Hồ sơ không nổi bật, nữ sinh Hà Tĩnh làm gì để đạt học bổng toàn phần tại Nhật?

Không muốn tạo áp lực tài chính cho gia đình, Quỳnh Anh đã giành 2 học bổng toàn phần từ Nhật Bản với tổng trị giá 4,5 tỷ đồng.

Đặt mục tiêu và chăm chỉ trong học tập, Phạm Trần Quỳnh Anh (cựu học sinh Trường Trung học phổ thông Chuyên Hà Tĩnh) xuất sắc giành 2 học bổng toàn phần từ Đại học Ritsumeikan và Đại học Hyogo của Nhật Bản với tổng trị giá 4,5 tỷ đồng.

Không ngại thất bại sau nhiều lần bị từ chối

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, em Phạm Trần Quỳnh Anh cho biết: “Tháng 4/2024, em bất ngờ nhận được thư tiến cử học bổng toàn phần Chính phủ Nhật Bản năm 2024 từ Hội đồng trường Đại học Ritsumeikan. Một thời gian ngắn sau đó, em tiếp tục nhận thêm thông tin đạt học bổng toàn phần của Đại học Hyogo cũng tại Nhật Bản.

Em không dám kỳ vọng quá nhiều vì các học bổng này có tính cạnh tranh rất cao. Thế nên, khi biết mình được lựa chọn, kết quả này với em là một giấc mơ."

Để đạt được những suất học bổng danh giá này, ứng viên phải đáp ứng hàng loạt yêu cầu nghiêm ngặt, từ thành tích học tập, bài luận cá nhân, thư giới thiệu, đến chứng chỉ ngoại ngữ và các hoạt động ngoại khóa nổi bật.

 Phạm Trần Quỳnh Anh (cựu học sinh Trường Trung học phổ thông Chuyên Hà Tĩnh) xuất sắc giành 2 học bổng toàn phần từ Đại học Ritsumeikan và Đại học Hyogo của Nhật Bản với tổng trị giá 4,5 tỷ đồng. Ảnh: NVCC

Phạm Trần Quỳnh Anh (cựu học sinh Trường Trung học phổ thông Chuyên Hà Tĩnh) xuất sắc giành 2 học bổng toàn phần từ Đại học Ritsumeikan và Đại học Hyogo của Nhật Bản với tổng trị giá 4,5 tỷ đồng. Ảnh: NVCC

Quỳnh Anh chia sẻ, từ khi đặt chân vào Trường Trung học Phổ thông Chuyên Hà Tĩnh, em đã nuôi dưỡng ước mơ du học và tự đặt ra cho mình những mục tiêu cụ thể. Nhờ định hướng rõ ràng ngay từ sớm, em từng bước xây dựng con đường học tập phù hợp với khát vọng của mình.

Năm lớp 10 và 11, em tập trung vào học tiếng Anh để lấy các chứng chỉ cần thiết và đã đạt được điểm IELTS cần thiết, phần thời gian còn lại tham gia vào hoạt động ngoại khóa, tình nguyện viên...

Đến năm 12, Quỳnh Anh tập trung hoàn thiện hồ sơ du học cho và chọn đăng ký, nộp hồ sơ vào 2 trường đại học ở Nhật Bản là Hyogo và Ritsumeikan.

Theo đó, mỗi năm, Đại học Ritsumeikan chỉ dành 6 suất học bổng toàn phần và tỷ lệ chọi khá cao khi có hằng trăm hồ sơ đăng ký dự tuyển. Đối với sinh viên khoa Giáo dục khai phóng toàn cầu sẽ được học theo chương trình bằng kép giữa Đại học Ritsumeikan và Trường Đại học Quốc gia Úc (xếp thứ 1 tại Úc và 27 trên thế giới), gồm 3 năm tại Nhật và 1 năm tại Úc.

“Em rất bất ngờ khi mục tiêu khởi đầu đã giúp em chạm tới ước mơ giành được 2 suất học bổng toàn phần từ Đại học Hyogo và Đại học Ritsumeikan với tổng trị giá khoảng 4,5 tỷ đồng.

