Họ đã sống cuộc đời đẹp nhất!
Bài cuối:
CẢM ƠN CUỘC ĐỜI!
BPO - Sau thống nhất đất nước năm 1975, những nhân chứng lịch sử tham gia Chiến dịch Đường 14 - Phước Long nói riêng và tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc nói chung, mỗi người mỗi việc. Có người tiếp tục con đường binh nghiệp. Có người tham gia bộ máy chính quyền, thăng tiến lên vai trò lãnh đạo, đóng góp công sức xây dựng địa phương. Cũng có người trở về cuộc sống đời thường sống một đời bình dị. Dẫu vị trí nào, các cựu chiến binh (CCB) đều nêu cao truyền thống, bản lĩnh bộ đội Cụ Hồ và với họ, quãng thời gian tham gia Quân đội nhân dân Việt Nam luôn là thanh xuân tươi đẹp nhất, mãi mãi không thể quên...
“Thép đã tôi thế đấy!”
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh, nguyên Phó Tư lệnh chính trị Quân đoàn 4, một trong những người ròng rã cả tháng hành quân từ Bắc vào Nam vì mục tiêu giành độc lập, tự do cho đất nước. Vượt qua những hiểm nguy trên dặm dài hành quân, những cơn sốt rét rừng…, để rồi tên tuổi ông gắn liền với những trận đánh lớn trên chiến trường Đông Nam Bộ, từ Chiến dịch Nguyễn Huệ (năm 1972), Chiến dịch Đường 14 - Phước Long (năm 1974-1975) đến Chiến dịch Hồ Chí Minh (năm 1975) lịch sử.
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh tưởng niệm đồng đội hy sinh tại Tàu Ô - Xóm Ruộng- Ảnh: Viết Bằng
May mắn được trở về, nhưng Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh cũng như bao người lính khác, mang trong mình thương tật nặng mất 72% sức khỏe. Bao nhiêu lần cận kề cái chết, nhưng ông nói về sự hy sinh rất bình thản: “Năm 1966, nếu tôi không may mắn thì cũng đã hạ huyệt. Nhưng chính tình thương của đồng chí, đồng đội đã cứu sống tôi và sau đó tôi lại tiếp tục chiến đấu, rồi lại bị thương nhiều lần…”.
Trở về sau khi đã làm tròn nghĩa vụ với Tổ quốc, trong cuộc sống đời thường hôm nay, điều đáng quý ở vị tướng già này chính là, dù sức khỏe suy giảm nhưng ông vẫn bền bỉ với hành trình tri ân đồng đội. Đó là cách ông tiếp tục thực hiện trọn vẹn lời hứa của mình.
Từ năm 1993, tôi đã đi tìm liệt sĩ để đưa đồng đội về quê. Hơn 30 năm qua, tôi đã tìm được 350 liệt sĩ, đưa 55 đồng đội về quê. Tuy sức khỏe yếu và gặp rất nhiều khó khăn nhưng tôi vẫn cố gắng đi tìm đồng đội. Bởi có sự hy sinh của đồng đội, đồng chí mới có thống nhất Tổ quốc, đất nước mới nở hoa hạnh phúc, các cháu mới được đến trường...
Thiếu tướng NGUYỄN NGỌC DOANH,
nguyên Phó Tư lệnh chính trị Quân đoàn 4
Cảm ơn những bà mẹ Việt Nam
Sau những cuộc trường chinh vệ quốc của dân tộc, mất mát, hy sinh là không thể tránh khỏi để giành lấy hòa bình. Theo thống kê sơ bộ, cả nước có tổng 1.146.250 liệt sĩ, trong đó 191.605 người hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, 849.018 người hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ và 105.627 người nằm xuống trong các chiến dịch bảo vệ Tổ quốc, như chiến tranh biên giới Tây Nam, chiến tranh biên giới phía Bắc, cuộc chiến bảo vệ chủ quyền biển đảo... Có khoảng hơn 4 triệu người dân đã chết và bị thương tật suốt đời do bom đạn, kẻ thù giết hại. Cả nước có khoảng 9 triệu người có công, hơn 127.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng có chồng, con hy sinh trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Những hình tượng bất khuất ấy đã trở thành niềm cảm hứng trong các tác phẩm văn học nghệ thuật, thôi thúc văn nghệ sĩ sáng tác như một lời cảm ơn các thế hệ anh hùng.
Đã khoác màu xanh áo lính, xông pha trên nhiều chiến trường, có mặt ở nhiều trận đánh ác liệt nhất như chiến dịch Cánh đồng Chum (1968-1972), trận đánh ở Thành cổ Quảng Trị 81 ngày đêm, nên Tổ quốc, tình yêu quê hương đất nước, vẻ đẹp của người lính luôn là mảng đề tài lớn trong các sáng tác của nhạc sĩ Văn Thành Nho (hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam). Trong cuộc trò chuyện tại Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước mới đây, nhạc sĩ Văn Thành Nho đã chia sẻ câu chuyện về những người đồng đội đã không tiếc tuổi trẻ hy sinh vì Tổ quốc. Ông đặc biệt bày tỏ niềm kính trọng, tri ân những người mẹ Việt Nam - những người mẹ “một đời gian lao, trầm luân dâu biển”.
