Hộ chiếu vaccine sử dụng như thế nào, người dân phải làm gì để được cấp?
Theo Bộ Y tế, người dân không phải làm gì, chỉ khai báo chính xác khi đi tiêm chủng, việc cấp hộ chiếu vaccine là trách nhiệm của ngành y tế.
Chiều 22/3, Bộ Y tế cùng tổ chức PATH với sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao và phát triển Anh tổ chức hội nghị triển khai giấy chứng nhận tiêm vaccine Covid-19 (hộ chiếu vaccine).
Ông Nguyễn Bá Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm dữ liệu y tế, Bộ Y tế cho biết, việc triển khai thí điểm hộ chiếu vaccine tại 3 bệnh viện E, K và Bạch Mai trong tuần qua. Kết quả hiện trên hệ thống đã sẵn sàng, đáp ứng tốt việc cấp hộ chiếu vaccine.
Trong tuần tới sẽ tổ chức hội nghị triển khai cấp hộ chiếu vaccine toàn quốc.
Theo ông Hùng, hộ chiếu vaccine điện tử tạo thuận lợi cho người dân đi lại, giao thương quốc tế. Hiện nay, thông tin từ bộ Ngoại giao, biểu mẫu hộ chiếu vaccine của Việt Nam đã được công nhận lẫn nhau với 17 quốc gia.
"Sau khi bộ Y tế ban hành quyết định, chúng tôi gặp rất nhiều câu hỏi của người dân về việc khi nào cấp hộ chiếu vaccine? Nhất là từ ngày 15/3, chúng ta mở cửa du lịch quốc tế như vậy nhu cầu về hộ chiếu vaccine điện tử sẽ rất lớn.
Hiện nay theo quy định, các cơ sở tiêm chủng sẽ thực hiện ký số, tuy nhiên về giải pháp kỹ thuật chúng tôi xây dựng 2 phương án: thứ nhất là các cơ sở tiêm chủng thực hiện ký số, thứ 2 là tùy thực tế địa phương sẽ giao cho 1 cơ quan đầu mối thực hiện ví như Sở Y tế hoặc CDC. Thực chất việc ký số rất đơn giản, cho phép ký theo lô hàng ngàn người 1 lúc.
Theo chúng tôi đánh giá về mặt quy trình sẽ rất đơn giản, người dân không phải làm gì mà chỉ khai báo chính xác khi đi tiêm chủng, các cơ sở tiêm chủng chịu trách nhiệm rà soát thông tin, kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác thực thông tin của người dân và thực hiện ký số cấp hộ chiếu điện tử”, ông Hùng nói.
Ông Hùng giải thích thêm, khi cơ quan chức năng thực hiện cấp hộ chiếu vaccine điện tử thì tất cả người dân đã tiêm chủng và có thông tin trên nền tảng quản lý tiêm chủng thì có QR code (theo tiêu chuẩn quốc tế) và sẽ hiển thị trên ứng dụng PC Covid hoặc Sở sức khỏe điện tử của Bộ Y tế, để thực hiện việc kiểm soát khi chúng ta đi ra nước ngoài.
Hiện Bộ Y tế đang phối hợp Bộ Thông tin xây dựng chức năng hiển thị Hộ chiếu vaccine trên các ứng dụng Covid-19 hiện nay.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy việc áp dụng công nghệ thông tin cho các hoạt động như thu thập dữ liệu để phòng chống dịch bệnh, đẩy mạnh việc sử dụng các hệ thống số hóa và đáp ứng nhanh khi thế giới đang dần tiến tới trạng thái bình thường mới.
Đến thời điểm hiện tại, tỉ lệ bao phủ vaccine Covid-19 tại Việt Nam đã đạt mức rất cao trong khu vực và quốc tế. Hiện nay, Việt Nam có tỷ lệ tiêm chủng cao, đứng vị trí thứ 6 trên thế giới. Việt Nam đang dần bước vào giai đoạn hồi phục hoạt động kinh tế xã hội. Chính phủ đã tuyên bố chính thức mở cửa lại hoạt động du lịch từ ngày 15/3/2022.
Kể từ cuối năm 2021, Việt Nam đã nỗ lực phát triển giấy chứng nhận tiêm Covid-19 điện tử để chuẩn bị cho việc đón khách quốc tế trở lại. Chứng nhận tiêm chủng điện tử hiển thị các thông tin cá nhân và thông tin tiêm chủng của người sử dụng thông qua mã QR code có hạn sử dụng là 12 tháng.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) hiện nay, Việt Nam đã cấp phép cho 9 loại vaccine tiêm phòng Covid-19. Trong đó, 3 loại vaccine véc tơ, 2 mRNA, 3 loại vaccine bất hoạt và 1 loại vaccine tái tổ hợp.