Hộ chiếu vàng - Cách giới thượng lưu vượt qua đại dịch
Quan ngại về dịch bệnh đang khiến giới siêu giàu mạnh tay rót tiền để sở hữu những cuốn 'hộ chiếu vàng' nhằm tìm kiếm lợi ích và sự an toàn bên ngoài các đường biên giới đang ngày càng bị thắt chặt.
Kế hoạch B
Chương trình đầu tư nhập quốc tịch (CIP), còn được hiểu là các thỏa thuận đầu tư theo diện cư trú hay "thị thực vàng”, không còn xa lạ với giới thượng lưu trong nhiều năm qua. Đại dịch đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ xu hướng “đa dạng hóa” danh mục đầu tư của những người siêu giàu đi kèm với một cuốn hộ chiếu mới.
Trong vòng 5 đến 10 năm qua, những người tham gia CIP (thường sở hữu giá trị tài sản ròng từ 2 triệu USD đến hơn 50 triệu USD) mong muốn được hưởng các quyền lợi của công dân nước sở tại như tự do đi lại, lợi ích thuế và các dịch vụ khác như nền tảng giáo dục tốt hơn hoặc các quyền tự do dân sự.
Bên cạnh đó, bối cảnh bất ổn do dịch COVID-19 bùng phát đã khiến nhiều gia đình giàu có hướng đến các quốc gia có hệ thống chăm sóc sức khỏe phát triển, khả năng ứng phó với đại dịch và tiềm năng trở thành nơi trú ẩn an toàn để đảm bảo họ có kế hoạch dự phòng cho tương lai.
Dominic Volek, Trưởng khu vực châu Á của công ty tư vấn cư trú và quốc tịch toàn cầu Henley & Partners, cho biết những người muốn tham gia CIP giờ đây quan tâm nhiều hơn đến các chính sách y tế và biện pháp dự phòng dịch bệnh của một quốc gia, bởi COVID-19 có thể không phải là đại dịch duy nhất trong cuộc đời chúng ta.
Những người siêu giàu không lên kế hoạch 5 đến 10 năm mà họ chuẩn bị trước tới 100 năm, cả về vấn đề tài sản và sức khỏe.
Henley & Partners nhận định sự gia tăng mối quan tâm gần đây đối với CIP có thể liên quan đến virus SARS-CoV-2, lo ngại về sức khỏe và "dự đoán ngày tận thế”. Công ty ghi nhận mức tăng 49% so với cùng kỳ hàng năm trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 6/2020.
Số lượng người đăng ký sau khi được tư vấn đã tăng 42% trong giai đoạn từ quý IV/2019 đến quý I/2020. Montenegro và Cyprus nổi lên là những điểm đến được quan tâm nhất, với số đơn đăng ký mới tăng lần lượt là 142% và 75%.
Theo ông Volek, giới siêu giàu ưa thích Cyprus và Malta vì chính phủ các nước này cho phép người tham gia CIP và gia đình của họ quyền tự do đi lại và định cư ở khắp Liên minh châu Âu (EU), cùng với các quyền lợi về giáo dục và chăm sóc sức khỏe tốt hơn (so với ở quê nhà).
Nhu cầu về các chương trình thị thực đầu tư tại Australia và New Zealand cũng tăng, nhưng vì một lý do khác, đó là quản lý khủng hoảng. New Zealand đang vươn lên trong nhóm được yêu thích nhất nhờ cách nước này ứng phó và khống chế đại dịch, so với các quốc gia được ưa chuộng trước đây như Anh hoặc Mỹ.
Chương trình CIP của Australia có mức phí vào khoảng 1-3,5 triệu USD, trong khi New Zealand yêu cầu nhà đầu tư phải có ít nhất 1,9-6,5 triệu USD. Chuyên gia Volek giải thích, chương trình của New Zealand khá linh hoạt về những danh mục đầu tư.
Đáng chú ý, số lượng đơn đăng ký CIP của các công dân Mỹ, Ấn Độ, Nigeria và Liban tăng đột biến trong chín tháng qua. Đặc biệt, các đơn đăng ký từ Mỹ trong quý I/2020 đã tăng 700%, so với quý IV/2019. Những quốc gia này tham gia vào dòng chảy ổn định của các nhà đầu tư từ Trung Quốc và Trung Đông.
Theo Henley & Partners, một số du khách siêu giàu chỉ đơn giản muốn tìm một địa điểm an toàn, hẻo lánh, nơi họ có thể trú ẩn cùng gia đình nếu một đợt bùng phát dịch bệnh khác có thể xảy ra. Ngay cả khi không thể đến đó ngay lập tức, họ vẫn muốn chuẩn bị trước cho đại dịch tiếp theo.
