Hồ Duồng Cốc - viên ngọc xanh giữa đại ngàn
Nhiều người ví hồ Duồng Cốc (hay còn gọi là hồ Thạch Minh) như 'cô sơn nữ' ngủ yên giữa núi rừng. Nhưng giờ đây 'cô sơn nữ' đã được đánh thức, tươi đẹp từng ngày, gọi mời du khách gần xa đến chiêm ngưỡng...
Du khách tham quan hồ có thể di chuyển bằng thuyền máy.
Hồ trên núi
Từ trung tâm TP Thanh Hóa, theo Quốc lộ 45 và 217 qua huyện Cẩm Thủy, chúng tôi trở lại làng Đèn, xã Điền Hạ (Bá Thước) vào một ngày cuối tháng 7. Hai bên đường thấp thoáng những nếp nhà sàn đơn sơ của đồng bào Mường, Thái. Càng đi, khung cảnh hiện ra ngày một hoang sơ, thanh bình với những cánh đồng lúa xanh tươi. Những hàng cây cổ thụ tỏa bóng mát trên thảm cỏ xanh, đây cũng là nơi nghỉ ngơi tránh nắng của bà con nông dân. Hồ Duồng Cốc hiện ra giống như một viên ngọc xanh giữa núi rừng Bá Thước. Cảnh sắc thiên nhiên nguyên sơ cùng những nét văn hóa truyền thống của cư dân bản địa đã biến Duồng Cốc thành một điểm đến của du lịch sinh thái.
Không khoác lên mình tấm áo choàng huyền thoại như hồ Núi Cốc (Thái Nguyên), cũng không phải địa điểm được người Pháp phát hiện, khai phá ra, như Tam Đảo, Sa Pa, hồ Duồng Cốc khác biệt bởi là hồ nhân tạo. Hồ được tạo nên vì sứ mệnh cung cấp nước tưới tiêu cho 2 huyện Bá Thước và Cẩm Thủy từ những năm kháng chiến chống Mỹ. Hồ Duồng Cốc có diện tích mặt hồ 57 ha, độ sâu 40m; tọa lạc tại thung lũng giữa những núi Đèn, Nạc và đồi Tràu. Nguồn nước hồ có sự giao thoa của ba dòng: Nước suối núi Đèn, nước ở hồ Đèn và nguồn nước ngầm dưới lòng hồ tựa như mối tình keo sơn của đồng bào các dân tộc ít người: Thái, Mường... dành cho nhau từ nghìn đời nay. Giữa rừng núi nguyên sinh, giữa trời và đất. Toàn cảnh hồ như một bức tranh thủy mặc, làm say lòng biết bao du khách.
Mỗi mùa, hồ Duồng Cốc lại có một điểm thú vị khác nhau. Vào mùa hạ, mặt hồ trong xanh, hiền hòa, yên tĩnh, soi bóng núi non, mây trời và đại ngàn xanh thẫm, không khí ở hồ được làm mát bởi những làn gió Nam mang theo hơi nước từ mặt hồ. Ngồi trên chiếc thuyền độc mộc, mặt nước, lòng hồ, gò lớn, gò nhỏ, thảm thực vật cây cối, cuộc sống bình lặng của người dân cứ huyền ảo lướt đi dưới mây trời hòa quyện, tĩnh lặng và bình yên vì dường như chưa có sự can thiệp thô bạo từ con người và ngành công nghiệp dịch vụ... Sau cơn mưa đêm qua, nước từ núi Đèn đổ về, mang theo hàng chục loài cá: Rô phi, chép, trắm cỏ.... Những đứa trẻ sống ở ven hồ câu cá rất sành, với chúng việc câu cá sẽ giúp gia đình cải thiện bữa ăn cho cả nhà hoặc để mẹ đi chợ bán lấy tiền mua sách vở, dụng cụ cho năm học mới. Neo thuyền vào các rặng cây rậm rạp ven hồ ngồi câu cá, chúng tôi bắt gặp nhiều bè mảng được ghép từ những cây luồng, nứa của người dân bản địa ngược xuôi chở củi, hàng nông sản di chuyển trên lòng hồ. Thi thoảng, những chàng trai, cô gái Mường cưỡi trên những bó luồng, nứa vừa chặt trên rừng rẽ nước, len lỏi qua những tảng đá. Khi ánh chiều buông, không gian hồ hiện ra bao la, chúng tôi thả hồn mình theo áng mây trôi vờn trên đỉnh núi xa, cảm nhận sự bình yên tĩnh tại.
