Đại biểu quốc hội: Phân cấp cho cấp xã là không khả thi

Chiều 16/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận tại tổ về ba nội dung quan trọng: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL); Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội. Tại Tổ 9, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị bỏ quy định UBND cấp xã ban hành quyết định để thực hiện phân cấp.

Cấp xã không phù hợp để tiếp tục “phân cấp”

Phát biểu tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh bày tỏ sự đồng tình với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPPL. Tuy nhiên, ông đặc biệt lưu ý tới khoản 4, Điều 1 của dự thảo Luật, trong đó quy định UBND cấp xã có thể ban hành quyết định để thực hiện phân cấp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh

Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh

Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh đặt câu hỏi: “UBND xã là cấp hành chính thấp nhất, nếu phân cấp thì phân cấp cho ai?”. Với lập luận thuyết phục, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và yêu cầu bỏ quy định cho phép UBND cấp xã ban hành quyết định để thực hiện phân cấp. Theo ông, cấp xã hiện nay phải đóng vai trò gần dân, sát dân, việc “phân cấp tiếp” tại cấp này là không hợp lý.

Chia sẻ quan điểm với Phó Chủ tịch Quốc hội, đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình) cho rằng, trong bối cảnh hệ thống chính quyền địa phương đang thực hiện tinh gọn theo mô hình 2 cấp, việc cho phép UBND cấp xã phân cấp tiếp là không còn phù hợp. Đại biểu đề xuất sửa đổi quy định theo hướng: “UBND cấp xã ban hành quyết định để quy định những vấn đề được luật, nghị quyết của Quốc hội giao và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp”, đồng thời lược bỏ cụm từ “phân cấp”.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc cũng lưu ý rằng, trước đây việc huyện phân cấp cho xã là hợp lý, nhưng trong bối cảnh hiện nay khi không còn cấp huyện (sau khi tổ chức lại đơn vị hành chính), thì việc tiếp tục “phân cấp” ở cấp xã không còn cơ sở thực tiễn.

Rà soát về hiệu lực của văn bản sau khi sáp nhập địa giới

Một vấn đề khác được đại biểu Đặng Bích Ngọc đề cập là quy định chuyển tiếp tại khoản 18, Điều 1 của dự thảo Luật. Dù đồng tình với việc cho phép văn bản của cấp huyện còn hiệu lực đến 1/3/2027 hoặc cho đến khi bị thay thế, đại biểu cho rằng cần có hướng dẫn cụ thể trong các trường hợp phức tạp như: văn bản ban hành cho một địa phương đã sáp nhập vào địa bàn khác; xã mới được hình thành từ nhiều xã thuộc các huyện khác nhau; hoặc các chính sách đặc thù đang áp dụng cho một xã sẽ xử lý thế nào khi nhập vào phường không còn đủ điều kiện áp dụng.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình) phát biểu tại tổ.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình) phát biểu tại tổ.

Bên cạnh vấn đề phân cấp, các đại biểu còn tập trung phân tích nội dung liên quan đến hiệu lực của văn bản quy định chi tiết. Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh) bày tỏ lo ngại với đề xuất của Chính phủ về việc thay đổi nguyên tắc xác định hiệu lực. Theo bà, nếu quy định văn bản hướng dẫn sẽ “hết hiệu lực” trừ khi được công bố tiếp tục áp dụng thì có thể tạo ra khoảng trống pháp lý nếu cơ quan quản lý không kịp ban hành văn bản mới.

“Người dân và doanh nghiệp sẽ lo lắng khi phải áp dụng văn bản được cho là đã hết hiệu lực. Cơ quan nào sẽ khẳng định văn bản không trái quy định mới? Ai chịu trách nhiệm nếu chậm ban hành?” - bà Hà nêu vấn đề. Bà đề nghị nên giữ nguyên quy định hiện hành: văn bản quy định chi tiết vẫn tiếp tục có hiệu lực nếu không trái với VBQPPL sửa đổi, trừ khi có công bố hết hiệu lực.

Phiên thảo luận tại Tổ 9 cho thấy, các đại biểu đều đánh giá cao sự cần thiết của việc sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành VBQPPL, đồng thời nhấn mạnh yêu cầu phải rà soát kỹ lưỡng để tránh phát sinh mâu thuẫn, chồng chéo hoặc bất cập trong tổ chức thực hiện. Những ý kiến đóng góp cụ thể, sâu sắc, như về vấn đề phân cấp cho cấp xã, hiệu lực văn bản chuyển tiếp, hay quy định chi tiết hướng dẫn thi hành... là minh chứng cho tinh thần đổi mới tư duy lập pháp, hướng đến sự minh bạch, đơn giản và hiệu quả trong hoạt động xây dựng pháp luật.

Huy Tùng

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/dai-bieu-quoc-hoi-phan-cap-cho-cap-xa-la-khong-kha-thi-727570.html