Hồ sơ đề nghị suy tôn liệt sĩ cho bà Hoàng Thị Kính được ngành chức năng trả lời không đủ điều kiện
Cuối tháng 7/2023, sau khi tiếp nhận tâm thư của gia đình ông Nguyễn Văn Hạnh (sinh năm 1958), hiện đang sống tại thôn Nam Sơn, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh về việc mong muốn chính quyền các cấp giải quyết hồ sơ đề nghị suy tôn liệt sĩ cho mẹ ông là bà Hoàng Thị Kính (sinh năm 1933), phóng viên Báo Quảng Trị đã làm việc với gia đình, UBND xã Vĩnh Sơn và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) để tìm hiểu rõ hơn sự việc này.
Kiên trì làm hồ sơ đề nghị suy tôn liệt sĩ cho mẹ
Trao đổi với phóng viên, vợ chồng ông Nguyễn Văn Hạnh cho biết, từ năm 2001 đến nay, gia đình đã liên tục gửi hồ sơ đề nghị suy tôn liệt sĩ cho mẹ là bà Hoàng Thị Kính đến chính quyền các cấp nhưng không hiểu vì lý do gì mà hồ sơ không được hoàn thành.
Cụ thể, năm 1956, bà Hoàng Thị Kính là nữ hộ sinh thuộc biên chế của Bệnh viện Đa khoa huyện Vĩnh Linh (nay là Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Linh) được cử về xã Vĩnh Sơn công tác.
Tháng 11/1966, lúc đang trên đường đi đỡ đẻ về nhà, máy bay Mỹ ném bom, bà cùng với 4 người khác vào hầm trú ẩn nhưng không may bom nổ sập hầm. Sự hy sinh của mẹ ông là nỗi mất mát rất lớn với gia đình.
Tuy nhiên, trong số những người đã hy sinh năm đó, có một trường hợp đã được suy tôn liệt sĩ nhưng mẹ của ông thì không. 22 năm qua, với sự làm chứng của rất nhiều người sống, chiến đấu cùng thời điểm với bà và sự đồng thuận, ủng hộ của Chi bộ, Nhân dân thôn Nam Sơn, gia đình ông Hạnh đã xuôi ngược từ xã, huyện đến tỉnh để đề nghị suy tôn liệt sĩ cho mẹ nhưng chưa có kết quả.
Quá trình trò chuyện, ông Hạnh cung cấp cho phóng viên một số giấy tờ chứng minh mẹ của ông hy sinh trong quá trình làm nhiệm vụ như: giấy xác nhận của 2 nhân chứng là ông Lê Đức Tại, thời điểm đó là Trung đội trưởng dân quân và ông Nguyễn Duy Ly, lúc đó làm Xã đội phó, trong đó các nhân chứng nêu rõ: “chị Hoàng Thị Kính đi công tác, trên đường về nhà bị bom ném chết trong hầm ếch, dọc sông. Nếu sau này có gì không đúng, tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm”.
Bên cạnh đó, tên của mẹ ông Hạnh hiện cũng nằm trong danh sách cán bộ y tế hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (chưa được suy tôn liệt sĩ) của Phòng Y tế huyện Vĩnh Linh; trong cuốn Lịch sử ngành y tế Vĩnh Linh (xuất bản năm 2015) và trên nhà bia liệt sĩ của ngành y tế Vĩnh Linh (Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Linh). Bà Hoàng Thị Kính còn được Chủ tịch nước Trần Đức Lương truy tặng Huy chương Kháng chiến hạng Nhất vào ngày 17/12/1999 vì đã có thành tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Hồ sơ đề nghị suy tôn liệt sĩ không đủ điều kiện
Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo Quảng Trị đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn Thân Trọng Dũng. Ông Dũng cho biết, những năm qua, gia đình ông Hạnh đã nhiều lần gửi hồ sơ đề nghị suy tôn liệt sĩ cho bà Hoàng Thị Kính. Trước đó tại Biên bản kết luận của Hội đồng xét duyệt hồ sơ Tiền khởi nghĩa - Đề nghị suy tôn liệt sĩ - Đề nghị khám thương binh xã Vĩnh Sơn ngày 8 - 9/8/2001 đã nêu rõ, hồ sơ đề nghị suy tôn liệt sĩ của bà Hoàng Thị Kính không đủ điều kiện với lý do: “Là nữ hộ sinh, không trực tiếp phục vụ chiến đấu. Chỉ đỡ đẻ”.