Mùa đông đến, sương mờ bảng lảng phủ khắp cảnh vật, mặt hồ tạo nên một bức tranh thủy mặc kỳ bí, cuốn hút. Ẩn hiện trong lớp sương mờ giăng khắp mặt hồ là dáng núi, dáng đảo, điểm tô bằng những nếp nhà sàn thấp thoáng. Trong bếp lửa nhà sàn, cái lạnh đã bị lửa than xua tan, những bắp ngô nếp nướng thơm lừng. Từ những khe hở của bức tường gỗ nhìn ra tứ bề đều mờ đục như giữa chốn thần tiên. Nước mưa rừng chảy trên mái hiên trong những đêm mưa như kể với người lạ về một huyền tích của núi rừng.
Tiết trời xuân chớm chạm nơi đây, hồ Duồng Cốc lại càng thơ mộng hơn bao giờ hết. Những vách núi lượn quanh phơi mình dưới nắng. Những cây cối xanh xanh và ngằn ngặt trong veo màu nước như không thể trong hơn. Tất cả gợi lên sự an yên và say mê lạ kỳ. Thuyền trôi nhẹ qua những con nước hẹp rồi lại mở ra cả một vùng xanh lục mênh mông. Những bóng thuyền độc mộc chỉ chợt hiện trong sương rồi lại ẩn vào thiên nhiên huyền ảo. Gò Khang Cao, gò Giằng Rượu, gò Vịt như những nét buồn man mác cô đơn giữa “biển xanh Duồng Cốc” mờ ảo đang dần hiện ra. Chưa kể, vào mùa xuân, từng đàn bướm trắng lại kéo về tụ hội, nối đuôi nhau bay lượn trên mặt hồ lung linh tạo nên một khung cảnh nên thơ làm say đắm lòng người.
Khác với sự bao la, rộng lớn của hồ Duồng Cốc, hồ Đèn nằm nép mình bên vách đá, nước trong xanh, mát rượi, được người dân trong vùng gọi là hồ Tiên tắm. Các cô gái trẻ đi làm về thường rủ nhau và không ngại ngần trút bỏ trang phục rồi vừa khúc khích cười vừa ào xuống hồ tắm “như những nàng tiên giáng trần”. Cách hồ khoảng vài km, hang Nước nổi tiếng bởi vẻ lung linh của những nhũ đá trong động. Khung cảnh nơi đây đã từng được mệnh danh là một “sân khấu đá” với những chùm hoa đá lúc ẩn, lúc hiện. Lên cao một chút để đến hang Bụt, thắp một nén hương thơm nơi cửa Phật từ bi, chúng tôi thấy tâm hồn mình thanh thản và yêu cuộc sống, yêu thiên nhiên hơn. Trên đỉnh núi Đèn, núi Nạc và đồi Tràu, phóng tầm mắt ra xa, chúng tôi đã thực sự bị mê hoặc trước bức tranh thủy mặc hữu hình, hữu thanh với mặt nước hồ Duồng Cốc trong xanh, những bản làng trù mật với ruộng nương tươi tốt, thấp thoáng nếp nhà sàn của cư dân xã Điền Hạ, cùng dòng suối từ hang Nước chảy hiền hòa được đại ngàn ôm trọn, hòa với tiếng chim hót véo von.