“Cảm ơn cuộc đời” - nén tâm hương cựu đội trưởng Đội biệt động Bà Rá Nguyễn Văn Thỏa kính dâng lên anh linh của đồng chí, đồng đội, đồng bào - Ảnh: Như Nam
“Tôi đã đóng quân ở nhiều địa phương, đến đâu cũng gặp những người mẹ, người chị, người em, các thế hệ nối tiếp nhau hy sinh thầm lặng để chiến sĩ của mình chiến đấu ngoài mặt trận. Có những người phụ nữ chồng chết, con chết…, nhưng vẫn một lòng kiên trung với cách mạng, vẫn tiếp tục chiến đấu. Tôi đã viết nhiều bài hát, trong đó Đất nước lời ru cũng nói về người mẹ. Hình ảnh những bà mẹ chính là sức mạnh đã truyền cho chúng tôi - những người chiến sĩ - và sau này đã truyền cho tôi - người nhạc sĩ - viết nên những bài ca bất tử. Tôi còn muốn sáng tạo thêm nhiều tác phẩm nữa để đền đáp công lao của những người mẹ, những người chiến sĩ đã anh dũng hy sinh để đất nước có được hòa bình, độc lập, tự do như ngày nay”- nhạc sĩ Văn Thành Nho chia sẻ.
Mỗi người sẽ có những lời cảm ơn dành cho những đối tượng khác nhau. Với những người đã từng vào sinh ra tử, tham gia nhiều trận đánh bảo vệ Tổ quốc như Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh, nhạc sĩ Văn Thành Nho hay nguyên Đội trưởng Đội biệt động Bà Rá (giai đoạn 1972-1975), nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Nguyễn Văn Thỏa (Bảy Thỏa), những đồng chí, đồng đội, đồng bào luôn là những người các ông trân trọng cảm ơn đầu tiên.
Lời tri ân nơi đồi Bằng Lăng
Trong lời kết quyển tự truyện “Cảm ơn cuộc đời”, ngoài dành lời cảm ơn cha mẹ, gia đình, người thân, cảm ơn thầy cô đã dạy dỗ những điều hay lẽ phải, những năm tháng gian lao vất vả, CCB Nguyễn Văn Thỏa không quên cảm ơn những năm tháng chiến tranh ác liệt. Bởi ông cho rằng chính môi trường sống, chiến đấu, công tác khắc nghiệt, khó khăn đã tôi rèn ông thành người trung thực, ngay thẳng, hòa đồng. Và đặc biệt, ông dành lời cảm ơn “những người đồng chí, đồng đội và đồng bào thân yêu của tôi đã không tiếc thân mình, hy sinh cho Tổ quốc, dân tộc để chúng tôi có ngày hôm nay, được sống trong hòa bình, tự do và độc lập”.
Ngôi đền thờ liệt sĩ và đồng bào tử nạn ở chiến trường Bà Rá - Phước Long tại đồi Bằng Lăng - Ảnh: Tiến Dũng
Câu chuyện của CCB Nguyễn Văn Thỏa như đưa chúng tôi quay về khoảng thời gian đầy ác liệt của những năm tháng cả nước cùng ra trận. Năm 1965, ở tuổi 19, ông Bảy Thỏa thoát ly tham gia cách mạng. Ông nghẹn giọng: “Nhiều đồng chí, đồng đội cùng tôi ra trận. Đi vài trăm người, nhưng đến ngày Phước Long hoàn toàn giải phóng, tôi kiểm đếm lại thì còn rất ít. Anh em lên bộ đội chủ lực, bộ đội quân khu, hy sinh ở nơi này, nơi kia. Những người may mắn sống sót như tôi ít lắm…”.
Văn bia ghi lời tri ân những người đã ngã xuống cho nền độc lập dân tộc - Ảnh: Tiến Dũng
Những thiên anh hùng ca được viết nên bởi những tấm lòng quả cảm. Những hoạt động tri ân xuất phát từ trái tim, nghĩa tình của người còn sống. Nếu Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh là hành trình đi tìm hài cốt đồng đội thì ông Bảy Thỏa đã vận động xã hội hóa làm ngôi đền thờ liệt sĩ và đồng bào tử nạn ở chiến trường Bà Rá - Phước Long tại đồi Bằng Lăng. Văn bia tại nơi này ghi rõ “Tưởng nhớ liệt sĩ, tưởng nhớ đồng bào, đồng đội, xây dựng đền thờ, thành kính lập bia, để mãi tiếc thương, tri ân công đức!”.
Với tôi, về lại Phước Long là về lại nơi tôi đã sống một thời niên thiếu, là về với bao anh em đồng chí, đồng đội, những người đã cùng tôi trải qua những năm tháng gian khổ chiến đấu, kiên cường bám trụ, vào sanh ra tử. Cảm ơn đồng bào đã cưu mang, giúp đỡ, cùng đồng hành với cách mạng. Sự góp công, góp sức của đồng bào đã giúp chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian công tác, chiến đấu trên chiến trường này.
Ông NGUYỄN VĂN THỎA, nguyên Ðội trưởng Ðội biệt động Bà Rá (giai đoạn 1972-1975), nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh
Gần 50 năm đất nước thanh bình, nhưng với những người CCB, vẫn còn đó những nỗi niềm tiếc nhớ khi nghĩ về những người đồng đội - những người đã góp phần tô thắm truyền thống vẻ vang của một quân đội anh hùng, dân tộc anh hùng. “Tôi nghĩ mỗi chúng ta nên lắng lòng mình lại, ngẫm suy về cuộc đời này và hãy trả ơn cuộc đời bằng cách làm những việc có ích. Chúng ta nên nhớ điều đó để hành xử với nhau, xác định trách nhiệm đối với Tổ quốc, với đồng bào mình” - ông Bảy Thỏa nói như nhắc nhở bản thân và nhắn gửi thế hệ hôm nay.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/166809/ho-da-song-cuoc-doi-dep-nhat