Hộ kinh doanh cá nhân cần được tạo điều kiện phát triển
Bộ KH-ĐT đang lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo Nghị định về hộ kinh doanh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực này ngày càng phát triển.
Theo nhiều ý kiến, hộ kinh doanh có những đặc điểm khác biệt so với doanh nghiệp là hoạt động nhỏ lẻ, đơn giản. Do đó, việc thiết kế thủ tục đăng ký kinh doanh cũng cần phải đảm bảo đơn giản, thuận tiện để thu hút các chủ thể này thực hiện hoạt động đăng ký.
* Đóng vai trò quan trọng
Tại hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Nghị định hộ kinh doanh ngày 10-10 vừa qua, ông Phùng Quốc Chí, Phó trưởng Ban soạn thảo chia sẻ, việc xây dựng nghị định nhằm mục đích tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi để các cá nhân, hộ gia đình thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh. Từ đó khuyến khích họ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống và đảm bảo an sinh xã hội.
Hiện nay, thủ tục đăng ký hộ kinh doanh được quy định tại Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 4-1-2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp. Việc xây dựng nghị định về hộ kinh doanh cá nhân cũng nhằm tiếp tục cải cách, hoàn thiện thêm một bước khuôn khổ pháp lý về hộ kinh doanh. Đồng thời, tạo cơ sở nâng cao chất lượng dịch vụ công, đơn giản hóa thủ tục hành chính về đăng ký hộ kinh doanh, mang lại sự thuận lợi cho người dân theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, lành mạnh hóa môi trường kinh doanh, tăng hiệu quả quản lý nhà nước.
Theo đánh giá của các chuyên gia, hộ kinh doanh là một khu vực quan trọng, đóng góp quan trọng trong việc bảo đảm an sinh xã hội và tạo việc làm cho nhiều lao động, đồng thời đóng góp đáng kể cho GDP.
Góp ý kiến cho dự thảo nghị định, theo Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), hộ kinh doanh đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế nước ta với số lượng khoảng 5 triệu hộ. Tuy nhiên, các quy định hiện hành về việc công nhận và xác định vị trí pháp lý cho hộ kinh doanh vẫn chưa rõ ràng, khiến việc xác định vị trí của hộ kinh doanh so với các chủ thể kinh doanh khác như doanh nghiệp, HTX còn mơ hồ, do đó hoàn thiện chính sách, pháp luật về loại hình này là rất cần thiết.
Nghị quyết số 31/2021/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 đặt ra mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu cả nước có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp. Do đó, khi được tạo điều kiện, hộ kinh doanh cá thể sẽ được nâng lên, đó là điều kiện để hiện thực hóa mục tiêu phát triển cộng đồng doanh nghiệp của Việt Nam.
* Cần tiếp tục tạo điều kiện để phát triển
Theo Cục Thống kê Đồng Nai, những năm qua, hộ kinh doanh cá thể gặp rất nhiều khó khăn, từ ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 đến sự suy giảm của thị trường do nhiều nguyên nhân. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể có tính chất hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ, là bộ phận dễ bị tổn thương trước những biến động của thị trường. Chỉ riêng đại dịch Covid-19 trong những năm qua đã ảnh hưởng đến hầu hết các cơ sở và để lại hậu quả nặng nề. Nhiều cơ sở phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm lao động. Sự chững lại của nền kinh tế nói chung cũng đã khiến cho nhiều hộ kinh doanh phải ngừng hoạt động.
Điều mà các cơ sở kinh doanh mong mỏi là chính quyền địa phương, trong đó có các cán bộ phụ trách, cần sâu sát hơn nữa, nắm bắt những khó khăn của đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn mình quản lý. Do phần lớn các chủ cơ sở thường thiếu kiến thức nền về những quy định pháp luật chuyên ngành nên có những quy định không hiểu được cặn kẽ. Để cơ sở sản xuất có điều kiện phát triển và tiến lên doanh nghiệp thì cần được thông tin rõ ràng, dễ hiểu ngay từ đầu, từ việc thành lập đến đặt tên cũng như các quy định liên quan sau khi thành lập.
Chủ Cơ sở Sản xuất khô bò Tam (H.Nhơn Trạch) Nguyễn Thụy Hà Vy cho biết, cơ sở lúc thuận lợi nhất có thể tạo việc làm cho 20 nhân công. Mặc dù đã nhận được những sự hỗ trợ song việc phát triển sản xuất, kinh doanh vẫn còn nhiều hạn chế. Trong tương lai, Cơ sở Sản xuất khô bò Tam phấn đấu vươn lên thành doanh nghiệp mạnh của địa phương, muốn làm được điều đó, ngoài nỗ lực của đơn vị thì sự cộng hưởng từ chính sách bằng những hỗ trợ cụ thể là rất cần thiết.