'Họ đi khắp nơi với virus đầy người' - y tá bị kỳ thị giữa dịch corona
Trong khi nhân viên y tế ở Singapore vất vả chống dịch virus corona, một bộ phận người dân lại có thái độ miệt thị, xa lánh mỗi khi thấy họ mặc đồng phục xuất hiện ở nơi công cộng.
Hanna Wong - nhân viên y tế tại Singapore - bị hủy chuyến taxi rạng sáng 11/2 vì tài xế từ chối chở cô tới bệnh viện. Sự việc khiến cô thấy chua xót.
“Tôi bị tẩy chay như thể mắc bệnh hủi. Anh không tôn trọng chúng tôi. Anh không xem những gì chúng tôi làm là đáng quý. Nhưng không sao, tôi vẫn tiếp tục làm công việc của mình", Wong viết tại trang cá nhân.
Đây chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện được nhân viên y tế ở Singapore chia sẻ về việc họ bị người dân khinh miệt, xa lánh vì “lây lan virus Vũ Hán” hay “khiến chuyến tàu trở nên bẩn thỉu” như thể chính họ là người mang virus.
Trên Twitter, một y tá kể chuyện bị phân biệt đối xử công khai khi đi thang máy. Vừa bước vào trong, hai người dân đã có ánh nhìn đầy dò xét khi thấy nữ y tá mặc đồng phục y tế.
Người phụ nữ hỏi: “Cô là y tá à?”. Khi được xác nhận, người này vội vã đứng ra xa và lấy khẩu trang đeo vào.
Sau đó, người đàn ông lớn tiếng quát: “Vậy sao còn đi thang máy? Cô có chân, có thể đi thang bộ mà? Cô có thể lây virus cho người khác đấy. Thật ngu ngốc”.
Thậm chí, trước khi bỏ đi, ông ta còn lẩm bẩm: “Đám y tá lúc nào cũng đi lung tung khắp nơi với virus đầy người rồi lây sang người khác”.
Tối 10/2, Bộ Y tế Singapore (MOH) xác nhận thêm 2 ca nhiễm virus corona mới, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 45. Trước đó 3 ngày, Singapore nâng mức cảnh báo dịch viêm phổi cấp lên "cam" - tương tự đợt bùng phát dịch SARS năm 2003 và đợt cúm H1N1 năm 2009.
Dịch bệnh corona diễn biến phức tạp ngày càng tăng gánh nặng cho đội ngũ nhân viên y tế ở Singapore.
Tại nơi làm việc, các y bác sĩ phải đối mặt với nguy cơ nhiễm virus corona cao khi tiếp xúc gần với người bệnh. Nhưng ngay cả khi rời khỏi đó, họ cũng phải đối mặt với bầu không khí căng thẳng khi người dân có thái độ miệt thị, xa lánh.
"Không tài xế nào muốn chở nhân viên y tế"
Teresa (tên nhân vật được thay đổi) - y tá trưởng khoảng 50 tuổi, làm việc tại phòng khám đa khoa của một bệnh viện công - chia sẻ với Today Singapore: “Các tài xế taxi không muốn chở bất cứ ai mặc đồng phục y tế. Trên tàu điện ngầm, mọi người tránh xa các y tá và xì xào những câu như: 'Hy vọng họ đã tắm sau khi tan ca'”.
Teresa nói thêm một đồng nghiệp của bà bị người đi đường chụp ảnh và tra hỏi vì sao lại mặc đồng phục khi ở ngoài bệnh viện.
Tại bệnh viện Teresa làm việc, các y tá được phép mặc đồng phục về nhà. Nhân viên y tế ở khoa cấp cứu phải mặc đồ bảo hộ và được yêu cầu tắm rửa trước khi rời cơ quan.
Megan (tên nhân vật được thay đổi) - y tá 25 tuổi làm việc ở cùng bệnh viện với Teresa - thừa nhận cô sợ xuất hiện trong bộ đồng phục ở nơi công cộng.
"Tôi cố gắng không mặc đồng phục khi ở ngoài bệnh viện bởi ánh nhìn dò xét từ mọi người xung quanh. Nhưng trang phục khi đi làm của tôi đều được khử trùng. Chúng tôi biết cách tự bảo vệ mình và đảm bảo rằng ai cũng tắm rửa sau mỗi ca trực để cơ thể sạch sẽ khi trở về nhà với những người thân yêu", nữ y tá chia sẻ.
