'Hộ chiếu vắc xin' giả: Đe dọa thành quả chống dịch toàn cầu
Để tạo điều kiện cho người dân đi lại, giảm bớt ảnh hưởng của dịch bệnh đối với các hoạt động kinh tế - xã hội, nhiều quốc gia sử dụng giấy chứng nhận cho những người đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 như tấm 'hộ chiếu' thông hành. Tuy nhiên, thời gian gần đây, vấn nạn mua bán giấy chứng nhận tiêm vắc xin giả đang làm đau đầu các nhà quản lý, đe dọa không nhỏ tới nỗ lực và những thành quả chống dịch trên toàn cầu.
Vấn nạn mua bán giấy chứng nhận tiêm vắc xin phòng Covid-19 giả đang làm đau đầu các nhà quản lý.
Gần đây nhất, lực lượng hải quan và tuần tra biên giới (CBP) của Mỹ đã bắt giữ 121 kiện hàng chứa hơn 3.000 chứng nhận tiêm vắc xin giả. Theo các quan chức CBP, dấu hiệu nhận biết những giấy chứng nhận giả này là không có dấu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC). Ngoài ra, do việc in ấn được thực hiện bởi một số băng nhóm tội phạm ở nước ngoài nên câu từ không chuẩn, nhiều lỗi chính tả. Tại bang Chicago, Bộ Tư pháp Mỹ đã bắt giữ một dược sĩ có tên Tangtang Zhao vì bán giấy chứng nhận vắc xin giả trên kênh bán hàng trực tuyến eBay. Dược sĩ này bị truy tố với 12 tội danh về đánh cắp tài sản của chính phủ và đối mặt với án phạt 10 năm tù.
Theo tờ Bưu điện Washington, khi số lượng ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2 gia tăng trở lại do sự xuất hiện của biến chủng Delta, nhiều bang của Mỹ đã áp dụng quy định yêu cầu người dân phải xuất trình giấy chứng nhận đã tiêm vắc xin khi tới các địa điểm công cộng. Các quán rượu, nhà hàng ở San Francisco, New York cũng yêu cầu khách hàng phải có giấy chứng nhận tiêm phòng Covid-19. Việc siết chặt kiểm soát dịch bệnh khiến cho tình trạng buôn bán “hộ chiếu vắc xin" tại Mỹ ngày càng phức tạp.
Giám đốc khu vực cảng ở Memphis (Mỹ) Michael Neipert cho biết, hiện tại, chính quyền Mỹ đang đẩy mạnh chiến dịch khuyến khích tiêm chủng phòng Covid-19, song vẫn tôn trọng quyền lựa chọn của người dân. Tuy nhiên, việc đã tiêm hay chưa phải được thể hiện một cách minh bạch. “Nhiều người không tiêm phòng, nhưng vẫn muốn được đi lại một cách tự do nên tìm đến các cơ sở sản xuất giấy tờ giả. Nếu bạn sử dụng giấy chứng nhận tiêm vắc xin giả đồng nghĩa với việc bạn đang làm nhiễu thông tin đối với lực lượng phòng, chống dịch, đồng thời gây nguy hại cho sức khỏe cộng đồng”, ông Neipert nhấn mạnh.
Tại Liên minh châu Âu (EU) - khu vực bắt đầu triển khai ứng dụng “hộ chiếu sức khỏe điện tử" với mã QR từ ngày 1-7, tình trạng mua bán giấy chứng nhận tiêm vắc xin giả vẫn gia tăng mạnh. Các cơ quan chức năng Italia gần đây đã buộc phải khóa hàng chục tài khoản sử dụng mạng xã hội để quảng cáo bán chứng nhận giả. Người đứng đầu bộ phận chống gian lận của cơ quan Cảnh sát Milan Gianluca Berruti cho biết, chỉ trong một thời gian ngắn, bộ phận này đã phát hiện hàng trăm giấy chứng nhận vắc xin giả và đánh sập 10 trang web đen liên quan. Không chỉ Italia, tại Thụy Sĩ, Pháp, Hà Lan, các nhà chức trách cũng đang đau đầu khi thị trường chợ đen buôn bán giấy chứng nhận tiêm vắc xin giả liên tục xuất hiện.
Các chuyên gia y tế nhận định, hành vi gian dối trong việc tiêm chủng để hòa nhập vào cộng đồng vô tình làm lây lan vi rút đang là sự thật đáng lo ngại, phá hỏng nỗ lực tiêm chủng đại trà ở nhiều quốc gia. Bên cạnh những rủi ro dịch tễ, việc mua bán các chứng nhận tiêm chủng giả vô hình trung sẽ tạo cơ hội cho tin tặc đánh cắp thông tin và danh tính của cá nhân để khai thác, tiến hành các hoạt động lừa đảo khác.
Đứng trước vấn nạn này, nhiều quốc gia đã tăng cường các biện pháp giám sát và xử lý nghiêm hoạt động phạm tội liên quan tới các giấy chứng nhận vắc xin giả. Tuy nhiên, cuộc chiến này phụ thuộc phần lớn vào ý thức của mỗi người dân tại mỗi quốc gia. Việc sử dụng “hộ chiếu vắc xin" giả nếu không được xử lý kịp thời sẽ là "quả bom nổ chậm" đối với công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 trên toàn cầu.