Nên cho phép chuyên viên cũng được chủ nhiệm đề tài KHCN cấp bộ

Những thay đổi về tiêu chuẩn chủ nhiệm đề tài KHCN cấp bộ nhằm nâng cao, đảm bảo chất lượng NCKH; nâng cao năng lực nghiên cứu của đội ngũ GV, nghiên cứu viên.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư số 15/2024/TT-BGDĐT quy định về quản lý đề tài khoa học và công nghệ cấp bộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 5/1/2025 và thay thế Thông tư số 11/2016/TT-BGDĐT.

So với thông tư cũ, Thông tư số 15 có một số điểm mới; đặc biệt, trong đó, yêu cầu chủ nhiệm đề tài cấp bộ là giảng viên cơ hữu, nghiên cứu viên cơ hữu của tổ chức chủ trì, có trình độ từ thạc sĩ trở lên, có chuyên môn trong lĩnh vực khoa học và công nghệ phù hợp với nội dung của đề tài, có ít nhất một công trình công bố trên tạp chí khoa học trong hoặc ngoài nước thuộc lĩnh vực nghiên cứu của đề tài trong thời gian 3 năm gần nhất.

Trong khi đó, quy định cũ chỉ yêu cầu “là giảng viên, nghiên cứu viên có trình độ từ thạc sĩ trở lên, có chuyên môn phù hợp lĩnh vực nghiên cứu của đề tài; có ít nhất một công trình công bố trên tạp chí khoa học trong hoặc ngoài nước thuộc lĩnh vực nghiên cứu hoặc lĩnh vực gần với đề tài, hoặc là chủ nhiệm đề tài cấp cơ sở trở lên đã được nghiệm thu thuộc lĩnh vực nghiên cứu trong thời hạn 5 năm gần đây”.

Thông tư này cũng nêu cụ thể các trường hợp không được phê duyệt làm chủ nhiệm đề tài cấp bộ.

Những thay đổi mang tính tích cực, phù hợp với tình hình thực tiễn

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Vũ Quảng - Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Thứ nhất, tiêu chuẩn về chủ nhiệm đề tài trong Thông tư số 15 có bổ sung điều kiện “cơ hữu” - tức là giảng viên cơ hữu, nghiên cứu viên cơ hữu của tổ chức chủ trì. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức chủ trì trong việc đánh giá năng lực đáp ứng của chủ nhiệm đề tài được tuyển chọn. Tuy nhiên, trong khối các trường, còn có đội ngũ chuyên viên có khả năng nghiên cứu nhưng Thông tư chưa đề cập tới. Đây cũng là một hạn chế cho chuyên viên khối các phòng ban của các trường tham gia nghiên cứu khoa học.

Thứ hai, thời hạn công bố công trình khoa học giảm từ 5 năm xuống 3 năm, cho thấy Bộ Giáo dục và Đào tạo chú trọng các nghiên cứu có tính mới, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Đây là điều kiện để giảng viên, nghiên cứu viên bắt buộc phải thường xuyên cập nhật, nghiên cứu khoa học và công bố các sản phẩm nghiên cứu của mình trên các tạp chí uy tín trong và ngoài nước.

Những sự thay đổi này buộc nhà trường và các viên chức trong trường phải có sự thay đổi. Tích cực nghiên cứu, rèn luyện nâng cao năng lực của bản thân, cập nhật các vấn đề mới để đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn chủ nhiệm cũng như tiêu chuẩn các sản phẩm của đề tài.

Tuy nhiên, với điều kiện chủ nhiệm theo quy định tại Thông tư số 15, đội ngũ chuyên viên của nhà trường sẽ không có khả năng làm chủ nhiệm đề tài, gây ra sự thiệt thòi lớn cho đội ngũ này”.

 Tiến sĩ Vũ Quảng - Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC.

Tiến sĩ Vũ Quảng - Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC.

Là một cá nhân trực tiếp quản lý nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp bộ, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Anh - Trưởng phòng Khoa học Công nghệ và Hợp tác quốc tế, Trường Đại học Tây Bắc cũng bày tỏ: “Những thay đổi của Thông tư rất tích cực và phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay về quy định tiêu chuẩn đối với chủ nhiệm đề tài cấp bộ.

Chủ nhiệm đề tài là cán bộ hữu cơ của nhà trường, khi nhiệm vụ giao theo tiềm lực của từng trường đại học sẽ giúp khoanh vùng phạm vi cho các đơn vị; tránh trường hợp người của đơn vị khác thực hiện nhiệm vụ của đơn vị mình.

