Cúm năm nay có thật sự đáng lo?

Theo các chuyên gia, khu vực miền Bắc có nhiều ca mắc cúm biến chứng nặng do thời tiết miền lạnh kéo dài hơn mọi năm, người bệnh còn chủ quan và đến bệnh viện khi tình trạng đã nặng.

 Theo chuyên gia, cúm mùa đều quay trở lại theo chu kỳ và năm nay cũng không ngoại lệ. Ảnh minh họa: Duy Hiệu.

Theo chuyên gia, cúm mùa đều quay trở lại theo chu kỳ và năm nay cũng không ngoại lệ. Ảnh minh họa: Duy Hiệu.

Sự nguy hiểm của cúm đang khiến nhiều người lo lắng, đặc biệt sau khi minh tinh Từ Hy Viên không qua khỏi do biến chứng viêm phổi nặng. Không chỉ vậy, tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), các bác sĩ cho biết đang điều trị 8 ca cúm có biến chứng nặng, trong đó một bệnh nhân phải chạy ECMO (hệ thống oxy hóa qua màng ngoài cơ thể).

Những diễn biến này khiến không ít người hoang mang, đặt câu hỏi: Vì sao năm nay số ca cúm nặng lại gia tăng và có phải ai cũng bệnh nặng nếu nhiễm virus cúm?

Nguyên nhân bệnh cúm gia tăng

Trao đổi với Tri Thức - Znews, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP.HCM, cho hay bệnh cúm năm nào cũng có, đa số diễn biến nhẹ, phục hồi sau 5-7 ngày. Tuy nhiên, bất cứ bệnh lý nào cũng có tỷ lệ diễn biến bất thường, cúm cũng như vậy. Chúng cũng có tỷ lệ diễn biến nặng, có thể dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời.

Mỗi năm, cúm mùa đều quay trở lại theo chu kỳ và năm nay cũng không ngoại lệ. Theo bác sĩ Khanh, năm nay không có gì lạ hay đột biến về chủng virus cúm, vẫn là những tác nhân quen thuộc như cúm A và cúm B. Tuy nhiên, điểm khác biệt năm nay là thời tiết lạnh hơn, độ ẩm cao hơn, tạo điều kiện cho virus tồn tại lâu hơn ngoài môi trường. Điều này khiến số ca mắc tăng lên. Đặc biệt ở những người có hệ miễn dịch yếu như trẻ nhỏ, người cao tuổi và người có bệnh nền.

Chính vì vậy, nhiều người cảm thấy cúm năm nay 'nặng hơn', nhưng thực chất, đó là hệ quả của thời tiết chứ không phải do virus mạnh hơn, bác sĩ Khanh nói.

"Sự gia tăng các ca nặng và tử vong khiến nhiều người hoang mang, đặc biệt khi truyền thông liên tục đưa tin về các trường hợp biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là cúm mùa năm nay nguy hiểm hơn những năm trước. Cúm vẫn là một bệnh nhiễm virus có thể gây biến chứng nếu không được theo dõi và chăm sóc đúng cách", bác sĩ Khanh nhấn mạnh.

 Bác sĩ Trương Hữu Khanh trong một buổi tư vấn sức khỏe cho người dân do Tri Thức - Znews tổ chức. Ảnh: Phương Lâm.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh trong một buổi tư vấn sức khỏe cho người dân do Tri Thức - Znews tổ chức. Ảnh: Phương Lâm.

Những người có nguy cơ cao như trẻ em dưới 5 tuổi, người trên 65 tuổi, phụ nữ mang thai và người có bệnh nền (tim mạch, phổi tắc nghẽn mạn tính - COPD...) nên đặc biệt cẩn trọng.

Điều quan trọng là không hoảng loạn, thay vào đó, hãy chủ động phòng ngừa bằng cách tiêm vaccine, giữ gìn sức khỏe và theo dõi sát sao tình trạng bệnh khi mắc cúm.

Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Thủy, Phó trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội), cũng cho hay năm nay cơ sở y tế này tiếp nhận khá nhiều bệnh nhân mắc cúm A. Trong đó, nhiều trường hợp có biến chứng viêm phổi.

Các bác sĩ cho rằng cúm A cũng dễ lây nhiễm và khi mắc bệnh không nên không quá lo lắng. Thế nhưng, người dân phải có phương án xử trí hợp lý.

"Khi chúng ta nghi ngờ mắc cúm A hay đi vào vùng dịch tễ đang có dịch cúm hoặc tiếp xúc với người bệnh cúm, tốt nhất nên tới cơ sở y tế để thăm khám và nhận được sự tư vấn từ chuyên môn. Người dân không nên tự ý mua thuốc về uống hay tự theo dõi tại nhà, đến khi nặng sẽ bỏ lỡ thời gian sớm để điều trị. Riêng với cúm A, việc điều trị sớm rất quan trọng, giúp ngăn chặn biến chứng nặng về sau", bác sĩ Thủy nhấn mạnh.

 Người dân phải chú ý giữ ấm, đặc biệt cùng cổ, ngực, nhất là khi đang mắc cúm. Ảnh: Pexels.

