Hộ chiếu vaccine trông thế nào?
Việc sở hữu hộ chiếu vaccine điện tử sẽ giúp người dân thuận lợi trong việc đi lại và giao thương quốc tế.
Hộ chiếu vaccine COVID-19 là một mã QR, được hiển thị trên ứng dụng PC-COVID cũng như ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử của Bộ Y tế, phục vụ cho việc kiểm soát khi đi nước ngoài.
Trên hộ chiếu có đầy đủ thông tin của người dùng như Họ và tên; Ngày tháng năm sinh; Quốc tịch; Bệnh dịch mà chứng nhận nhắm tới; Số mũi tiêm đã nhận; Ngày tiêm; Liều số; Vaccine; Sản phẩm vaccine; Nhà cung cấp hoặc sản xuất vaccine; Mã số của chứng nhận.
Thông tin này sẽ được ký số, mã hóa và đóng gói dưới dạng mã QR định dạng 2D, hiển thị trên phần mềm PC COVID và Sổ sức khỏe điện tử.
Ngoài ra, hộ chiếu điện tử cũng hiển thị các thông tin về bệnh dịch mà chứng nhận nhắm tới. Vaccine, loại vaccine và nhà cung cấp hoặc sản xuất sẽ được hiển thị tương ứng với tài liệu "COVID-19 vaccine tracker and landscape" của WHO được cập nhật trên Cổng thông tin điện tử của WHO và "Value Sets for EU Digital COVID Certificates" do Liên minh Châu Âu (EU) ban hành.
Với quy trình cấp như hiện nay, muốn sở hữu hộ chiếu vaccine, người dân không phải làm gì. Quá trình này được thực hiện do các cơ sở tiêm chủng, Cục Y tế dự phòng là đầu mối để ký số.
Nếu đầy đủ thông tin về tiêm chủng, hộ chiếu vaccine sẽ tự động cập nhật trên các phần mềm PC-COVID và Sổ sức khỏe điện tử. Người dân chỉ cần truy cập vào những phần mềm này, thông tin về hộ chiếu điện tử sẽ hiện ngay phần trang chủ. Để có mã QR, người dân click vào phần hộ chiếu điện tử trên màn hình trang chủ, toàn hộ thông tin và mã QR sẽ hiện lên.
Điều kiện để được cấp
Theo Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), đến nay việc chuẩn bị cấp hộ chiếu vaccine cơ bản hoàn thành. Người dân đã tiêm chủng, khai báo chính xác thông tin và được các cơ sở tiêm chủng nhập dữ liệu lên hệ thống, xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, sẽ được cấp hộ chiếu vaccine và không phải thực hiện thủ tục gì thêm.
Để được cấp hộ chiếu vaccine COVID-19, người dân cần lưu ý một số điều kiện sau:
- Người đã tiêm vaccine và được cơ sở tiêm chủng nhập dữ liệu lên hệ thống, kiểm tra thông tin trên ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử. Thông tin phải chính xác, được xác thực đúng với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
- Những trường hợp sai hoặc thiếu thông tin tiêm chủng sẽ không được cấp hộ chiếu vaccine. Trong trường hợp này, người này cần liên hệ với cơ sở tiêm chủng để bổ sung, cập nhật qua trực tiếp hoặc phản ánh lên Cổng thông tin tiêm chủng (tiemchungcovid19.gov.vn).
- Người dân cần khai báo chính xác thông tin khi đi tiêm vaccine phòng COVID-19.
Hộ chiếu vaccine sẽ được hiện thị trên ứng dụng Số Sức khỏe điện tử, PC-COVID hoặc khi người dân tra cứu trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế.
Để tra cứu, người dân cần khai báo các thông tin gồm họ tên, ngày sinh, giới tính, số căn cước công dân hoặc mã định danh cá nhân, ngày tiêm mũi gần nhất, email. Tại đây, những người dân không sử dụng điện thoại di động thông minh có thể đăng ký nhận thông tin qua email và in thành bản cứng để sử dụng.
Quy trình cấp hộ chiếu vaccine
Bước 1: Các cơ sở tiêm chủng rà soát, xác minh, xác thực thông tin người dân tiêm chủng vaccine COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Bước 2: Các cơ sở tiêm chủng thực hiện ký số dữ liệu tiêm chủng vaccine COVID-19 trên nền tảng Quản lý tiêm chủng COVID-19. Nền tảng này kết nối, chia sẻ dữ liệu tiêm chủng với Hệ thống Quản lý cấp chứng nhận tiêm chủng vaccine COVID-19 đáp ứng theo các quy định về kết nối dữ liệu y tế do Bộ Y tế ban hành.
Dữ liệu tiêm chủng vaccine COVID-19 trên nền tảng cần đáp ứng quy định: Đã tiêm đủ mũi vaccine COVID-19 với 8 loại vaccine đã được Bộ Y tế cấp phép (gồm: AstraZeneca, Sputnik V, Vero Cell, Pfizer, Moderna, Janssen, Hayat-Vax và Abdala - mỗi sản phẩm vaccine được gắn 1 mã code).
Bước 3: Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thực hiện ký số giấy xác nhận tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tập trung. Chứng nhận được cấp sử dụng định dạng mã QR theo tiêu chuẩn của EU quy định.
Mã QR giá trị 12 tháng
Theo ông Nguyễn Bá Hùng, Phó giám đốc Trung tâm dữ liệu Y tế, Cục công nghệ thông tin (Bộ Y tế), thời hạn của mã QR trên hộ chiếu vaccine có giá trị 12 tháng theo khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới (WHO) và Liên minh Châu Âu, để đảm bảo tính bảo mật.
"Tuy thời hạn 12 tháng, nhưng đây chỉ là giải pháp kỹ thuật, không ảnh hưởng đến việc sử dụng hộ chiếu vaccine của người dân. Sau 12 tháng hệ thống sẽ tự động khởi tạo mã QR khác. Việc này giống như chúng ta phải đổi mật khẩu sau khoảng thời gian của các ứng dụng ngân hàng điện tử", ông Hùng nói.
Trước nhu cầu sở hữu hộ chiếu vaccine để đi lại, giao lưu quốc tế của người dân hiện nay, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở tiêm chủng trên cả nước chuẩn bị các điều kiện cần thiết, triển khai ký số chứng nhận tiêm chủng COVID-19 bắt đầu từ ngày 8/4 để Bộ cấp hộ chiếu vaccine cho người dân bắt đầu từ ngày 15/4.
Để quá trình triển khai cấp hộ chiếu vaccine sắp tới diễn ra thông suốt, hiệu quả, Bộ Y tế giao Cục Công nghệ thông tin tiếp thu các ý kiến của các địa phương, đơn vị, khẩn trương hoàn thiện Hướng dẫn triển khai cấp hộ chiếu vaccine. Các cơ sở tiêm chủng trên cả nước phải rà soát, bổ sung, xác thực thông tin tiêm chủng COVID-19, nhập dữ liệu người dân tiêm chủng COVID-19 đầy đủ, chính xác lên hệ thống phục vụ cấp hộ chiếu vaccine.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/ho-chieu-vaccine-trong-the-nao-ar669677.html