Cần được đầu tư
Sau một ngày dạo chơi trên hồ, thuyền vừa cập bến, tôi chạy ào vào lán nhỏ. Tại đây, người phụ nữ dân tộc nở nụ cười tươi rói “như mùa thu tỏa nắng”, nhanh tay quạt nướng cá trên bếp than hồng. Cá tự nhiên bắt được ở hồ, chủ nhà nhốt lại dưới lưới trong hồ, khi có khách lại bắt lên chế biến. Cá ướp gừng, gia vị, nướng lên cháy xém thơm lừng, lan theo làn gió hấp dẫn chảy cả nước miếng. Ngoài cá còn có các món ăn bản địa, như: Rau sắn muối chua, gà đồi, châu chấu rang lá chanh, măng đắng xào gà và một món đặc biệt không thể thiếu khi đến Bá Thước là vịt Cổ Lũng.
Khu vực làng ven hồ vẫn giữ được nét hoang sơ cùng bản sắc văn hóa của dân tộc Thái, Mường... Tại đây hằng năm vẫn diễn ra nhiều lễ hội đặc sắc, như: Lễ cầu mùa, cầu mưa, lễ mừng cơm mới, lễ mừng thọ cho người già, lễ mừng đầy tháng con... Nhấp chén rượu thơm mùi lúa mới, du khách hòa mình vào các trò chơi dân gian, như: Tung còn, hát khặp... Trong đêm trăng sáng, lễ hội tưng bừng, trai gái hẹn hò nhau cùng giã cốm, rồi từng cặp nhảy những điệu múa miêu tả cuộc sống của cộng đồng, như: Cấy lúa, làm nương... với trang phục độc đáo. Rồi những phiên chợ vội vàng mở mỗi sáng, trong veo những đôi mắt trẻ trên khung cửa nhà sàn, những bà mế hiền từ đem bán dăm ba gói rau rút, bắp ngô mới bẻ còn tươi nhựa, đôi ba mảnh thổ cẩm còn thơm mùi vải mới... Những cuộc gặp gỡ văn hóa ấy tuy ngắn ngủi nhưng cũng đủ khiến khách lãng du có dịp biết đến một góc về đời sống vật chất của đồng bào nơi đây.
Hiện nay, với tiềm năng của xã Điền Hạ, huyện Bá Thước xác định đưa du lịch hồ Duồng Cốc thành một trong những trọng điểm du lịch của huyện. Tuy nhiên, theo ông Trương Văn Minh, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Bá Thước: Tiềm năng phát triển du lịch tại xã Điền Hạ thì rất nhiều, nhưng hiện tại vẫn chưa có nhà đầu tư đến đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, các nhà hàng, khu lưu trú... nên tiềm năng này vẫn chưa được “đánh thức” đúng tầm. Vì vậy, hoạt động du lịch ở hồ Duồng Cốc, hang Bụt, hang Nước còn mang tính thời vụ, chủ yếu tập trung vào 2 mùa hè, thu và các dịp cuối tuần, kỳ nghỉ dịp lễ, tết. Do không có tour, tuyến, phần lớn du khách phải tự khám phá, trải nghiệm và tổ chức các hoạt động du lịch dã ngoại, picnic, câu cá... Có lẽ, vùng đất này chưa nhuần nhuyễn trong cách làm du lịch, như: Bản Kho Mường (xã Thành Sơn), bản Đôn (xã Thành Lâm), bản Hiêu (xã Cổ Lũng). Nhưng sức hút lại toát lên từ sự vô tư trong cuộc sống chứ không hề bài trí, sắp đặt. Mong rằng, với sự ưu đãi về thu hút đầu tư trong phát triển du lịch, hồ Duồng Cốc sẽ sớm trở thành điểm du lịch như kế hoạch phát triển du lịch năm 2019 của huyện đã xác định và giấc mơ về nàng tiên nữ ngủ trong vùng hồ sẽ bừng thức giấc trong một ngày không xa.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/du-lich/ho-duong-coc-vien-ngoc-xanh-giua-dai-ngan/105501.htm