Hồ sơ Gene 304 và chuyện những người trẻ 'viết tiếp câu chuyện non sông'

Sau gần ba tháng, dự án Hồ sơ Gene 304 đã lựa chọn vinh danh một số video xuất sắc ghi lại câu chuyện cảm động của những cựu chiến binh trong kháng chiến chống Mỹ. Những câu chuyện giản dị ấy được các bạn trẻ lưu lại, nhằm lan tỏa ký ức hào hùng về những con người đã góp phần làm nên chiến thắng lịch sử của dân tộc.

Lan tỏa những câu chuyện bình dị mà xúc động

Với tinh thần tri ân và lưu giữ ký ức hào hùng của dân tộc, dự án truyền thông Hồ sơ Gene 304 do Media AI Lab phối hợp Công ty Cổ phần GeneStory khởi xướng, khuyến khích và kêu gọi thế hệ trẻ sưu tầm, ghi chép và lan tỏa những câu chuyện về những con người đã góp phần vào cuộc kháng chiến của dân tộc, làm nên chiến thắng lịch sử 30/4/1975.

 Đại tá Đinh Quốc, Kỳ, nguyên sĩ quan liên lạc Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam (Đoàn B) tại Trại David, trao tặng tư liệu cho Ban tổ chức của dự án Hồ sơ Gene 304.

Đại tá Đinh Quốc, Kỳ, nguyên sĩ quan liên lạc Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam (Đoàn B) tại Trại David, trao tặng tư liệu cho Ban tổ chức của dự án Hồ sơ Gene 304.

Tập “Hồ sơ Gene 304” được mở đúng vào một khoảnh khắc đáng nhớ: 11 giờ 30 phút ngày 30/4/2025. Thời khắc này giúp những người trẻ nhớ lại thời điểm 50 năm của ngày thống nhất đất nước, ghi một mốc son chói lọi, đánh dấu thắng lợi vẻ vang của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước.

Dự án mong muốn các bạn trẻ chia sẻ video, ghi âm, hình ảnh và hiện vật về ký ức kháng chiến của ông bà, người thân.

Dự án truyền thông Hồ sơ Gene 304 do Media AI Lab phối hợp Công ty Cổ phần GeneStory khởi xướng, khuyến khích và kêu gọi thế hệ trẻ sưu tầm, ghi chép và lan tỏa những câu chuyện về những con người đã góp phần vào cuộc kháng chiến của dân tộc, làm nên chiến thắng lịch sử 30/4/1975.

Kể từ khi khởi động dự án vào ngày 30/4/2025, “Hồ sơ Gene 304” đã có nhiều bước phát triển đáng nhớ.

Trong hành trình đầu tiên gần ba tháng qua, Hồ sơ Gene 304 đã xây dựng thành công 2 buổi tọa đàm - tập huấn kể chuyện bằng điện thoại di động với chủ đề “Viết tiếp câu chuyện non sông”.

Các chương trình này được triển khai tại Trường trung học phổ thông Lương Ngọc Quyến (tỉnh Thái Nguyên) và Trường đại học Văn Lang (Thành phố Hồ Chí Minh).

Tại đây, các bạn học sinh-sinh viên đã có cơ hội trò chuyện trực tiếp với những cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong đã trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Các bạn cũng được tập huấn kỹ càng cách kể chuyện bằng điện thoại, hướng dẫn tạo mẫu kịch bản, gợi ý các câu hỏi phỏng vấn cũng như xây dựng bố cục và hình ảnh trong các video, từ đó có được các sản phẩm hoàn thiện gửi dự thi.

 Đại biểu cựu chiến binh tại lễ trao giải video xuất sắc của đợt sơ kết giai đoạn 1 Hồ sơ Gene 304.

Đại biểu cựu chiến binh tại lễ trao giải video xuất sắc của đợt sơ kết giai đoạn 1 Hồ sơ Gene 304.

Giai đoạn 1 của Hồ sơ Gene 304 đã nhận được nhiều tác phẩm video sinh động, kể lại những câu chuyện đầy ý nghĩa của các cựu chiến binh do chính các bạn trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường thực hiện. Có những câu chuyện của những cựu chiến binh thực sự cảm động, chạm tới cảm xúc của người xem.

