Ho gà tăng, phụ huynh cần làm gì để phòng tránh cho trẻ?

Từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 32 trường hợp mắc ho gà tại 16 quận, huyện, thị xã; trong khi cùng kỳ năm 2023 không ghi nhận ca bệnh.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, tuần qua (từ ngày 22 đến 29/3), trên địa bàn thành phố có thêm 7 trường hợp mắc ho gà, rải rác tại 5 quận, huyện: Cầu Giấy, Đông Anh, Hà Đông, Nam Từ Liêm và Phúc Thọ. Số ca mắc trong tuần qua giảm 1 trường hợp so với tuần trước đó.

Công tác tiêm chủng đang được thực hiện tại Phòng tiêm chủng Safpo/Potec Xuân Đỉnh.

Công tác tiêm chủng đang được thực hiện tại Phòng tiêm chủng Safpo/Potec Xuân Đỉnh.

Như vậy, cộng dồn từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 32 trường hợp mắc ho gà tại 16 quận, huyện; trong khi cùng kỳ năm ngoái không ghi nhận ca bệnh.

Theo đánh giá của CDC Hà Nội, số ca mắc ho gà tiếp tục ghi nhận rải rác, chủ yếu ở trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm chủng hoặc chưa được tiêm đầy đủ.

Cụ thể, phần lớn bệnh nhân là trẻ em dưới 3 tháng tuổi (chiếm tỷ lệ 65,6%); chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ (chiếm tỷ lệ 71,8%).

Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi trung ương, từ đầu năm đến nay, ghi nhận khoảng 40 trường hợp mắc ho gà, chủ yếu là trẻ dưới 3 tháng tuổi, ở lứa tuổi chưa tiêm phòng hoặc vừa tiêm mà chưa tạo được miễn dịch.

TS.Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, với những trẻ nhỏ mắc ho gà chưa đến tuổi tiêm phòng điều trị tại đây, phần lớn người mẹ chưa có kháng thể để bảo vệ trẻ.

Nếu được tiêm đầy đủ thì người mẹ cũng có kháng thể, bảo vệ được con khi chưa đến tuổi tiêm phòng. Ngoài ra, tại Bệnh viện cũng ghi nhận một vài ca bệnh lớn tuổi tuy đã tiêm phòng đủ các mũi cơ bản nhưng vẫn bị ho gà do chưa được tiêm mũi nhắc lại.

Đề cập đến việc nhiều bệnh nhân mắc ho gà khi chưa đến tuổi tiêm chủng, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, bình thường trẻ em trước độ tuổi tiêm chủng thường có miễn dịch phòng bệnh ho gà từ mẹ.

Tuy nhiên, do miễn dịch cộng đồng giảm, người mẹ cũng không được tiêm đủ mũi nên làm giảm khả năng chống chọi bệnh ở trẻ.

Ho gà ở trẻ em là bệnh lý vô cùng nguy hiểm, thường diễn biến rất phức tạp và gây ra các triệu chứng từ nhẹ đến nặng. Điều đáng nói là bệnh có thể gây biến chứng viêm phế quản - phổi, viêm phổi… và là nguyên nhân của nhiều ca tử vong ở trẻ hằng năm.

Do đó, các bác sĩ khuyến cáo, khi thấy trẻ nghi ngờ mắc bệnh, cần cách ly với những trẻ khác và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị càng sớm càng tốt.

Khi trẻ bị ho gà, nên cho nghỉ ngơi đầy đủ để tăng cường hệ miễn dịch và nhanh chóng hồi phục. Ngoài ra, bảo đảm cho trẻ uống đủ nước, cung cấp đầy đủ dinh dưỡng để tăng cường sức khỏe và miễn dịch.

Mặt khác, để ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn, cần thường xuyên vệ sinh cá nhân cho trẻ, vệ sinh đồ chơi, quần áo và bảo đảm môi trường xung quanh sạch sẽ, thoáng mát.

Để phòng ngừa bệnh ho gà, theo bác sĩ Nguyễn Tuấn Hải, hệ thống tiêm chủng Safpo/Potec, cần thực hiện đúng và đầy đủ khuyến cáo về tiêm phòng vắc-xin ho gà mũi 1 lúc trẻ 2 tháng tuổi, mũi 2, 3, 4 lần lượt khi trẻ được 3 tháng, 4 tháng và 18 tháng tuổi.

Theo các chuyên gia y tế, ho gà là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp do vi khuẩn Bordetella pertussis gây nên, bệnh thường xảy ra ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi.

Ho gà lây lan cao hơn cả cảm cúm, một người có thể lây cho 12-17 người. Trẻ em chưa được tiêm chủng vắc-xin ho gà đầy đủ là đối tượng có nguy cơ cao nhất bị nhiễm bệnh và thường biểu hiện bệnh lý nặng.

Đáng lưu ý, ho gà nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra biến chứng viêm phổi. Đây là nguyên nhân tử vong thường gặp nhất.

Ngoài ra các biến chứng thường gặp khác là biến chứng thần kinh và một số cơ quan khác như: Viêm phế quản, ngừng thở, sa trực tràng, thoát vị trực tràng, vỡ phế nang, tràn khí trung thất, tràn khí màng phổi và viêm não.

Do đó, các chuyên gia lưu ý, cần phân biệt ho gà và ho thông thường để đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời. Cụ thể, đối với trẻ ho do cảm lạnh, bởi nhiễm trùng đường hô hấp trên thì thường bắt đầu với các triệu chứng cảm lạnh, chảy mũi, ngạt mũi và ho.

Đối với trẻ mắc ho gà, các biểu hiện điển hình là trẻ ho rũ rượi, ho từng cơn, mỗi cơn từ 15-20 tiếng ho liên tiếp, càng về sau càng yếu và giảm dần.

Đặc biệt, những cơn ho xuất hiện nhiều làm trẻ yếu dần như ngừng thở do thiếu ôxy, mặt tím tái, mặt đỏ, tĩnh mạch cổ nổi, chảy nước mắt nước mũi.

Khi nghi ngờ mắc bệnh ho gà hoặc có bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh như có nhiều cơn ho, trong cơn ho có đỏ hoặc tím mặt, thời gian mỗi cơn ho kéo dài; ăn kém, nôn chớ nhiều; ngủ ít; thở nhanh/khó thở, cần đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám, xác định căn nguyên và hỗ trợ điều trị sớm.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/ho-ga-tang-phu-huynh-can-lam-gi-de-phong-tranh-cho-tre-d212072.html