Mặc dù ấp ủ giấc mơ du học từ sớm nhưng điều kiện kinh tế gia đình không quá dư dả nên em rất cân nhắc trong việc lựa chọn các trường để nộp hồ sơ và mong muốn của em là giành học bổng 100%. Mục đích ban đầu của em là đăng ký để lấy kinh nghiệm. Nhưng không ngờ lại có kết quả tốt như vậy. Để thực hiện ước mơ, sắp tới em sẽ quyết định theo học tại khoa Giáo dục khai phóng toàn cầu tại Đại học Ritsumeikan ”, Quỳnh Anh cho biết

Chia sẻ về việc giành được học bổng toàn phần, nữ sinh cho biết, từng đối mặt với nhiều lần bị từ chối. Tuy nhiên, thay vì nản lòng, em coi mỗi thất bại là một bài học quý giá để tự hoàn thiện và tiếp tục tiến bước. Thông qua các hoạt động ngoại khóa, em không chỉ phát triển bản thân mà còn khám phá được khả năng của mình một cách rõ ràng hơn, nhận ra thế mạnh cũng như những khía cạnh cần cải thiện.

Bên cạnh đó, quá trình xin học bổng tốn nhiều thời gian và công sức, tâm huyết để thực hiện bài luận xin học bổng. Riêng về bài luận bằng tiếng Anh của 2 trường đại học là khó nhất khi giới hạn số lượng chữ từ 200-500. Em phải chọn lọc ý và từ ngữ kỹ càng để thể hiện đầy đủ được những thứ mình muốn, phong cách cá nhân…

Bài luận của Quỳnh Anh chủ yếu tập trung vào những kinh nghiệm em tích lũy được trong suốt 3 năm theo học tại trường trung học phổ thông, những bài học tự đúc kết qua từng giai đoạn trong cuộc sống và các mối quan hệ. Bên cạnh đó là lý do em muốn chọn du học Nhật Bản.

Về bí quyết để làm hồ sơ nổi bật, theo Quỳnh Anh đó là việc tự tìm hiểu các thông tin cần thiết về trường. Việc tự tìm hiểu, giúp em hiểu rõ hơn về ngôi trường em theo học, mục tiêu phát triển của nhà trường để tìm thấy sự liên kết với bản thân. Đây cũng là một trải nghiệm thú vị đáng để thử thách mình.

 Thư tiến cử học bổng toàn phần Chính phủ Nhật Bản từ Trường Đại học Ritsumeikan của Quỳnh Anh. Ảnh: NVCC

Thư tiến cử học bổng toàn phần Chính phủ Nhật Bản từ Trường Đại học Ritsumeikan của Quỳnh Anh. Ảnh: NVCC

Tự nhận thành tích của mình khá khiêm tốn so với các ứng viên khác, Quỳnh Anh cho biết : “Em nghĩ hồ sơ của mình không quá nổi bật khi chỉ có một số hoạt động ngoại khóa.

Thế nhưng, yếu tố giúp em đạt được học bổng là cách thể hiện được việc mình đã trưởng thành như nào qua từng hoạt động ngoại khóa, những bài học, kiến thức, kinh nghiệm, trải nghiệm mà mình có.

Số lượng luôn không bằng chất lượng, dẫu các bạn có chỉ 1-2 hoạt động ngoại khóa nhưng đều cống hiến hết sức và thể hiện được sự thay đổi của bản thân qua từng hoạt động, từng năm học. Từ đó sẽ có trải nghiệm, cảm xúc khác nhau, cách chọn lọc, sắp xếp và diễn tả sẽ là chìa khóa để ban giám khảo có thể nhớ và ấn tượng với bài luận”

Theo Quỳnh Anh, thời điểm chuẩn bị hồ sơ, khó khăn nhất có lẽ là cân bằng giữa việc tiếp tục ôn thi vào các trường đại học trong nước và nộp hồ sơ du học. Ngoại trừ những lúc học ở trường thì chỉ cần có một chút thời gian rảnh em lại tập trung viết bài luận. Có những ngày, em chỉ ngủ từ 3-6 tiếng để vừa học vừa đảm bảo hồ sơ ứng tuyển du học của mình được chỉn chu, hoàn hảo nhất có thể.

