Ho dai dẳng suốt một năm, tưởng do Covid-19, đi khám mới phát hiện 'thủ phạm' bất ngờ
Dị vật phế quản, phổi nếu không phát hiện và gắp ra sớm có thể gây tử vong. BV Chợ Rẫy từng ghi nhận bệnh nhân tử vong vì dị vật sau khi dùng răng xé túi dầu gội đầu.
Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Thị Vân Thanh – Phụ trách phòng nội soi phế quản, khoa Nội soi, Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết bệnh viện thường xuyên tiếp nhận các trường hợp mắc dị vật trong phế quản. Điều đáng báo động là người bệnh không hề biết. Chỉ tới khi bác sĩ gắp dị vật ra thì người bệnh mới nhớ mình từng bị hóc dị vật.
Bác sĩ Thanh cho biết cách đây hơn 2 tuần bác sĩ có tiếp nhận một trường hợp khá đặc biệt. Đó là một bệnh nhân đến khám vì tình trạng ho dai dẳng cả năm nay, bệnh nhân đã từng test Covid-19 rất nhiều lần vì bị ho nhiều. Chụp X-quang phổi cho kết quả bình thường.
Khi dịch đỡ hơn, bệnh nhân đi khám và được nội soi phế quản. Bác sĩ phát hiện trong phổi có dị vật. Khi bác sĩ gắp dị vật ra ngoài, bệnh nhân mới nhớ ra đây là xương cổ vịt mình đã bị sặc cách đây 1 năm. Sau đó, bênh nhân có hội chứng xâm nhập (hội chứng xảy ra khi dị vật rơi vào đường thở) nhưng không nghĩ là do xương chui vào phổi.
Một bệnh nhân nữ khác, 28 tuổi đang làm công nhân ở Bình Dương. Bệnh nhân nữ này có tiền sử ho ra máu 2 năm nay. Gần đây, tình trạng ho ra máu ngày càng tăng, bệnh nhân mới đến Bệnh viện Chợ Rẫy khám. Khi CT lồng ngực, bác sĩ thấy bệnh nhân có giãn phế quản phổi trái. Bệnh nhân được chỉ định nội soi phế quản.
BS Vân Thanh kể lại khi soi phế quản, bác sĩ phát hiện có dị vật nhiều lớp nằm ở phế quản thùy dưới bên trái. Khi gắp dị vật bác sĩ gặp rất nhiều khó khăn vì dị vật trơn trượt. Phải qua hai lần bác sĩ mới kéo được dị vật ra.
Lúc gắp dị vật ra, bác sĩ kiểm tra xem dị vật là gì. Dị vật là vỏ kẹo có xếp lớp nằm trong phế quản trái gây bít tắc phổi dưới thùy trái, gây viêm nhiễm kéo dài, giãn phế quản và ho ra máu.
Theo bác sĩ Vân Thanh, do vỏ kẹo bít tắc nên gây ra tình trạng hậu tắc nghẽn. Tình trạng này dẫn tới viêm tái đi tái lại nhiều lần làm giãn phế quản của bệnh nhân. Trong trường hợp này nếu không gắp được dị vật ra thì có thể gây tình trạng áp xe phổi, hộc mủ và có thể hoại tử vùng phổi và nguy cơ tử vong cao.
BS Vân Thanh cho biết dị vật hay gặp nhất là hạt sapoche hay còn gọi là hồng xiêm. Có trường hợp bệnh nhân cắn xé vỏ túi dầu gội đầu dẫn tới dị vật vào phế quản, gây tình trạng hội chứng đại thực bào và sau đó bệnh nhân tử vong do đại thực bào vì dị vật ở trong phế quản quá lâu.
Mắc hạt hồng xiêm gây tình trạng tắc nghẽn dữ dội và thường có biểu hiện sớm hơn các trường hợp mắc dị vật là vỏ kẹo, vỏ túi dầu gội đầu.
Để tránh dị vật vào phế quản, bác sĩ Vân Thanh cho rằng mọi người cần có các biện pháp phòng tránh. Khi ăn uống cố gắng không cười đùa, khi ăn trái cây có hạt nguy hiểm như hạt hồng xiêm thì cẩn trọng lấy hạt ra trước vì hạt hồng xiêm dễ trơn trượt và khi mắc vào phổi rất khó gắp ra.
Khi sặc thức ăn và có hội chứng xâm nhập như ho nhiều, sau đó có tình trạng khó thở, khò khè thì người bệnh cần vào viện ngay để tránh dị vật gây biến chứng tại đường thở. Trường hợp nặng, người bệnh có thể bị áp xe phổi, ho ra máu, thậm chí tử vong.