Đó là câu chuyện xúc động của cựu thanh niên xung phong Trần Thị Hoài khi phải nuốt nước mắt chôn xác 62 đồng đội hy sinh khi giặc Mỹ ném bom tại ga Lưu Xá, tỉnh Thái Nguyên.

Ngày đó, vào thời điểm khốc liệt nhất trong chiến dịch 12 ngày đêm giặc Mỹ leo thang bắn phá miền bắc nước ta, đêm 24/12/1972, lực lượng bộ đội và thanh niên xung phong của Đại đội 915, Đội 91 đã giải tỏa gấp khoảng 20 nghìn tấn vũ khí, hàng hóa tại ga Lưu Xá. Khi mọi người chuẩn bị ăn cơm tối, nhiều tốp máy bay Mỹ ào ạt trút bom xuống ga, trúng hầm trú ẩn làm 60 thanh niên xung phong và 2 thủ kho thuộc Ty Lương thực Bắc Thái hy sinh tại chỗ. Nhiều người trong số họ ra đi khi vừa 18-20 tuổi, chưa lập gia đình, mất khi tuổi đời còn quá trẻ.

Nén đau thương, bác Hoài cùng bạn bè phải đi chôn xác 62 đồng đội ngay trong ngày. Bản thân bác đã được chính bố mẹ lập bàn thờ, vì tưởng rằng con mình đã hy sinh.

Đó là câu chuyện của cựu chiến sĩ đặc công Nguyễn Viết Quản, phải một mình mang xác đồng đội đã hy sinh và cõng trên lưng một đồng đội bị thương nặng, băng qua tuyến lửa.

Hay câu chuyện của cựu chiến binh Vũ Hồng Ninh (Thành phố Hồ Chí Minh), nguyên Đại tá, cán bộ Binh chủng Đặc công. Trải qua nhiều gian khổ ở chiến trường miền nam, nhưng một trong những giây phút cảm động nhất trong cuộc đời ông là nhận lá thư của mẹ nơi chiến trường sau 5 năm lên đường nhập ngũ. Nước mắt của người lính trẻ rơi giữa chiến trường không phải vì sợ hãi, mà vì một lá thư của người mẹ. Giữa bom đạn khốc liệt, người lính ấy luôn mang trong tim một khát vọng giản dị: được sống sót để trở về bên mẹ.

Vào giây phút đứng ở sân của Dinh Độc Lập vào trưa ngày 30/4/1975, “khi nhìn thấy lá cờ của đại úy Bùi Quang Thận tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, tôi lặng người, bởi từ bây giờ mình không còn phải đánh nhau, không còn ai phải chết chóc trong chiến tranh nữa”, ông bùi ngùi nói.

Và những người cựu chiến binh năm nào cũng luôn gửi gắm một niềm tin vào thế hệ trẻ, kỳ vọng họ sẽ nỗ lực học tập, trau dồi, hiểu thêm về lịch sử của đất nước và kế tiếp truyền thống của thế hệ đi trước.

Góp phần lưu giữ những ký ức hào hùng của dân tộc

 Đại diện nhóm tác giả nhận giải Nhì của đợt sơ kết giai đoạn 1 của Hồ sơ Gene 304.

Đại diện nhóm tác giả nhận giải Nhì của đợt sơ kết giai đoạn 1 của Hồ sơ Gene 304.

Chương trình sơ kết trao giải video xuất sắc đợt 1 của dự án “Hồ sơ Gene 304: Viết tiếp câu chuyện non sông” đã được tổ chức vào đúng dịp kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ. Đợt sơ kết đầu tiên của dự án đã lựa chọn trao 7 giải thưởng.

Nhà báo Tạ Bích Loan, người sáng lập Dự án Hồ sơ Gene 304, cho biết, chương trình là một nén tâm hương của các bạn trẻ làm về những cựu chiến binh trong thời chiến, lưu giữ những ký ức hào hùng của dân tộc, cũng là cách để họ sống mãi trong dòng chảy lịch sử của đất nước.