Hộ chiếu quyền lực
Theo ông Nuri Katz, người sáng lập công ty tư vấn tài chính quốc tế Apex Capital Partners, các nước nhỏ được đánh giá là có thể đối phó và quản lý đại dịch dễ dàng hơn. Tại Mỹ, tình trạng lây lan dịch bệnh đã hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát nhưng ở các nước nhỏ hơn, ví dụ như các quốc gia ở Caribe như Dominica, Antigua và Barbuda, hoặc St Kitts, có rất ít ca nhiễm COVID-19.
Ngoài ra, các quốc đảo nhỏ ở vùng Caribe cung cấp CIP tương đối rẻ và các quyền lợi về tự do di chuyển rộng hơn. Ông Volek lấy ví dụ, một triệu phú người Bangladesh với hộ chiếu Bangladesh đi đâu cũng phải xin thị thực. Nhưng chỉ cần quyên góp 100.000 USD cho Chính phủ Antigua và Barbuda, cộng với các loại phí, gia đình bốn người của triệu phú này sẽ có thể nhận được hộ chiếu thứ hai chỉ trong vòng khoảng bốn đến sáu tháng.
Ông Katz cũng nhận thấy một xu hướng khác, đó là đầu tư vào “hộ chiếu vàng” để tăng cơ hội vượt qua các lệnh cấm du lịch trong tương lai. Khi một số quốc gia châu Âu mở cửa trở lại sau phong tỏa, họ sẽ chỉ cho phép một số hộ chiếu nhất định được nhập cảnh. Ví dụ như người châu Âu phần lớn không thể vào Mỹ và ngược lại, song những người mang hộ chiếu Cyprus có thể đi lại tự do trong EU khi các biên giới trong châu Âu mở lại.
Theo chương trình CIP, các quốc gia cung cấp quyền cư trú hoặc quyền công dân để nhận được những khoản đầu tư đáng kể, thường thông qua các hình thức như đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, tạo việc làm, phát triển cơ sở hạ tầng hoặc trái phiếu chính phủ.
CIP đầu tiên được giới thiệu vào năm 1984 bởi nước St Kitts và Nevis ở khu vực Caribe. Kể từ đó, hàng chục quốc gia đã thiết kế các chương trình “đầu tư đổi quốc tịch” tương tự bao gồm Áo, Cyprus, Malta, Moldova, St Lucia, Thổ Nhĩ Kỳ, Antigua và Barbuda, Dominica, Hy Lạp, Montenegro và nhiều nước khác.
Vào năm 2017, theo ước tính của chuyên gia Katz, khoảng 5.000 người/năm có quốc tịch ở nước ngoài thông qua CIP, con số đó tăng lên gần 25.000 người/năm đến năm 2020. Ngay cả khi ngày càng có nhiều người siêu giàu sử dụng CIP như một phương án dự phòng, thì thực tế là các chương trình này cần nhiều thời gian để được thông qua.
Tùy thuộc vào quy định của từng quốc gia, quá trình thẩm định đơn đăng ký CIP có thể kéo dài từ vài tháng đến vài năm. Thông thường, người nộp đơn sẽ phải cung cấp các thông tin chi tiết về nguồn tài chính cũng như bị kiểm tra lý lịch tư pháp để đảm bảo số tiền họ kiếm được là hợp pháp, trước khi được chấp thuận tư cách cư trú hoặc nhập quốc tịch.
Năm 2018, Tổ chức Minh bạch Quốc tế, một liên minh toàn cầu về chống tham nhũng, đã chỉ trích chương trình CIP của Malta, Cyprus, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, vì cho rằng các quốc gia này đang “bán” quyền thâm nhập vào khu vực Schengen - khu vực đi lại được miễn thị thực, và thậm chí cả quyền công dân EU, cho các nhà đầu tư nước ngoài mà thiếu sự giám sát, tính minh bạch hoặc quy trình thẩm định chuyên sâu.
Kate Hooper, một nhà phân tích chính sách thuộc Viện Chính sách Di cư, có trụ sở tại Washington DC, nói với CNN Travel rằng CIP thường bị nghi ngờ vì một số chính phủ không tiết lộ quy trình thẩm định của họ. Bà Hooper cho biết có nhiều quan ngại về độ hiệu quả của các quy trình sàng lọc và loại bỏ “tiền bẩn”.
Theo Giáo sư George DeMartino từ Đại học Denver, các chính sách CIP trao đặc quyền cho những người ít cần di cư nhất, trong khi những người khác, chẳng hạn những người phải đối mặt với tình hình kinh tế khó khăn ở quê nhà, hoàn toàn không thể tiếp cận những cơ hội này. Các chương trình không phải là nguyên nhân nhưng có thể góp phần làm trầm trọng hơn tình trạng bất bình đẳng./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ho-chieu-vang-cach-gioi-thuong-luu-vuot-qua-dai-dich/166462.html