Hồ Nặm Cắt hướng tới trở thành khu du lịch cấp tỉnh

Trong định hướng phát triển mới của tỉnh Bắc Kạn, hồ Nặm Cắt (TP. Bắc Kạn)- một hồ chứa nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, đang được quy hoạch trở thành khu du lịch sinh thái, kỳ vọng tạo ra bước đột phá trong phát triển kinh tế, du lịch cho địa phương.

 Toàn cảnh hồ Nặm Cắt.

Toàn cảnh hồ Nặm Cắt.

Hồ Nặm Cắt được xây dựng từ năm 2016 và hoàn thành vào năm 2020 với tổng vốn đầu tư khoảng 500 tỷ đồng. Hồ có diện tích mặt nước hơn 87ha, dung tích trữ nước toàn bộ khoảng 13 triệu m³ (hiện đang chứa 4,5 triệu m³). Đây là nguồn cung cấp nước quan trọng cho hàng nghìn héc-ta lúa và hoa màu tại các xã, phường phía Nam TP. Bắc Kạn. Tuy nhiên, sau nhiều năm vận hành, tiềm năng về du lịch, sinh thái quanh hồ vẫn chưa được khai thác tương xứng. Nhằm phát huy lợi thế này, Nghị quyết số 22/NQ-HĐND ngày 08/5/2025 của HĐND tỉnh đã thông qua đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch sinh thái hồ Nặm Cắt, định hướng phát triển hồ Nặm Cắt thành không gian du lịch sinh thái, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội bền vững.

Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021–2030, tầm nhìn đến 2050 định hướng phát triển hồ Nặm Cắt thành khu du lịch cấp tỉnh. Quy hoạch chung TP. Bắc Kạn đến năm 2045 cũng xác định nơi đây là khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng trọng điểm. Việc lập Quy hoạch phân khu xây dựng khu du lịch sinh thái hồ Nặm Cắt là cần thiết để khai thác hiệu quả tiềm năng địa phương, gắn với văn hóa vùng miền và phát triển bền vững.

 Phối cảnh Quy hoạch hồ Nặm Cắt.

Phối cảnh Quy hoạch hồ Nặm Cắt.

Hiện tuyến đường vào hồ còn nhỏ hẹp, khó tiếp cận. Do đó, tỉnh đang triển khai dự án xây dựng tuyến đường dài 6km với tổng vốn 226 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2025. Cùng với đó, hạ tầng kỹ thuật, điện, viễn thông quanh hồ cũng sẽ được nâng cấp để tạo điều kiện phát triển các mô hình du lịch cộng đồng, nghỉ dưỡng, thể thao nước, trồng rừng kết hợp du lịch.

Với cảnh quan nguyên sơ, khí hậu mát mẻ quanh năm, hồ Nặm Cắt có tiềm năng lớn để phát triển du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, chữa lành, cắm trại và thể thao nước. Diện tích lập quy hoạch phân khu xây dựng khu du lịch sinh thái khoảng 1.675ha. Việc quy hoạch còn chú trọng bảo vệ rừng đầu nguồn, phát triển kinh tế dưới tán rừng và chuỗi sản phẩm nông - lâm đặc hữu, hướng tới mô hình kinh tế xanh. Tỉnh kỳ vọng thu hút nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực du lịch sinh thái, với nhiều hỗ trợ về thủ tục, đất đai và chính sách ưu đãi theo quy định.

Một trong những định hướng quan trọng trong Nghị quyết số 22 của tỉnh Bắc Kạn là phát triển hồ Nặm Cắt phải gắn với nâng cao đời sống người dân, bảo đảm hài hòa giữa kinh tế và xã hội.

Các chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất sẽ tuân thủ Luật Đất đai 2024 và Nghị định 88/2024/NĐ-CP, ưu tiên bố trí tái định cư tại chỗ, hỗ trợ đào tạo nghề và chuyển đổi sinh kế. Đồng thời, tỉnh khuyến khích phát triển các mô hình du lịch cộng đồng, nông nghiệp hữu cơ, thủy sản sinh thái ven hồ nhằm tạo sinh kế bền vững. Quan điểm xuyên suốt là “Người dân là chủ thể của phát triển, không ai bị bỏ lại phía sau”.

Về đầu tư, tỉnh ưu tiên nâng cấp hạ tầng giao thông kết nối khu vực hồ từ phía Nam và phía Đông; cải tạo hệ thống điện, nước, viễn thông, xử lý rác thải; phát triển các khu chức năng như: Khu du lịch, thương mại, nghỉ dưỡng, sân golf, quảng trường, làng ẩm thực, khách sạn ven hồ, khu trải nghiệm sinh thái, du lịch cộng đồng Bản Bung... Ngoài ra còn có các dự án nâng cấp hạ tầng xã hội, thiết chế văn hóa, hệ thống thủy lợi và các dự án bảo vệ môi trường, khai thác cảnh quan sinh thái quanh hồ.

Đầu tư hồ Nặm Cắt không chỉ là phát triển hạ tầng hay thu hút đầu tư, mà là biểu tượng cho sự chuyển mình của Bắc Kạn - từ tư duy đến hành động. Khi định hướng rõ ràng, hạ tầng được đầu tư, cơ chế thông suốt, người dân đồng thuận, nơi đây có thể trở thành biểu tượng mới cho một Bắc Kạn phát triển hài hòa giữa thiên nhiên và con người./.

Phương Thảo

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/ho-nam-cat-huong-toi-tro-thanh-khu-du-lich-cap-tinh-post70782.html