Họ Nguyễn Tiên Điền trong lịch sử dân tộc

Họ Nguyễn ở Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh có truyền thống khoa bảng và văn chương nổi tiếng với nhiều tác gia, tác phẩm tiêu biểu, mà đỉnh cao là Nguyễn Du với Truyện Kiều. Dòng họ này đã cùng với dòng họ Nguyễn Trường Lộc (Can Lộc) hình thành Văn phái Hồng Sơn nổi tiếng trong lịch sử trung đại Việt Nam.

Từ Canh Hoạch đến Tiên Điền

Theo Hoan Châu Nghi tiên Nguyễn gia thế phả do Nguyễn Nghiễm soạn thì đời thứ nhất của dòng họ này là Nam Dương công Nguyễn Nhiệm, nguyên quán ở làng Canh Hoạch, huyện Thanh Oai, trấn Sơn Nam. Thủy tổ là Nguyễn Doãn Địch. Ông nội là Nguyễn Thiến, trạng nguyên năm Nhâm Thìn, Mạc Đại Chính (1532) quy thuận Lê triều, làm quan tới chức Lại bộ Thượng thư, Ngự sử đài Đô ngự sử, Đông các Đại học sĩ, Thiếu phó Thư quận công. Thân phụ húy Miễn, làm quan, được phong Phù quận công; Bá phụ húy Quyện, làm quan, được phong Thường quận công.

Nguyễn Thiến (1495-1557) là con ông bà Nguyễn Doãn Toại-Nguyễn Thị Hiền, cháu nội Thám hoa Nguyễn Doãn Địch và là cháu ngoại Tiến sĩ Phạm Bá Kỳ cùng quê Canh Hoạch. Nguyễn Thiến vì bị Mạc Phúc Nguyên nghe lời gièm pha, nghi làm phản nên năm 1550 phải đưa hai con là Nguyễn Quyện, Nguyễn Miễn và gia nhân vào Thanh Hóa theo nhà Lê, được ban thưởng và giữ nguyên chức tước. Sau khi ông mất (1557), theo lời khuyên của Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Quyện lại cùng con em về với nhà Mạc. Nguyễn Quyện làm tướng cho nhà Mạc, được phong đến Thái bảo, Thường quốc công. Năm 1592, ông bị quân nhà Lê bắt và chết trong ngục. Sau khi dẹp nhà Mạc, nhà Lê tàn sát con cháu và quan chức nhà Mạc. Nhuệ quận công Nguyễn Tín (con trưởng Nguyễn Quyện), Đô mỹ hầu, Vân bảng hầu, Nhân trí hầu (con Nguyễn Miễn) đều bị giết. Thọ nham hầu Nguyễn Trụ (con Nguyễn Quyện), Nam Dương hầu Nguyễn Nhiệm, An nghĩa hầu (con Nguyễn Miễn) tiếp tục theo nhà Mạc. Nguyễn Nhiệm may mắn thoát chết trận, tìm đường trốn vào Nghệ An, ẩn tích rồi góp sức khai phá bãi bồi sông Lam hãy còn hẻo lánh, hoang vu thành làng Phú Điền, nay là thị trấn Tiên Điền, huyện Nghi Xuân.

 Đền thờ Nguyễn Nghiễm (Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh).

Đền thờ Nguyễn Nghiễm (Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh).

Nguyễn Nhiệm có ba con trai và hai con gái. Cả ba con trai đều không rõ tên nhưng đều có hậu duệ. Con trai thứ hai về sau được truy tặng chức Tham đốc, tước Khánh trạch hầu; sinh hai trai là Ổn và Chúng. Nguyễn Chúng mất sớm. Nguyễn Ổn, đời Cảnh Hưng, được truy tặng chức Đề đốc, tước Phương trạch hầu; sinh hai con trai là Nguyễn Thể, Nguyễn Yêu, đều theo nghề võ. Nguyễn Thể (1644-1698) tên thụy là Bảo Lộc, vào lính sớm, giỏi võ nghệ, có công đánh dẹp ở Hưng Hóa, Nghệ An, được phong chức Phó võ úy, tước Phù hưng bá, truy tặng Đông các Đại học sĩ, tước Phù hưng hầu, sau gia tặng Hộ bộ thượng thư, Thiếu phó Phù quận công, sinh ra Nguyễn Quỳnh. Nguyễn Yêu (1656-1721) được phong Chánh suất đội, tước Hùng tài hầu, chỉ sinh một con gái.

