Hồ đập xuống cấp, hiểm nguy rình rập
Mùa mưa lũ đang đến, cả trăm hồ, đập ở miền Trung hư hỏng nặng nhưng chưa có kinh phí sửa chữa khiến người dân nơi đây lo lắng
Xây dựng cách đây vài chục năm nên hồ, đập ở các tỉnh miền Trung đã xuống cấp nghiêm trọng trong khi kinh phí ít ỏi nên việc nâng cấp, sửa chữa chỉ chắp vá.
"Bom nước" lơ lửng trên đầu
Trước mùa mưa bão năm 2019, Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với ngành chức năng kiểm tra, rà soát, đánh giá các công trình hồ chứa trên địa bàn. Kết quả, trong tổng số 73 hồ chứa thủy lợi, có đến 49 hồ bị hư hỏng, trong đó có 25 hồ hư hỏng nặng. Những hạng mục hư hỏng chủ yếu như thấm thân đập, biến dạng mái đập, tràn xả lũ, hư hỏng dàn van và thân cống lấy nước...
Tình hình nghiêm trọng như thế nhưng trong năm 2019, tỉnh Quảng Nam chỉ có thể ưu tiên kinh phí để thi công sửa chữa, nâng cấp 8 hồ hư hỏng nặng nhất gồm: Khe Tân, Phước Hà, Nước Rôn, Chấn Sơn, Hố Qườn, Chủ Bò, Bình Hòa, Hố Giếng. Những hồ thủy lợi khác chỉ được gia cố sơ bộ.
Điều đáng lo khác là việc kiểm tra, đánh giá an toàn hồ, đập chỉ bằng kinh nghiệm trực quan nên khó chính xác, toàn diện chất lượng từng hồ chứa. Ông Trương Xuân Tý, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Nam, cho biết đối với khoảng 20 hồ, đập đang có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng nặng, đơn vị đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) báo cáo UBND tỉnh, Bộ NN-PTNT để có hướng đầu tư, sửa chữa.
Tại tỉnh Quảng Ngãi cũng vậy, hiện có 38 hồ chứa nước xuống cấp. Trong số này có 20 công trình, hồ chứa nước hư hỏng nghiêm trọng vẫn chưa được gia cố, khắc phục. Hồ Đá Bàn (xã Đức Tân, huyện Mộ Đức) với dung tích gần 1,1 triệu m3, xây dựng đã 37 năm nhưng các tràn xả lũ phần lớn là tràn tự nhiên trên nền đất hoặc đá nên thường xuyên bị xói lở.
Tại hồ Ao Gió, đập Hố Chuối (huyện Bình Sơn) bị thấm nước phần thân đập, cống thoát nước hư hỏng do được xây dựng từ những năm 80 của thế kỷ trước. Ông Nguyễn Quang Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, cho biết nếu tích trữ nước thì nguy cơ vỡ hồ, đập rất lớn, đe dọa tính mạng người dân vùng ven hồ, hạ lưu.
Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, công trình đập Thảo Long nằm ở hạ nguồn sông Hương, được đưa vào sử dụng năm 2006. Đây được xem là công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh này và là công trình lớn nhất Đông Nam Á được xây dựng ở khu vực cửa sông trên nền đất yếu. Hiện nay nhiều hạng mục của đập Thảo Long đã bị hư hỏng.
Tỉnh Bình Định cũng có 37 hồ chứa bị xuống cấp nghiêm trọng, nhiều nguy cơ gặp sự cố trong mùa mưa lũ.
Trách nhiệm không rõ ràng
Theo đánh giá của ngành chức năng, công tác quản lý an toàn hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh Bình Định chưa được chính quyền địa phương quan tâm đúng mức. Nhiều công trình thủy lợi do chính quyền địa phương quản lý nhưng không được cấp có thẩm quyền giao trách nhiệm quản lý bằng văn bản; hoặc không có biên bản giao nhận cụ thể.
Việc bàn giao hồ sơ kỹ thuật từ chủ đầu tư sau khi nâng cấp, sửa chữa cho các chủ hồ còn rất lỏng lẻo. Các chủ hồ không thực hiện quan trắc, ghi chép các thông số kỹ thuật của hồ chứa theo quy định. Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, nhìn nhận: Để bảo đảm an toàn các công trình thủy lợi trong mùa mưa lũ, UBND tỉnh vừa yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành, chính quyền địa phương nhanh chóng triển khai các phương án phòng chống lụt bão, đặc biệt quan tâm đến việc kiểm tra hệ thống đập đất, cống lấy nước, tràn xả lũ của các hồ chứa nước. Tập trung đẩy nhanh tiến độ nâng cấp các công trình thủy lợi, bảo đảm vượt lũ an toàn.
Theo ông Võ Văn Điềm, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, đơn vị đang thiết kế và sẽ triển khai nâng cấp, sửa chữa thêm 14 hồ thủy lợi bắt đầu từ năm 2020, với tổng mức đầu tư hơn 229 tỉ đồng do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Đồng thời, tỉnh đang nghiên cứu để đầu tư xây dựng một số hồ chứa nước thủy lợi mới nhằm đáp ứng nguồn nước tưới trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng tác động nặng nề đến sản xuất nông nghiệp.
Không dám trữ nước
Ông Dương Văn Tô, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi, cho rằng dù hiện nay rất nhiều hồ, đập đã xuống cấp nghiêm trọng, gây nguy hiểm đến người dân sống xung quanh nhưng do thiếu kinh phí sửa chữa, duy tu nên vẫn chưa thể khắc phục được tình trạng mất an toàn.
"Đối với những hồ, đập không an toàn, chúng tôi yêu cầu các địa phương, đơn vị quản lý vận hành không được tích nước để bảo đảm an toàn cho vùng hạ lưu" - ông Tô nhấn mạnh.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/ho-dap-xuong-cap-hiem-nguy-rinh-rap-20191008215434453.htm