Phía Indonesia cho biết, các loạt thử nghiệm bao gồm bắn đạn thật tại trường bắn Cipatat Pusdikif, cũng như những thử nghiệm về chức năng và hiệu suất từ ngày 22 đến ngày 23/8 tại các khu vực thử nghiệm Pusdikkav Padalarang và PT Pindad.
Quân đội Indonesia cho biết, dòng xe tăng hạng trung hiện đại Harimau đã được thử nghiệm bắn các loại đạn nổ phá trên pháo chính 105 mm, cũng như công phá mục tiêu bộ binh bằng súng máy đồng trục 7,62 mm.
Các sự kiện thử nghiệm khác bao gồm đánh giá sự chính xác của hệ thống điều khiển hỏa lực, sự hoạt động trơn tru của động cơ và các hệ thống thông tin liên lạc và quản lý chiến đấu.
Giám đốc Trung tâm Vũ khí Kỵ binh Lực lượng Vũ trang Quốc gia Indonesia, Chuẩn tướng Augus Erwan tuyên bố rằng, các cuộc thử nghiệm chức năng là bước cuối cùng trước khi chúng được sản xuất loạt và biên chế.
Xe tăng hạng trung Harimau được phát triển từ dòng xe tăng Kaplan do Thổ Nhĩ Kỳ nghiên cứu phát triển.
Vào năm 2014, Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ đã khởi xướng hợp tác phát triển xe tăng hạng trung mới nhằm đáp lại yêu cầu của quân đội Indonesia về một loại xe tăng hạng trung mới.
Ban đầu sự phát triển hợp tác này được gọi là xe tăng hạng trung hiện đại (MMWT). Mặc dù xe tăng sau đó được đổi tên thành Harimau (hổ), hoặc Harimau Hitam (hổ đen) theo cách gọi Indonesia.
Cỗ xe tăng này được thiết kế để hỗ trợ bộ binh bằng hỏa lực và tiêu diệt các phương tiện vũ trang của đối phương. Nguyên mẫu đầu tiên được chế tạo ở Thổ Nhĩ Kỳ và nguyên mẫu thứ hai ở Indonesia.
Nguyên mẫu lần đầu tiên được tiết lộ công khai vào năm 2017. Năm 2019, Indonesia đã đặt hàng lô xe tăng mới đầu tiên gồm 18-20 chiếc.
Bangladesh và Philippines đã đặt hàng khoảng 40-50 xe tăng hạng trung này cho mỗi quốc gia. Những chiếc xe tăng này sẽ được sản xuất chung ở Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ.
Harimau được trang bị tháp pháo Cockerill 3105 được sản xuất tại Bỉ bởi CMI Defense. Nó được trang bị một khẩu pháo cỡ nòng 105 mm.
Loại pháo này tương thích với tất cả các loại đạn xe tăng 105 mm tiêu chuẩn của NATO, bao gồm đạn xuyên giáp, đạn nổ mạnh, khói, v.v. Tầm bắn hiệu quả tối đa là 4 km.
Pháo được trang bị hệ thống nạp đạn tự động quay. Tổng cộng có 16 viên đạn được lưu trữ trong bộ nạp tự động để sẵn sàng sử dụng.
Ngoài ra còn có một súng máy đồng trục 7,62 mm. Một súng máy 7,62 mm hoặc 12,7 mm khác có thể được gắn trên nóc xe để phòng không.
Xe tăng Harimau có khả năng phóng tên lửa chống tăng dẫn đường Falarick 105. Đây là loại tên lửa dẫn đường bằng laser.
Tên lửa Falarick 105 có tầm bắn 5 km và xuyên thủng lớp giáp thép dày 550 mm phía sau lớp giáp phản ứng nổ.
Những tên lửa này được sử dụng để tấn công xe tăng địch và các phương tiện bọc thép hạng nặng khác ở tầm xa.
Xe tăng Harimau được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại bao gồm kính ngắm ảnh nhiệt và máy đo khoảng cách laser.
Xe tăng này có lớp giáp bảo vệ module giúp cho việc tháo lắp bổ sung giáp tùy theo từng nhiệm vụ, mặt khác nó cũng giúp sửa chữa nhanh hơn trên chiến trường.
Xe tăng Harimau có trọng lượng nặng 32-35 tấn, tùy thuộc vào cấu hình giáp.
Giáp trên xe tăng có khả năng bảo vệ toàn diện là chống lại đạn xuyên giáp 14,5 mm. Với lớp giáp bổ sung được trang bị giúp xe có khả năng bảo vệ chống lại đạn xuyên giáp 25 mm.
Harimau được thiết kế với khung gầm chắc chắn có thể chịu được sức nổ của 10 kg thuốc nổ TNT.
Xe được trang bị hệ thống bảo vệ NBC và hệ thống chữa cháy tự động.
Ngoài ra xe tăng còn có hệ thống cảnh báo bằng laser, có thể kích hoạt phóng lựu đạn khói khi xe tăng bị chiếu sáng bằng tia laser. Điều này giúp giảm nguy cơ bị tên lửa chống tăng dẫn đường bằng laser tấn công.
Xe tăng được trang bị động cơ diesel công suất khoảng 650 mã lực. Động cơ này được đặt ở phía sau giúp xe đạt vận tốc tối đa 70 km/h, tầm hoạt động khoảng 450 km.
Có một bộ nguồn phụ cung cấp điện cho tháp pháo hoạt đông khi động cơ chính tắt.
Xe tăng Harimau được vận hành bởi tổ lái gồm 3 người, bao gồm chỉ huy, xạ thủ và lái xe. Với những thông số kỹ thuật kể trên, đây được coi là dòng xe tăng hạng trung hiện đại nhất Đông Nam Á.