Tiến sĩ Võ Văn Tuấn, Phó Hiệu trưởng thường trực, Trưởng Khoa Quan hệ công chúng-Truyền thông (Trường đại học Văn Lang), đánh giá, việc gặp gỡ và lắng nghe câu chuyện của các cựu chiến binh giúp cho các bạn trẻ, đặc biệt là sinh viên Khoa Quan hệ công chúng-Truyền thông của Trường đại học Văn Lang, có cách tiếp cận cởi mở, gần gũi hơn với lịch sử đất nước. Dự án cũng là một mô hình kể chuyện lịch sử hiện đại và đặc biệt phù hợp với lứa tuổi học sinh-sinh viên, có khả năng lan tỏa nhận thức của giới trẻ về trách nhiệm lịch sử và trách nhiệm công dân với đất nước, giúp họ sống ý nghĩa hơn.

Dự án “Hồ sơ Gene 304” sẽ vẫn tiếp tục trong thời gian tới, với kỳ vọng sẽ nhận thêm nhiều sản phẩm của các bạn trẻ trên cả nước. Dự kiến, thời điểm sơ kết cho đợt tiếp theo của dự án sẽ diễn ra vào dịp kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12/2025.

Các video xuất sắc của “Hồ sơ Gene 304” đợt 1:

* 1 giải nhất: Câu chuyện "Phút giây lịch sử 30/4/1975 và cảm xúc hòa bình" của Đại tá Vũ Hồng Ninh, nguyên cán bộ Đoàn 116, Binh chủng Đặc công.

Tác giả: Lê Bảo Trân, Võ Minh Toàn, Nguyễn Hạnh Viên, Nguyễn Thị Hồng Vân, Nguyễn Thanh Trúc (Trường đại học Văn Lang)

- 1 giải Nhì: Chuyện kể "Lòng dân che chở bộ đội" của cựu chiến binh Nguyễn Duy Tiên, Dũng sĩ diệt Mỹ cấp 3, Dũng sĩ Quyết thắng cấp ba, từng tham gia chiến đấu tại đồng bằng sông Cửu Long (Hội Cựu chiến binh Thái Nguyên)

Tác giả: Hoàng Trang Ngân, Nguyễn Mai Hân, Nguyễn Vũ Thắng, Nghiêm Thành Công (Trường trung học phổ thông Lương Ngọc Quyến, Thái Nguyên)

* 2 giải Ba:

+ Câu chuyện "Sáng kiến đưa đồng đội ra khỏi vòng vây an toàn" của Bác Nguyễn Viết Quản - Đoàn 116, Binh chủng Đặc công: Nguyễn Mỹ Quyên, Phạm Công Việt (Trường đại học Văn Lang)

+ Câu chuyện "Dũng cảm hoàn thành nhiệm vụ sau trận bom vào Ga Lưu xá 12/1972" của bác Trần Thị Hoài, cựu thanh niên xung phong Thái Nguyên.

Tác giả: Vũ Hồng Anh, Đỗ Thị Yến Nhi, Nguyễn Thị Bích Loan (Trường trung học phổ thông Lương Ngọc Quyến, Thái Nguyên), Đỗ Lan Anh (Học viện Ngoại giao)

* 2 giải khuyến khích

+ Câu chuyện "Tình yêu quê hương là vũ khí" của cựu chiến binh Chu Văn Tiếp (Thái Nguyên), nguyên cán bộ Tiểu đoàn 19, Đoàn 116 Đặc công.

Tác giả: Bùi Thị Mai Duyên, Phan Trọng Phúc (Trường đại học Văn Lang)

+ Câu chuyện “Gian khổ mấy cũng không nản lòng” của cựu chiến binh Nguyễn Văn Hùng, người thực hiện nhiệm vụ đặt mìn ở sân bay Thành Sơn Phan Rang tháng 4/1975.

Tác giả: Ma Ngọc Linh, Bùi Nguyễn Nguyệt Anh, Nguyễn Trí Dũng (Trường trung học phổ thông Lương Ngọc Quyến), Khánh Quỳnh (Học viện Ngoại giao).

* Video được Ban giám khảo yêu thích: Câu chuyện "Sự dũng cảm của người lính thông tin", cựu chiến binh Phan Quốc Minh (Bộ Tư lệnh Thông tin)

Tác giả: Ngô Thị Thùy Giang (GeneStory)

XUÂN ANH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ho-so-gene-304-va-chuyen-nhung-nguoi-tre-viet-tiep-cau-chuyen-non-song-post896527.html