'Họ' Cienco, Tổng công ty Thăng Long… phải bồi thường hơn 600 tỷ đồng cho VEC
Căn cứ vào phạm vi công việc từng nhà thầu thực hiện thi công, tòa án buộc các nhà thầu phải bồi thường hơn 600 tỷ đồng gồm: Cienco 1 là 58 tỷ đồng; Cienco 5 là 45 tỷ đồng...
Chiều 6/12, chủ tọa Vũ Quang Huy đã công bố bản án sơ thẩm vụ án sai phạm xảy ra tại dự án trọng điểm đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Sau khi xem xét, TAND TP. Hà Nội đã tuyên phạt với 36 bị cáo nguyên là cán bộ của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc (VEC) với mức án thấp nhất là 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, cao nhất là 7 năm tù.
Trong vụ án này, VEC được xác định là nguyên đơn dân sự, các nhà thầu là bị đơn dân sự.
Tại tòa, VEC cũng có có đơn yêu cầu các nhà thầu phải bồi thường tại các gói thầu số 1,3B,4,5,7 với số tiền hơn 600 tỷ đồng. Đây là số tiền VEC đã nghiệm thu, thanh toán cho các hạng mục công trình không đảm bảo chất lượng. Còn gói thầu số 2 và 6, VEC không yêu cầu bồi thường.
Ngoài ra, các nhà thầu gồm Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5), Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1), Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6 (Cienco 6), Tổng công ty Xây dựng Thăng Long… có ý kiến không buộc các bị cáo phải bồi hoàn. Riêng Tổng công ty Sông Đà và Công ty Thành Phát đề nghị tòa xem xét trách nhiệm liên đới của những người liên quan.
Căn cứ vào phạm vi công việc từng nhà thầu thực hiện thi công, tòa án buộc các nhà thầu phải bồi thường hơn 600 tỷ đồng gồm: Cienco 1 là 58 tỷ đồng; Cienco 5 là 45 tỷ đồng; Cienco 6 là 8,8 tỷ đồng; Trico là 8,1 tỷ đồng; Tổng công ty Sông Đà là 20,7 tỷ đồng; Công ty Tuấn Lộc là 58 tỷ đồng; Tổng công ty xây dựng Thăng Long là 33 tỷ đồng; Cienco 4 là 23 tỷ đồng; Công ty Phương Thành là 135,4 tỷ đồng; Công ty Thành Phát là 25 tỷ đồng. Cienco6 và Cienco 8 phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường cùng Công ty Phương Thành và Công ty Thành phát…
Tòa cũng giành quyền khởi kiện cho các bên nếu có tranh chấp xảy ra.
Có ý kiến luật sư cho rằng, trong vụ án này, thiệt hại chỉ là chi phí sửa chữa các điểm hư hỏng. HĐXX cho rằng, các ý kiến này chưa đầy đủ. Quá trình vận hành, Bộ GT-VT đã có văn bản gửi cơ quan cảnh sát điều tra về công tác sửa chữa các điểm hư hỏng chỉ là sửa tạm thời. Yêu cầu chủ đầu tư kiểm tra hiện trường, đề xuất giải pháp hợp lý, đảm bảo ổn định công trình nhưng VEC chưa thực hiện. Hiện nay, các điểm trên hư hỏng trở lại, VEC chưa có giải pháp khắc phục triệt để để đảm bảo công trình đáp ứng đủ điều kiện như thiết kế ban đầu.
Với ý kiến khác cho rằng, VEC đã thu hơn 1.000 tỷ đồng từ việc khai thác, quản lý công trình, HĐXX nhận định, theo quy định pháp luật, nhà thầu phải chịu trách nhiệm chất lượng công trình kể cả sau thời gian bảo hành. Do đó, việc VEC yêu cầu các nhà thầu bồi thường là có cơ sở.
Trước ý kiến của Tổng công ty Sông Đà và Công ty Thành Phát, tòa án cũng xác định, trách nhiệm bồi thường đầu tiên thuộc về nhà thầu. Tòa tách phần bồi hoàn để các bên liên quan giải quyết bằng vụ án dân sự.
Được biết, ở giai đoạn 1 của dự án (đoạn đường 65km) gồm các gói thầu số 1,2,3B,4,5,6,7 với sự có mặt của các công ty thuộc họ “cienco”. Cụ thể, gói thầu số 1 do Cienco 5 và Cienco1 thi công hạng mục cầu, cống thoát nước, cống chui dân sinh, nền, móng… với giá trị 2.133 tỷ đồng.
Gói thầu 3B do Cienco 6 và CTCP Đầu tư thương mại và xây dựng giao thông 1 – Trico thực hiện, giá trị 1.535 tỷ đồng.
Gói thầu số 4 do liên danh nhà thầu gồm Cienco 4, Tổng công ty Xây dựng Sông Đà, Tổng công ty Xây dựng Thăng Long và CTCP Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc thực hiện, trị giá 2.066 tỷ đồng.
Gói thầu số 5 do liên danh CTCP Đầu tư xây dựng giao thông Phương Thành, Cienco 6, Cienco8, Công ty TNHH Xây dựng Thành Phát, trị giá 1.056 tỷ đồng.
Gói thầu số 7 do liên danh Công ty Obrascon Huarte Lain, Cienco 1, Công ty TNHH dịch vụ thương mại sản xuất xây dựng Đông Mê Kông thực hiện với giá trị 1.614 tỷ đồng.