Hồ khó đoán nhất trên thế giới, 'mất tích' 3 năm một lần và độ sâu của nước cũng thay đổi
Hồ Eyre ở miền Trung nước Úc là một hồ nước vô cùng kỳ lạ. Nó có thể 'thoắt ẩn, thoắt hiện' khiến cho các nhà khoa học vô cùng kinh ngạc.
Úc là một quốc gia với vô số địa danh tuyệt đẹp và luôn ẩn chứa nhiều điều kỳ lạ nhất trên thế giới. Nói đến những nơi độc đáo nhất của Úc thì không thể không đề cập tới hồ Eyre. Bởi hồ Eyre quả thực đã khiến các nhà khoa học đau đầu vì những lần biến mất thoắt ẩn thoắt hiện của nó. Đặc biệt, cứ khoảng 3 năm nó lại biến mất 1 lần và mỗi lần xuất hiện trở lại thì độ sâu của nước hồ cũng thay đổi. Chuyện gì đã xảy ra với hồ Eyre?
Hồ Eyre hay còn được gọi là hồ Kati Thanda theo cách đặt tên của người dân bản địa là hồ nước mặn lớn nhất của Úc. Đây cũng là hồ có vị trí thấp nhất của quốc gia này. Hồ nằm ở độ cao khoảng 15 m dưới mực nước biển. Hồ này nằm cách phía bắc Adelaide khoảng 700 km và là được hình thành trong lòng chảo nội lục. Hồ Eyre nằm ở miền trung nước Úc. Xung quanh hồ này là Vườn quốc gia hồ Eyre.
Hồ chia làm hai phần nối với nhau bởi kênh Goyder: Hồ Eyre Bắc dài khoảng 144 km rộng khoảng 66 km; Hồ Eyre Nam dài 64 km rộng 24 km. Tổng diện tích là 9.500 km2. Lớp muối ở chỗ dày nhất lên đến 50 cm.
Hồ được đặt tên là Eyre để vinh danh Edward John Eyre, người đầu tiên tìm thấy nó. Vào năm 1832, một đoàn khảo sát đã đến miền Trung nước Úc thì vô tình tìm thấy một vũng nước lớn bên trên phủ đầy muối. Đến năm 1860, một nhóm khảo sát khác đến thì lại bắt gặp 1 hồ nước mặn rộng mênh mông. Tuy nhiên, vào năm sau khi họ quay trở lại để đo diện tích mặt hồ thì kỳ lạ là cái hồ này đã biến mất chỉ còn lại 1 chút nước.
Sau này, các nhà khoa học mới khám phá ra rằng hồ Eyre không phải lúc nào cũng có đầy nước mà trên thực tế nó chỉ là hồ nước thời vụ. Tức là cứ khoảng 3 năm nước trong hồ sẽ biến mất một lần. Lý do khiến nước trong hồ thay đổi lớn như vậy là bởi hồ Eyre lấy nước từ nước mưa và các con sông. Do hồ Eyre nằm ở khu vực khô và cằn cỗi nhất của nước Úc với lượng mưa hàng năm chỉ 125 mm nên diện tích mặt hồ không hề cố định.
Khi mưa nhiều, diện tích mặt hồ có thể lên tới 8.200 km2 và khi ít thì nước sẽ bốc hơi tới mức trơ cạn tới đáy. Vì thế, trong từ điển địa lý, diện tích của hồ Eyre được xác định là từ 0 cho tới 8.200 km2 và không có một con số cố định. Hồ Eyre khi nhiều nước chiếm tới 1/6 diện tích lãnh thổ nước Úc. Điều này đã làm cho hồ Eyre trở thành một trong những hồ nước mặn lớn nhất trên thế giới.
Có thể nói rằng, lượng mưa trong năm trút xuống hồ Eyre cũng như khu vực rộng lớn xung quanh bao nhiêu sẽ quyết định diện tích hồ lớn đến mức nào trong năm đó.
Do lượng nước chênh lệch nên độ sâu của hồ Eyre cũng khác nhau rất nhiều. Có lúc người ta đo được độ sâu của nó là 1,5 m nhưng khi mưa nhiều độ sâu lại lên tới 4 m. Nhiều người đã nói rằng họ cảm thấy bị thu hút bởi sự thất thường này của hồ Eyre vì thế mới tìm tới nơi để được chiêm ngưỡng tận mắt.
Trái ngược với khung cảnh ảm đạm khi hồ cạn đáy, hồ Eyre khi chứa đầy nước vô cùng sôi động. Rất nhiều loài động vật hoang dã đã tìm tới đây cư trú. Chúng đều đến từ vùng Queensland và tới đây để kiếm mồi và sinh sản, sau đó lại trở về nơi chúng xuất phát.
Thế nhưng, không chỉ có sự biến mất của nước hồ, hồ Eyre còn nổi tiếng với khả năng đổi màu đầy bất ngờ. Đặc biệt, mỗi khi có mưa lớn ở bắc Queensland, nước đã di chuyển hơn 1000km, qua những vùng hẻo lánh nhất của Úc để đến được hồ Eyre. Kỳ lạ, sau khi nước mưa chảy tới nơi, nước hồ Eyre đã trở thành màu hồng đẹp mắt. Sở dĩ, hiện tượng này xảy ra là vì nước khiến muối hòa tan và tảo hồng hiện lên rõ ràng.
Để cải tạo điều kiện khí hậu khô hạn ở miền Trung Australia, các nhà khoa học đã đề nghị đào một sông nối liền hồ Eyre với biển. Họ cho rằng, như vậy nước biển sẽ tự động chảy vào hồ, và hồ Eyre sẽ không còn lúc ẩn lúc hiện nữa.
*Bài viết được tổng hợp từ The Guardian, ABC, CNN.