EM hi vọng các bạn cũng đang có dự định xin học bổng, nếu có thể chủ động hơn trong việc bắt đầu viết luận, hãy cố gắng viết sớm nhất có thể, để tới giai đoạn lớp 12 sẽ bớt đi phần nào áp lực từ việc ôn thi trong nước đến nộp hồ sơ đi du học.

Uớc mơ trở thành nhà cố vấn phát triển cho các tập đoàn

Không chỉ luôn cố gắng trong học tập mà Quỳnh Anh cũng thường xuyên tham gia các hoạt động xã hội, ngoại khóa để thử thách bản thân, tạo môi trường học tập và rèn luyện.

Quỳnh Anh từng đảm nhiệm làm Trưởng ban Tài chính đối ngoại Câu lạc bộ Âm nhạc Shine. Vai trò này giúp nữ sinh có cơ hội được thử thách bản thân trong hoạt động đi kêu gọi các nguồn tài trợ cho những sự kiện của Câu lạc bộ. Ngoài ra, em còn là người sáng lập dự án “Bông học sử” - vẽ truyện tranh dựa trên lịch sử Việt Nam.

Quỳnh Anh chia sẻ, bản thân rất thích đọc truyện tranh, đặc biệt là truyện bằng Tiếng Anh. Vì thế sau những giờ học căng thẳng, em đọc truyện, thỏa mãn niềm đam mê và giúp nâng cao kiến thức Tiếng Anh.

Nói về dự định tương lai, Quỳnh Anh mong muốn sẽ trở thành nhà cố vấn phát triển tương lai cho các tập đoàn. Ước mơ này bắt nguồn từ việc em rất hâm mộ những người thành công, ngoài ra em cũng thường xuyên theo dõi và tham gia các chương trình từ thiện đến các mảnh đời khó khăn.

Qua trải nghiệm, em thấy chỉ từ thiện thôi không đủ mà mong muốn cống hiến cho một tương lai bền vững hơn. Đó cũng là tiêu chí của Trường Đại học Ritsumeikan – ngôi trường Quỳnh Anh dự định theo học.

Mặc dù hành trình phía trước đang còn rất nhiều thử thách nhưng Quỳnh Anh đã chuẩn bị cho mình một tâm thế vững vàng với tinh thần không ngừng học hỏi, rèn luyện để chinh phục những phiên bản tốt nhất của chính mình.

“Đây còn là ngôi trường học sinh tự chọn các môn học dựa trên sở thích và năng lực của bản thân. Do là trường quốc tế nên trường hội tụ rất đông học sinh đến từ đa quốc gia. Việc tiếp xúc và lắng nghe các vấn đề theo góc nhìn của mỗi bạn giúp em có cái nhìn đa chiều hơn”, Quỳnh Anh háo hức.

Gửi gắm tới những bạn đang có dự định xin học bổng du học, Quỳnh Anh chia sẻ, các trường sẽ đánh giá ứng viên một cách tổng quát, toàn diện với những yếu tố, năng lực khác nhau. Vì thế, không nên quá lo lắng nếu hoạt động ngoại khóa hay điểm số của mình chưa thực sự ấn tượng.

Khi tìm hiểu các trường và học bổng, để không bị quá tải thông tin, các bạn nên tìm những trường đại học có ngành học phù hợp với năng lực của mình tại các nước. Rồi sau đó em mới tìm hiểu sâu hơn, kỹ hơn để xem xét và đánh giá xem với các tiêu chí của bản thân phù hợp với học bổng nào.

Thanh Thúy

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/ho-so-khong-noi-bat-nu-sinh-ha-tinh-lam-gi-de-dat-hoc-bong-toan-phan-tai-nhat-post247852.gd