Ngoài ra, việc thu hẹp khoảng thời gian quy định công bố công trình khoa học từ 5 năm xuống 3 năm là hoàn toàn hợp lý. Các vấn đề, hướng nghiên cứu sẽ phù hợp với xu thế phát triển của giáo dục hiện đại.

Sự thay đổi này không ảnh hưởng đến nhà trường, bởi vì trong kế hoạch chiến lược khoa học công nghệ giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn năm 2030, các tiêu chí phấn đấu đều hướng đến sự thay đổi tích cực trên. Hiện tại, nhà trường có 70% số lượng cán bộ tham gia nghiên cứu khoa học, hằng năm tăng 10%. Tính đến hiện tại, số lượng giảng viên đủ tiêu chuẩn là chủ nhiệm đề tài đạt 90%”.

Cùng bàn về vấn đề trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thạch - Giảng viên Khoa Hàng hải, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam cho biết: “Thông tư này yêu cầu rõ ràng, hợp lý và phù hợp thực tiễn. Chủ nhiệm đề tài phải là giảng viên cơ hữu và nghiên cứu viên cơ hữu của tổ chức chủ trì, đồng nghĩa với việc, cá nhân này không chỉ là những người đã có cống hiến mà còn phải đủ phẩm chất, đạo đức. Ngoài ra, việc này cũng giúp tăng cường quản lý, trách nhiệm của các nhà trường cũng như người nghiên cứu khi thực hiện đề tài.

Việc có ít nhất một công trình công bố trên tạp chí khoa học trong hoặc ngoài nước thuộc lĩnh vực nghiên cứu của đề tài trong thời gian 3 năm gần nhất là yêu cầu rất chính đáng. Người nghiên cứu cần phải tập trung vào lĩnh vực đang nghiên cứu, phải có ý tưởng, các bài báo, công trình được công bố trước đó. Với những giảng viên, nghiên cứu viên chưa có bài báo công bố gần nhất có liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu, điều này có thể sẽ trở thành khó khăn. Tuy nhiên, yêu cầu này sẽ giúp nâng cao và đảm bảo chất lượng nghiên cứu khoa học”.

Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên

Theo Tiến sĩ Vũ Quảng, mỗi đề tài cấp bộ có tối đa 10 thành viên tham gia thực hiện, đồng thời, tiêu chuẩn chủ nhiệm đề tài cấp bộ cũng có sự thay đổi quan trọng, góp phần nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ của đơn vị.

“Đối với giảng viên đã đủ tiêu chuẩn theo quy định, khi thực hiện đề tài và các sản phẩm của đề tài theo yêu cầu của Bộ, sẽ đáp ứng tốt hơn.

Đối với đội ngũ giảng viên chưa đủ điều kiện theo tiêu chuẩn, cần phải phấn đấu để đạt được những tiêu chuẩn trên, đặc biệt với đội ngũ giảng viên trẻ, chưa có điều kiện tham gia nghiên cứu và công bố khoa học.

Hiện tại, Trường Cán bộ quản lý giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 50 viên chức; nếu xét về tiêu chuẩn chủ nhiệm đề tài theo Thông tư số 15, khả năng đáp ứng được trên 80%. Việc nâng cao tiêu chuẩn sẽ giúp chất lượng giáo dục và đào tạo, chất lượng nghiên cứu khoa học ngày càng tăng lên. Các kết quả của nghiên cứu sẽ được vận dụng vào giải quyết các vấn đề thực tiễn tốt hơn, có tính ứng dụng cao hơn” - vị Hiệu trưởng phân tích.

Theo Thông tư số 15, kết quả của đề tài cấp bộ phải đáp ứng tối thiểu 2 yêu cầu: Được công bố trên các tạp chí khoa học, kỷ yếu hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế, các tạp chí khoa học, kỷ yếu hội nghị, hội thảo khoa học trong nước hoặc được xuất bản thành sách, chương sách chuyên khảo, sách tham khảo; Có kết quả đào tạo trình độ thạc sĩ, hỗ trợ đào tạo trình độ tiến sĩ hoặc có kết quả là luận cứ khoa học, giải pháp để giải quyết các vấn đề thực tiễn thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ hoặc có kết quả nghiên cứu là tài sản trí tuệ, sản phẩm ứng dụng khác.