Ngày 17/7/2018, gia đình tiếp tục có đơn đề nghị xác nhận liệt sĩ. Ngày 15/1/2019, UBND xã Vĩnh Sơn đã tiến hành tổ chức họp Hội đồng xác nhận người có công xã để xét đề nghị suy tôn liệt sĩ cho người có công với cách mạng trên địa bàn xã, trong đó có hồ sơ đề nghị suy tôn liệt sĩ cho bà Hoàng Thị Kính. Cuộc họp có sự tham gia của đại diện lãnh đạo Phòng LĐ-TB&XH huyện Vĩnh Linh.
Tại đây, căn cứ trên các văn bản, hồ sơ, tài liệu như: danh sách cán bộ y tế hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (chưa được suy tôn liệt sĩ) của Phòng Y tế huyện Vĩnh Linh ngày 11/1/1978 ghi rõ trường hợp bà Hoàng Thị Kính là “Bị bom sập hầm chết tại nhà”; bà Hoàng Thị Kính mặc dù có tên trong cuốn Lịch sử ngành y tế và có tên trên nhà bia tưởng niệm liệt sĩ ngành y tế tại Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Linh nhưng tại Danh sách cán bộ y tế hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Phòng Y tế Vĩnh Linh ngày 11/1/1978 thì ghi chưa được suy tôn liệt sĩ, như vậy giữa 2 văn bản không khớp nhau.
Đồng thời biên bản kết luận ngày 8 - 9/8/2001 của Hội đồng xét duyệt hồ sơ Tiền khởi nghĩa - Đề nghị suy tôn liệt sĩ - Đề nghị khám thương binh của xã Vĩnh Sơn đã kết luận hồ sơ đề nghị suy tôn liệt sĩ của bà Hoàng Thị Kính không đủ điều kiện với lý do: “Là nữ hộ sinh, không trực tiếp phục vụ chiến đấu. Chỉ đỡ đẻ”, hội đồng đã thảo luận, xem xét kỹ lưỡng và đưa ra kết luận hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ của bà Hoàng Thị Kính không đủ điều kiện xác nhận liệt sĩ theo quy định hiện hành. UBND xã đã có Công văn số 11/CV-UBND ngày 4/3/2019 về việc trả lời hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ cho bà Hoàng Thị Kính gửi tới gia đình.
Ngày 17/1/2020, UBND huyện Vĩnh Linh cũng có Báo cáo số 17/BC-UBND lên cấp trên về việc giải quyết hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ đối với bà Hoàng Thị Kính. Căn cứ theo quy định tại điểm a, điểm b, khoản 1, điều 17 của Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; quy định về điều kiện xác nhận liệt sĩ: là người chiến đấu bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia; trực tiếp phục vụ chiến đấu trong khi địch bắn phá: tải đạn, cứu thương, tải thương, đảm bảo thông tin liên lạc, cứu chữa kho hàng, bảo vệ hàng hóa và các trường hợp đảm bảo chiến đấu.
Đồng thời, căn cứ theo quy định tại khoản 2, mục 3 của Quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng ban hành kèm theo Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH ngày 20/3/2017 của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH quy định “Không xem xét đối với các trường hợp đã được cơ quan có thẩm quyền kết luận không đủ điều kiện xác nhận liệt sĩ, thương binh theo quy định pháp luật”. UBND huyện Vĩnh Linh cho rằng trường hợp hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ đối với bà Hoàng Thị Kính được trả lời không đủ điều kiện xác nhận là đúng theo quy định hiện hành.
Phóng viên Báo Quảng Trị cũng đã làm việc với Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hoàng Tuấn Anh để tìm hiểu thêm về câu chuyện này và được trả lời là việc xác nhận hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ đối với bà Hoàng Thị Kính không đủ điều kiện là đúng thẩm quyền và đúng quy định của Nhà nước quy định tiêu chuẩn, điều kiện xem xét công nhận liệt sĩ.
“Hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ đối với bà Hoàng Thị Kính được thành lập vào năm 2001. Đối chiếu theo Nghị định số 28/CP ngày 29/4/1995 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ, gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng, trường hợp của bà Hoàng Thị Kính lại không nằm trong các trường hợp được công nhận liệt sĩ. Các bằng chứng như danh sách cán bộ y tế hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; bia liệt sĩ của ngành y tế Vĩnh Linh; lịch sử ngành y tế Vĩnh Linh hay xác nhận của nhân chứng sống chỉ là một trong những yếu tố để các cấp có thẩm quyền nghiên cứu, xem xét chứ không thể coi đó là yếu tố quyết định để công nhận liệt sĩ”, ông Tuấn Anh nói.