Lĩnh nam công Nguyễn Quỳnh (1675-1735), đời thứ năm, đỗ tam trường lúc 19 tuổi, làm nho sinh ở cục Tú lâm. Về sau, ông được Trấn tướng Nghệ An Trung quận công Lê Thì Liêu dùng làm mặc khách, chuyên việc giao thiệp với Đàng Trong, giữ chức Chánh đội trưởng coi đội quân Thắng hữu, rồi về quê đọc sách, hưởng cảnh an nhàn. Ông sinh 6 con trai. Con trưởng là Nguyễn Huệ, mất sớm. Con thứ hai là Nguyễn Nghiễm, có 12 con trai, lập thành chi Giáp. Con thứ ba là Nguyễn Trọng, có 17 con trai, lập thành chi Ất. Ba người sau là Nguyễn Tín, Nguyễn Sĩ, Nguyễn Huyền đều có con cháu, nay lập thành hai chi Bính và Đinh.

Tìm hiểu gia phả dòng họ này ta thấy, mặc dù gia tộc từng có truyền thống khoa cử nhưng tính từ Nguyễn Miện rồi Nguyễn Nhiệm và các đời kế tiếp (Nguyễn Ổn, Nguyễn Thể...) cũng chỉ chủ yếu theo nghề võ. Đến Nguyễn Quỳnh buổi đầu theo võ nhưng đã thiên hướng sách vở, văn chương. Hồi trẻ ông tài văn chương nổi tiếng, năm 1693, thi Hương đậu tam trường rồi được làm Nho sinh ở cục Tú lâm, thường được vào hầu ở cung Tiềm để của thái tử. Ông là người có ảnh hưởng mang tính quyết định thiên hướng và sự nghiệp của con cháu về sau. Từ đời thứ sáu, dòng họ này không những có con cháu đông đúc hơn nhiều mà có sự phát triển vượt bậc về khoa cử và hoạn lộ.

Sự nghiệp học vấn và văn chương

Chưa đầy 200 năm, từ giữa thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 20, họ Nguyễn Tiên Điền có 5 người đỗ đại khoa, 7 người là hương cống/cử nhân và 7 người là tam trường/tú tài. Nguyễn Quỳnh, người đỗ tam trường đầu tiên trong họ, có 6 con trai thì 2 người đỗ đại khoa là Tiến sĩ Nguyễn Huệ, Hoàng giáp Nguyễn Nghiễm, 1 người đỗ Hương cống là Nguyễn Trọng, 1 người đỗ sinh đồ là Nguyễn Sỹ. Trong 12 con trai của Nguyễn Nghiễm có 1 đại khoa là Tiến sĩ Nguyễn Khản, 5 Hương cống.

Không chỉ học hành đỗ đạt mà còn hanh thông hoạn lộ. Cha con, anh em đứng đầu trong triều ngoài quận thời Lê-Trịnh từ Thượng thư, Tư đồ, Tham tụng, Bồi tụng; Tham đốc, Đô chỉ huy lĩnh Trấn thủ, tước công, hầu... đều có. Có câu: “Bao giờ ngàn Hống hết cây/ Sông Rum hết nước, họ này hết quan” là vì vậy.

Dạy học là một truyền thống của họ Nguyễn. Hoàng giáp Nguyễn Nghiễm là nhà giáo có công rèn dạy hàng chục nhà khoa bảng, trong đó có Tiến sĩ Ngô Phúc Lâm, Hương cống Nguyễn Thiếp. Nguyễn Khản từng làm Tả tư giảng, thầy học của vua Lê, chúa Trịnh. Nguyễn Nhưng, Nguyễn Đăng, Nguyễn Tùng... đều ở nhà “dạy học, làm thuốc, làm địa lý, bói toán...” (gia phả).