Trao đổi về vấn đề trên, Tiến sĩ Vũ Quảng nhận định: “Các yêu cầu trên đối với một đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ được thực hiện trong khoảng thời gian 2 năm là tương đối phù hợp, các sản phẩm phản ánh kết quả nghiên cứu của chủ nhiệm và thành viên đề tài trong khoảng thời gian đó.

Nếu các giải pháp, các kết quả nghiên cứu của đề tài có tính mới, được ứng dụng vào thực tiễn, góp phần giải quyết vấn đề khó khăn trong giáo dục và đào tạo, chắc chắn sẽ nâng cao chất lượng, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên”.

Đồng quan điểm đó, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Anh cũng cho rằng, việc quy định mỗi đề tài cấp bộ có tối đa 10 thành viên tham gia thực hiện sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động của các nhóm nghiên cứu, nhất là các nghiên cứu có yếu tố bền vững. Điều này đảm bảo đúng định hướng theo Nghị định số 109/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ quy định về hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học.

“Hiện tại, Trường Đại học Tây Bắc chưa có nhóm nghiên cứu mạnh, tuy nhiên, nhờ có đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ, nhà trường đã thành lập được 7 nhóm nghiên cứu chuyên ngành và liên ngành, hướng đến đáp ứng đủ tiêu chuẩn, quy định đối với trưởng nhóm và thành viên của nhóm nghiên cứu mạnh. Chính vì vậy, tôi đánh giá rất cao giá trị mang lại từ Thông tư số 15, góp phần định hướng từng bước cho các trường phát triển theo hướng bền vững” - cô Lan Anh bày tỏ.

Bên cạnh đó, Trưởng phòng Khoa học Công nghệ và Hợp tác quốc tế cũng cho biết: “Với 2 yêu cầu của kết quả nghiên cứu (theo Thông tư số 15), Trường Đại học Tây Bắc đang thực hiện rất tốt, giải quyết được nhiệm vụ nâng cao năng lực đội ngũ, cũng như vị thế của nhà trường trong bản đồ xếp hạng các trường đại học. Trước khi có Thông tư số 15, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã định hướng nhóm sản phẩm theo quy định, do đó, từ năm 2017, số lượng công bố quốc tế tăng mạnh (đặc biệt trong nhóm ISI Q1-Q2).

Mỗi đề tài được giao, nhà trường cũng đã định hướng ưu tiên cho chủ nhiệm đang là nghiên cứu sinh hoặc phó giáo sư. Với số lượng giao từ 4-6 đề tài hằng năm, có 40-60 cán bộ tham gia đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ”.

 Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Anh - Trưởng phòng Khoa học Công nghệ và Hợp tác quốc tế, Trường Đại học Tây Bắc. Ảnh NVCC.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Anh - Trưởng phòng Khoa học Công nghệ và Hợp tác quốc tế, Trường Đại học Tây Bắc. Ảnh NVCC.

Từ những chia sẻ về thực tiễn, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Anh bày tỏ: “Hiện nay, Trường Đại học Tây Bắc là trường đại học thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng với nước bạn Lào và các tỉnh vùng Tây Bắc. Nhà trường luôn sẵn sàng trở thành các chuyên gia tin cậy nghiên cứu về giáo dục, văn hóa, dân tộc, địa lý, kinh tế - xã hội đối với khu vực.

Với số lượng giao đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ hằng năm, chưa đáp ứng được để giải quyết các vấn đề tại khu vực. Nhà trường kỳ vọng, được bộ và Nhà nước quan tâm giao trực tiếp các chương trình, đề tài nghiên cứu về Tây Bắc, để cung cấp các luận cứ cải cách đổi mới chương trình, cũng như phát triển giáo dục địa phương, kinh tế - xã hội thuộc vùng miền nói riêng và của đất nước nói chung”.

Đề nghị xem xét, bổ sung đối tượng được phép chủ nhiệm đề tài

Bên cạnh những thuận lợi mà Thông tư số 15 mang lại, Tiến sĩ Vũ Quảng đề xuất, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể xem xét, bổ sung thêm đối tượng chuyên viên có trình độ tiến sĩ và có đủ điều kiện được phép làm chủ nhiệm đề tài. Mặt khác, nếu có thể, đáp ứng mức kinh phí phù hợp với các sản phẩm của đề tài đã được đăng ký để thuận lợi hơn cho nhóm nghiên cứu trong quá trình thực hiện.

Khánh Hòa

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/nen-cho-phep-chuyen-vien-cung-duoc-chu-nhiem-de-tai-khcn-cap-bo-post247663.gd