Một y tá 24 tuổi (chỉ tiết lộ danh tính là J.) - hiện thực tập tại khoa Y học tổng quát và Sức khỏe tâm thần của Bệnh viện Tan Tock Seng - cho biết chỉ một số nhân viên làm việc ở phòng khám và khoa nhất định được phép mặc đồng phục bên ngoài bệnh viện.
J. cảm thấy tổn thương khi mọi người nhìn chằm chằm và giữ khoảng cách với cô trên tàu điện ngầm. Tuy nhiên, nữ y tá không đổ lỗi cho họ về phản ứng như vậy.
“Giờ mọi người đều sợ nhiễm bệnh. Tôi có thể hiểu. Tôi đã cố gắng đứng cách xa họ mỗi khi ở trên tàu điện ngầm, dù sức khỏe tôi hoàn toàn ổn định”, J. nói.
Cô chia sẻ thêm: “Các nhân viên y tế cũng sợ nhiễm virus chứ, nhưng chúng tôi không có lựa chọn nào khác. Chúng tôi phải chiến đấu với nó”.
Ngày 10/2, ông Simon Ong - tổng thư ký của Hiệp hội Nhân viên chăm sóc sức khỏe Singapore - đã đăng tải trên fanpage của công đoàn kêu gọi công chúng không phân biệt đối xử với nhân viên y tế.
“Thay vào đó, một cử chỉ ân cần, một lời cảm ơn sẽ theo họ cả ngày dài và khuyến khích họ làm công việc cao quý của mình”, ông viết.
“Tại sao tôi làm công việc này?”
Ngoài việc bị tẩy chay, các y bác sĩ ở đảo quốc sư tử phải làm việc vất vả hơn khi dịch virus corona tiếp tục lan rộng.
Trong khi người dân Singapore ăn mừng Tết âm lịch cùng gia đình và bạn bè, nữ y tá Megan được triệu tập khẩn cấp để tham gia đội ngũ y tế chuyên chăm sóc các trường hợp nghi ngờ nhiễm virus corona tại một bệnh viện công.
Thay vì làm việc ca 9 tiếng như bình thường, Megan phải làm việc 12 tiếng với lịch trình không cố định.
“Đôi khi xem mạng xã hội thấy nhịp sống của bạn bè vẫn diễn ra bình thường, tôi chạnh lòng vì bị 'mắc kẹt' ở đây”, cô nói.
"Nhiều lần tôi tự hỏi: 'Tại sao lại là mình? Tại sao tôi làm công việc này?'. Nhưng tôi nhận được rất nhiều lời động viên từ mọi người xung quanh rằng hãy làm việc tốt nhất có thể”, Megan chia sẻ.
Đối với Elaine (tên nhân vật được thay đổi) - y tá 24 tuổi tại một bệnh viện ở Singapore, khối lượng công việc của cô tăng lên kể từ khi dịch viêm phổi cấp bùng phát. Một số khoa trong bệnh viện chuyển sang ca làm việc 12 tiếng để phù hợp với tình trạng số ca nhiễm bệnh ngày càng tăng.
Dù vẫn có thể xin nghỉ phép, Elaine nói rằng nhiều đồng nghiệp của cô đã tình nguyện từ bỏ các kỳ nghỉ để có thể tăng cường cho các bộ phận khác cần nhân lực.
“Chúng tôi chọn nghề này và ít nhiều chuẩn bị tinh thần, kể cả dấn thân vào nguy hiểm, khi xã hội cần chúng tôi. Tôi nghĩ rằng một câu nói của các bác sĩ ở Trung Quốc đã truyền cảm hứng cho tôi: ‘Chúng tôi không muốn trở thành liệt sĩ, nhưng chúng tôi sẽ không hèn nhát’”, Elaine nói.
Thái độ tẩy chay đối với nhân viên y tế ở Singapore giữa đại dịch virus corona khiến bác sĩ Serene Week nhớ lại tình trạng tương tự thời điểm dịch SARS bùng phát năm 2003.
“Trong đợt dịch SARS, rất nhiều nhân viên y tế phải cởi bỏ đồng phục trước khi tham gia dịch vụ giao thông công cộng bởi người dân Singapore có thể chửi họ 'bẩn thỉu' hay mang theo rất nhiều vi trùng. Hãy làm ơn nghĩ rằng họ đang chiến đấu với virus để cứu rất nhiều mạng sống. Và hãy để tâm tới lời nói của mình", Serene Week nói.