Người dân phải chú ý giữ ấm, đặc biệt cùng cổ, ngực, nhất là khi đang mắc cúm. Ảnh: Pexels.

Nguy cơ viêm phổi nếu chủ quan

Theo Phó trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Hữu Nghị, cúm A thường sẽ có tỷ lệ gặp biến chứng như viêm phổi, viêm cơ tim hoặc về mặt thần kinh. Biến chứng thường hay gặp ở đối tượng nguy cơ cao trên 65 tuổi, trẻ em, phụ nữ có thai, người suy giảm miễn dịch hoặc có nhiều bệnh lý nền.

"Lý do bệnh nhân bị biến chứng là chủ quan và đến bệnh viện muộn. Khi có các triệu chứng nặng, họ mới đến bệnh viện thăm khám. Không ít bệnh nhân đến đã bị viêm phổi. Ví dụ gần đây là một cụ ông 80 tuổi vào viện trong tình trạng khó thở, chụp phổi cũng đã tổn thương. May mắn, sau một một tuần điều trị tích cực, bệnh nhân tiến triển tốt và được xuất viện", bác sĩ Thủy nói.

 Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Thủy, Phó trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội) thăm khám cho bệnh nhân mắc cúm A. Ảnh: N.H.

Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Thủy, Phó trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội) thăm khám cho bệnh nhân mắc cúm A. Ảnh: N.H.

Ngoài những biến chứng trên, bác sĩ Thủy cho hay bệnh cúm còn làm trầm trọng thêm các bệnh lý nền hoặc gây nên các bệnh tăng nguy cơ nhiễm các bệnh đường hô hấp như viêm xoang, phế quản, COPD…

Các bác sĩ khuyến cáo khi dịch cúm đang diễn biến phức tạp, đặc biệt với cúm A, bệnh nhân nên được cách ly, hạn chế tiếp xúc với người khác. Ngoài ra, chúng ta nên đeo khẩu trang để khi tiếp xúc bệnh nhân nghi ngờ có cúm. Điều quan trọng là tiêm vacine để dự phòng cúm hàng năm.

"Vaccine cúm sinh ra kháng thể bảo vệ. Một vài trường hợp vẫn mắc bệnh sau tiêm vaccine nhưng triệu chứng và nguy cơ thấp hơn so với người không tiêm. Về điều trị cúm, cơ bản sẽ dùng thuốc kháng virus, thuốc này phải có chỉ định của bác sĩ, người dân vẫn cần phải thăm khám để cho chỉ định phù hợp", bác sĩ Thủy nhấn mạnh.

Đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, giữ khoảng cách tại nơi đông người là những biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả. Quan trọng nhất là tiêm vaccine cúm hàng năm.

Nhiều người Việt chỉ tiêm vaccine khi dịch bệnh bùng phát và có nhiều ca tử vong, nhưng thực tế, nhóm nguy cơ cao nên tiêm từ sớm để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh và biến chứng. Nếu lo lắng, bất kỳ ai cũng có thể tiêm vaccine cúm để bảo vệ sức khỏe.

Ngoài ra, khi mắc cúm, người bệnh cần chăm sóc sức khỏe đúng cách. Ngủ đủ giấc, uống đủ nước, ăn uống đầy đủ và hạn chế ra ngoài khi trời lạnh là những điều quan trọng. Nếu sốt cao, khó thở hoặc mệt mỏi kéo dài, cần đi khám để được theo dõi kịp thời. Một lưu ý quan trọng là không tự ý sử dụng thuốc kháng virus Tamiflu. Đây không phải là thuốc điều trị đại trà mà chỉ được dùng khi có chỉ định của bác sĩ, đặc biệt với những ca có nguy cơ biến chứng.

Bộ Y tế cho biết từ cuối 2024 đến Tết Nguyên đán 2025, số ca cúm tăng cục bộ nhưng không đột biến so với các năm trước, chủ yếu do cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B. Thời tiết đông xuân ẩm nồm tạo điều kiện cho bệnh lây qua đường hô hấp phát triển, làm gia tăng nguy cơ mắc cúm mùa, sởi, sốt phát ban. Ngoài ra, mùa lễ hội đầu năm với hoạt động du lịch, tập trung đông người cũng làm tăng nguy cơ lây nhiễm.

Bộ Y tế yêu cầu các địa phương đảm bảo kinh phí và triển khai biện pháp phòng, chống cúm mùa, sởi và bệnh lây qua đường hô hấp. Địa phương cần đẩy mạnh tiêm chủng, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho người chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi. Đồng thời, đảm bảo tiếp nhận, cấp cứu, điều trị, sẵn sàng ứng phó khi ca nhập viện gia tăng, hạn chế chuyển nặng, tử vong, đặc biệt ở nhóm nguy cơ cao như người cao tuổi, phụ nữ mang thai, trẻ em, bệnh nhân hồi sức tích cực, tim mạch, thận nhân tạo, phẫu thuật...

Phương Anh

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/cum-nam-nay-co-that-su-dang-lo-post1529769.html