh “phải giữ chủ nghĩa cho vững” và phải “ít lòng tham muốn về vật chất”. Từ đây cho chúng ta thấy, Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh là nhà tư tưởng Mác-xít kiên định, suốt đời đi theo lý tưởng, mục tiêu cộng sản chủ nghĩa, trung thành với Chủ nghĩa Mác-Lênin.Trước đó, tại Quảng Châu (Trung Quốc), vào năm 1927, Người viết tác phẩm “Đường cách mệnh”, đặt nền móng tư tưởng lý luận, đồng thời chuẩn bị về chính trị và tổ chức cho Đảng ra đời. Tác phẩm quan trọng này được viết sau Cách mạng Tháng Mười Nga đúng 10 năm, khi Người đã là một người Mác-xít, đã giác ngộ chủ nghĩa Lênin, Chủ nghĩa Mác-Lênin, tiếp thu chân lý của thời đại mới dưới ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười (năm 1917) và từ thực tiễn xây dựng nước Nga Xô viết trong buổi đầu áp dụng “Chính sách kinh tế mới” (NEP) của Lênin. Người khẳng định trong tác phẩm “Đường cách mệnh”: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”.

Song, Người là một nhà Mác-xít sáng tạo, chứ không giáo điều. Người trung thành với Chủ nghĩa Mác-Lênin một cách sáng tạo, không chỉ vận dụng mà còn phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin từ thực tiễn cách mạng Việt Nam và thực tiễn cách mạng thế giới. Vốn sống và kinh nghiệm mà Người tích lũy được trong 30 năm tìm đường cứu nước (1911-1941), với hoạt động thực tiễn phong phú của Người trong phong trào công nhân và lao động ở châu Âu và phương Tây, cũng như thực tiễn gần 30 năm Người trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, kể từ khi Người về nước cho đến khi Người qua đời (1941-1969), thực sự là trường học vĩ đại-trường học của cuộc sống lao động-học tập và tranh đấu, rèn đúc nên cốt cách và bản lĩnh của một nhà cách mạng chân chính, nhà Mác-xít hiện đại Hồ Chí Minh.

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng xây dựng Đảng chân chính cách mạng, xây dựng Đảng về đạo đức-đạo đức cách mạng. Đây là đóng góp quan trọng nổi bật của Hồ Chí Minh vào lý luận đảng cầm quyền. Theo Hồ Chí Minh, Đảng phải là một đảng to lớn, mạnh mẽ, chắc chắn, trong sạch, cách mạng triệt để. Đảng phải là người lãnh đạo sáng suốt, kiên quyết, trung thành của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Người đòi hỏi Đảng và từng tổ chức đảng, cán bộ và đảng viên phải nêu cao tính tiền phong gương mẫu để thực sự là những tấm gương sáng cho quần chúng tin tưởng, noi theo.

Theo Hồ Chí Minh, muốn vậy Đảng phải nêu cao tính kỷ luật, tinh thần đoàn kết, có sức chiến đấu. Đảng phải tỏ rõ bản lĩnh của một đảng cách mạng, đảng chiến đấu, đảng hành động. Nguyên tắc cốt tử của Đảng là tập trung dân chủ và Người cũng thường nhấn mạnh dân chủ tập trung, bảo đảm lãnh đạo tập thể gắn liền với cá nhân phụ trách. Kỷ luật của Đảng phải thật nghiêm minh, là “một thứ kỷ luật sắt”, thống nhất ý chí và hành động, dựa trên sự tự giác của mỗi đảng viên.

Một trong những luận điểm quan trọng của Người về Đảng chân chính cách mạng là thái độ và hành động của Đảng trước những khuyết điểm, sai lầm mà Đảng và cán bộ đảng viên có thể mắc phải. Đảng phải tỏ rõ thái độ dũng cảm và tính phê phán nghiêm túc, trung thực mà sâu xa là trách nhiệm của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng, đối với cuộc sống của nhân dân.

Là một nhà tư tưởng Mác-xít sáng tạo đầy bản lĩnh, là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, Hồ Chí Minh có những đóng góp ở tầm phát kiến về lý luận xây dựng đảng cộng sản cầm quyền, làm sâu sắc và phong phú thêm lý luận của Chủ nghĩa Mác-Lênin.

Chỉ riêng “12 điều xây dựng Đảng cách mạng chân chính” mà Người nêu ra trong “Sửa đổi lối làm việc” từ năm 1947 đã là sự tiếp nối, sự phát triển hợp lô-gíc những tư tưởng của Người về Đảng trong “Đường cách mệnh”, năm 1927. Các tác phẩm Người viết năm 1949, cách đây hơn 70 năm, như: “Đảng ta”, “Cần kiệm liêm chính”, “Dân vận”… cho thấy Người đã nhạy cảm và sâu sắc như thế nào khi bàn tới nội dung xây dựng Đảng, đặc biệt là xây dựng Đảng về đạo đức. Cho đến Di chúc (1965-1969) và tác phẩm lý luận cuối cùng của Người, được công bố đúng vào dịp kỷ niệm 39 năm Ngày thành lập Đảng (3-2-1969) “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, thì sự quan tâm của Người về đạo đức trong Đảng càng nổi bật.

Trong hàng ngũ các lãnh tụ cộng sản, trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, Hồ Chí Minh là người quan tâm nổi bật nhất và có những kiến giải hệ thống nhất về xây dựng đảng cộng sản cầm quyền, cũng là người nhấn mạnh nhiều nhất về đạo đức cách mạng của Đảng, của cán bộ đảng viên và xây dựng Đảng về đạo đức, từ đó đề cập tới văn hóa của Đảng, nhất là của đảng cộng sản cầm quyền.

Vận dụng những tư tưởng quý báu đó của Người vào thực tiễn xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay, chúng ta cần bảo đảm sự thống nhất hữu cơ, chỉnh thể trong nhận thức và hành động, gắn liền tư tưởng với đạo đức và phong cách, giữa lý luận với thực tiễn; đặc biệt chú trọng thực hành. Cần quán triệt và thể hiện sáng tạo những chỉ dẫn của Người trong công tác lãnh đạo của Đảng. Theo đó, lãnh đạo một cách khoa học, trên cơ sở khoa học và trình độ khoa học cao. Đảng phải đặc biệt tỏ rõ vai trò tiên phong về lý luận. Đảng lãnh đạo bằng sự gương mẫu, nêu gương. Đây là cách lãnh đạo tốt nhất, hợp với ý nguyện, lòng dân nhất, có tác dụng thúc đẩy tốt nhất đối với quần chúng-lãnh đạo bằng sức mạnh của đạo đức cách mạng, đẩy lùi, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, để toàn tâm toàn ý phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đảng lãnh đạo và cầm quyền một cách dân chủ, nêu cao tính chiến đấu, trên tinh thần tôn trọng pháp luật của nhà nước pháp quyền và Điều lệ Đảng. Chỉ như vậy mới bảo đảm hiệu quả lãnh đạo và uy tín ảnh hưởng sâu rộng của Đảng trong xã hội.

Sự hài lòng của người dân, niềm tin của người dân với Đảng, với chế độ là thước đo quan trọng nhất mà Đảng và mọi cán bộ đảng viên trong toàn Đảng phải tự ý thức, phải phấn đấu đạt được trong công tác, lối sống và mỗi lời nói, việc làm cụ thể.

Theo QĐND

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/ho-chi-minh-voi-xay-dung-dang-chan-chinh-cach-mang-xay-dung-dang-ve-dao-duc-20200203153701843.htm