Hộ kinh doanh phải đóng thuế ra sao khi xóa bỏ thuế khoán từ 2026?

Từ nay đến năm 2026, ngành thuế sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai hỗ trợ hộ kinh doanh chuẩn bị sẵn sàng cho lộ trình bỏ thuế khoán, đồng thời đảm bảo công bằng thuế, khuyến khích phát triển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp chính thức.

Chiều ngày 2/7, tại Họp báo thường kỳ quý II/2025, ông Mai Sơn, Phó Cục trưởng Cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết ngày 26/6 vừa qua, Cục Thuế đã ban hành văn bản lấy ý kiến rộng rãi về Dự thảo Luật Quản lý thuế, trong đó có đề xuất xóa bỏ thuế khoán từ ngày 1/1/2026, theo Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân.

Việc bãi bỏ thuế khoán nhằm minh bạch hóa hoạt động kinh doanh, giảm chênh lệch giữa hộ kinh doanh và doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo công bằng với người làm công ăn lương. Thực tế, nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ như hàng quán, chợ truyền thống có doanh thu dưới hoặc chỉ nhỉnh hơn ngưỡng chịu thuế, trong khi vẫn đóng thuế khoán cố định.

Ông Mai Sơn, Phó Cục trưởng Cục Thuế.

Ông Mai Sơn, Phó Cục trưởng Cục Thuế.

Để thay thế thuế khoán, Dự thảo Luật Quản lý thuế dự kiến chia hộ, cá nhân kinh doanh thành 4 nhóm doanh thu, áp dụng phương pháp quản lý khác nhau.

Đó là nhóm có doanh thu dưới 200 triệu đồng/năm – không phải nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN)...

Nhóm có doanh thu từ 200 triệu đến dưới 1 tỷ đồng/năm – được khuyến khích và có lộ trình áp dụng hóa đơn điện tử có mã cơ quan thuế hoặc máy tính tiền từ năm 2027–2028; chỉ cần sổ kế toán đơn giản.

Hộ kinh doanh nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng doanh thu từ 1–3 tỷ đồng/năm; thương mại, dịch vụ từ 1–10 tỷ đồng/năm – bắt buộc dùng hóa đơn điện tử, kế toán đơn giản.

Nhóm có doanh thu trên 10 tỷ đồng/năm – thực hiện kế toán như doanh nghiệp vừa và nhỏ, bắt buộc hóa đơn điện tử.

Ngoài ra, Cục Thuế đang đề xuất tăng ngưỡng doanh thu không chịu thuế từ 200 triệu lên ít nhất 400 triệu đồng/năm để phù hợp thực tế, đồng thời điều chỉnh tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân (TNCN) cho từng nhóm.

Theo Bộ Tài chính, Việt Nam hiện có hơn 5,2 triệu hộ kinh doanh, tạo ra khoảng 8–9 triệu việc làm. Trong đó, có 3,6 triệu hộ đang được quản lý thuế, thu ngân sách gần 26.000 tỷ đồng mỗi năm. Đáng chú ý, thống kê cho thấy có hơn 4.000 hộ kinh doanh doanh thu trên 10 tỷ đồng/năm, riêng 860 hộ đạt doanh thu từ 30 tỷ đồng, 5 hộ có doanh thu trên 200 tỷ đồng/năm – tương đương doanh nghiệp vừa.

Điều này cho thấy dư địa lớn để ngành thuế siết chặt quản lý, khuyến khích minh bạch doanh thu, áp dụng công nghệ số, hạn chế thất thu.

Phó Cục trưởng Mai Sơn khẳng định: “Việc thay đổi này sẽ giúp hộ kinh doanh làm quen với hóa đơn điện tử, quản lý thu chi minh bạch, tiết kiệm thời gian và chi phí. Các nội dung mới chỉ là dự kiến, Cục Thuế sẽ tiếp tục lấy ý kiến người dân, hiệp hội, chuyên gia để hoàn thiện khung quản lý, báo cáo Bộ Tài chính, trình cấp có thẩm quyền ban hành.”

Từ năm 2026, thuế khoán – phương thức thu thuế áp dụng nhiều năm nay với hộ kinh doanh – sẽ chính thức bị xóa bỏ. Việc phân loại hộ kinh doanh theo doanh thu, áp dụng hóa đơn điện tử và sổ kế toán mới là những thay đổi lớn mà người kinh doanh cần lưu ý.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thue-ngan-sach/ho-kinh-doanh-phai-dong-thue-ra-sao-khi-xoa-bo-thue-khoan-tu-2026-1107886.html