Dòng họ này nổi bật nhất là sự nghiệp văn chương. Nhiều tác gia, tác phẩm nổi tiếng không chỉ lúc đương thời mà còn có sức sống dài lâu trong lịch sử. Người làm rạng danh cho họ Nguyễn Tiên Điền nhất là Nguyễn Du, với Thanh Hiên tiền hậu tập, Bắc hành tạp lục, Nam trung tạp ngâm, Văn tế thập loại chúng sinh... và đặc biệt là Truyện Kiều. Cùng với văn nhân của dòng họ Nguyễn Tràng Lưu (Can Lộc) như Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Quýnh, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Hổ, Nguyễn Huy Vinh... các văn nhân họ Nguyễn Tiên Điền đã tạo nên một Văn phái Hồng Sơn nổi tiếng.

Ngoài văn học, người họ Nguyễn còn có nhiều trứ tác thuộc nhiều lĩnh vực khác như: Từ ấu chân kinh quyết nghị tập và Dịch kinh quyết nghị của Nguyễn Quỳnh; Quan trung liệu vịnh, Việt sử bị lãm, Lạng Sơn đoàn thành đồ chí, Xuân đình tạp vịnh, Cổ lễ nhạc chương thi văn tạp của Nguyễn Nghiễm; Huyền cơ đạo thuật bí thư của Nguyễn Thiện; Thiên địa nhân vật sự của Nguyễn Hành...

Không những thế, người họ Nguyễn còn nổi tiếng giỏi y, lý, số. Về nghề thuốc có Nguyễn Nhiệm với bộ sách Nam Dương tập yếu kinh nguyên. Hậu duệ có nhiều người nối nghiệp trở thành danh y như Nguyễn Trọng, Nguyễn Nghi, Nguyễn Nhưng, Nguyễn Thị Uyên... và nổi tiếng nhất là “thánh y” Nguyễn Cảnh. Về tinh thông địa lý thì nổi tiếng nhất là Nguyễn Quỳnh với sách Đại hiếu chân kinh.

Mối duyên văn với kinh thành

Nguyễn Tiên Điền là một dòng họ quan lại nhiều thăng trầm trước các biến cố lịch sử. Nhưng trước hết và quan trọng hơn, đây là một dòng họ văn hóa có nhiều thành tựu học vấn và văn chương nổi bật, góp phần xứng đáng vào hành trình văn hóa, văn hiến xứ Nghệ và cả nước. Bên cạnh các tác phẩm y học, sử học, địa lý... các tác phẩm văn chương của dòng họ này không chỉ viết về mình, bộc lộ cái tôi cá nhân mà còn thể hiện tính nhân văn rất sâu sắc khi viết về cuộc sống của các tầng lớp nhân dân, đánh dấu bước phát triển mới của văn học trung đại nước nhà.

Lý giải về hiện tượng văn hóa độc đáo này, nhiều người nhận định, ngoài truyền thống lâu đời của dòng họ, đây là kết quả của quá trình tiếp xúc giữa truyền thống, tinh hoa văn hóa xứ Nghệ với văn hóa kinh kỳ Thăng Long và xứ Huế mà các văn nhân dòng họ này là đại diện. Họ đã tiếp thu, tích hợp, làm thăng hoa các giá trị văn hóa kinh kỳ và dân gian xứ Nghệ trong các tác phẩm của mình để tạo nên diện mạo và giá trị mới.

Thêm một điều cần nói là, trong sự tồn tại của mình, dòng họ này đã xây dựng được gia phong và truyền thống văn hóa của mình. Truyền thống gia phong và văn hóa đã trở thành nền tảng và động lực sáng tạo, phát triển của dòng họ.

Bài và ảnh: VĨNH KHÁNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/ho-nguyen-tien-dien-trong-lich-su-dan-toc-636208