Ho dai dẳng là dấu hiệu bệnh gì?
Ho là một phản xạ nhằm tống các vật lạ, chất tiết, vi sinh vật… ra khỏi đường hô hấp để bảo vệ đường hô hấp. Vậy, ho dai dẳng là biểu hiện của bệnh gì?
Ho dai dẳng không chỉ gây khó chịu mà còn làm gián đoạn giấc ngủ, khiến cơ thể mệt mỏi. Trường hợp nghiêm trọng hơn, ho dai dẳng có thể gây ho ngày càng nặng hơn ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta. Dưới đây là nguyên nhân gây ho dai dẳng:
Ho dai dẳng do nhiễm trùng đường hô hấp
Nguyên nhân gây ho kéo dài do nhiễm trùng ở nước ta thường do lao phổi. Biểu hiện ho dai dẳng do nhiễm trùng đường hô hấp là ho khạc đờm trên 2 tuần, có thể kèm ho ra máu tươi hoặc đờm vướng máu có thể từ ít đến nhiều, gầy sụt cân, kém ăn, mệt mỏi, sốt nhẹ về chiều, ra mồ hôi đêm, đau ngực, nặng sẽ gây khó thở.
![Biểu hiện ho dai dẳng do nhiễm trùng đường hô hấp là nguyên nhân dễ gặp](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_10_94_51435157/b376ad0896467f182657.jpg)
Biểu hiện ho dai dẳng do nhiễm trùng đường hô hấp là nguyên nhân dễ gặp
Ho dai dẳng do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Biểu hiện ho dai dẳng do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thường có ho khạc đờm (màu trắng, nếu có nhiễm trùng đờm sẽ đổi màu) ít nhất một khoảng thời gian 3 tháng trong 2 năm liên tiếp, xảy ra ở người hút thuốc lá nhiều.
Ho dai dẳng do giãn phế quản
Tình trạng ho dai dẳng do giãn phế quản chiếm khoảng 4% nguyên nhân ho kéo dài. Triệu chứng ho dai dẳng do giãn phế quản là ho có đờm, có thể kèm ho ra máu, hoặc khó thở thường là hậu quả của tình trạng nhiễm trùng hô hấp mạn tính, từng nhiễm lao.
Ho dai dẳng do viêm mũi xoang
Viêm mũi xoang là nguyên nhân khá phổ biến của ho dai dẳng. Triệu chứng ho dai dẳng thường do chảy nước mũi sau, sổ mũi, hay có cảm giác chất lỏng nhỏ giọt vào mặt sau cổ họng, một số trường hợp người bệnh không có cảm giác gì.
Ho dai dẳng do hen suyễn
Bệnh hen suyễn là nguyên nhân thứ hai gây ho kéo dài ở người lớn và hàng đầu ở trẻ em. Biểu hiện ho do hen suyễn thường kèm với khó thở, khò khè từng cơn, đôi khi ho có thể là biểu hiện duy nhất còn gọi là thể bệnh hen suyễn dạng ho. Thường xuất hiện trên người hay có tiền căn dị ứng, hoặc gia đình có người bị hen suyễn.
Ho dai dẳng do trào ngược dạ dày thực quản
Trào ngược dạ dày thực quản là nguyên nhân thường gặp của ho dai dẳng, xuất hiện khoảng 30- 40% bệnh nhân. Biểu hiện ho do trào ngược dạ dày thực quản là người bệnh hay ợ hơi, ợ nóng, hoặc cảm giác vị chua ở trong miệng. Tuy nhiên triệu chứng này vắng mặt trong hơn 40% bệnh nhân có ho là do trào ngược dạ dày thực quản.
Ho dai dẳng do ung thư phế quản
Ho dai dẳng do ung thư phế quản chiếm khoảng 2% các trường hợp. Triệu chứng dai dẳng do ung thư phế quản là người bệnh thấy ho mới xuất hiện hoặc thay đổi ở những người hút thuốc lá lâu năm, ho kéo dài trên một tháng sau ngưng hút thuốc lá, kèm ho ra máu thì cũng rất có thể là do ung thư nhất là kèm theo sụt cân.
Làm gì khi bị ho dai dẳng?
Ho có thể chỉ là phản ứng bình thường của cơ thể nhưng nó có thể là biểu hiện của một số bệnh lý nghiêm trọng đặc biệt với trẻ em và người cao tuổi. Ho dai dẳng gây khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, hầu hết các bệnh gây ra nó có thể điều trị được. Vì vậy, thấy tình trạng ho cần đi khám bác sĩ chuyên khoa hô hấp để sớm tìm nguyên nhân và điều trị thích hợp.
Với những trường hợp ho dai dẳng xuất hiện sốt, khó thở, tím tái, ho kéo dài suy kiệt thì phải đi thăm khám ngay.
Việc điều trị nguyên nhân gây ho theo hướng dẫn của bác sĩ, tại nhà có thể áp dụng các biện pháp sau để giảm ho:
Để làm loãng đờm nên uống nước ấm, nước lọc, trà hoặc nước trái cây.
Có thể sử dụng thảo dược ngậm để giảm ho khan và làm dịu cổ họng. Có thể sử dụng mật ong sẽ giúp làm dịu cơn ho.
Cần làm ẩm không khí bằng máy tạo độ ẩm hay máy phun sương.
Không hút thuốc và tránh khói thuốc lá thụ động.
Nếu đã từng bị ho dai dẳng thì nên phòng bệnh đặc biệt vào ngày lạnh, tích cực luyện tập thể dục thể thao, ăn uống hợp lý để tạo môi trường lành mạnh, phòng bệnh lâu dài.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ho-dai-dang-la-dau-hieu-benh-gi-169250209154903707.htm