Hồ sơ mật: Francis Walsingham - 'Ông tổ' ngành tình báo Anh
Ngay từ thời kỳ Trung cổ, tình báo Anh đã được chú trọng và đây được coi là một trong những yếu tố then chốt giúp nước này giành thắng lợi trước nhiều cường quốc.
Cộng đồng tình báo Anh ra đời từ rất sớm, được tổ chức một cách chặt chẽ, khoa học và hiệu quả. Chính phủ Anh luôn dành nhiều ưu đãi và hỗ trợ phương tiện cần thiết cho các cơ quan tình báo và luôn dành vị trí đặc biệt cho tình báo trong chiến lược xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Các hoạt động tình báo sơ khai xuất hiện ở triều đại của Nữ hoàng Elizabeth I (1558-1603) với sự ra đời của cơ quan mật vụ kiêm nhiệm cả chức năng thu thập tin tức an ninh đối nội và an ninh đối ngoại. Đứng đầu cơ quan này là Francis Walsingham, người được coi là ông tổ của tình báo Anh.
Tiểu sử
Walsingham sinh năm 1532 tại quận Kent ở đông nam nước Anh trong một gia đình quý tộc có cha là một luật sư nổi tiếng và có nhiều mối quan hệ. Ông là người say mê nghệ thuật và thơ ca, đã từng đi du lịch và học tập ở nhiều nước trên thế giới, nhưng những năm tháng sống ở Italy, đặc biệt là khi chứng kiến những thủ đoạn chính trị diễn ra trong triều đình Italy, đã ảnh hưởng sâu sắc đến tính cách cũng như sự nghiệp tình báo của Walsingham. Ông từng theo học ngành luật tại Đại học Cambridge và bắt đầu sự nghiệp luật sư của mình ở tuổi 20.
Con đường trở thành chỉ huy tình báo Anh
Sau khi Nữ hoàng Elizabeth lên ngôi vào tháng 11-1558, Walsingham trở về Anh và được bầu vào Nghị viện vào tháng 1-1559. Walsingham phụ trách vấn đề ngoại giao, đối nội và tôn giáo. Từ năm 1570 đến 1573, ông là Đại sứ Anh tại Pháp. Trong vai một nhà ngoại giao, Walsingham đã thành công trong việc gắn kết Scotland và Anh, quảng bá hình ảnh đất nước Anh như một cường quốc biển với các mối quan hệ thương mại xuyên lục địa.
Cũng chính trong giai đoạn này, Walsingham bắt đầu tiến hành các hoạt động thu thập tin tức tình báo nhằm phát hiện những âm mưu lật đổ nữ hoàng. Ông đã xây dựng được một mạng lưới điệp viên quy mô lớn. Là người nắm nhiều tin tức, có kinh nghiệm trong các lĩnh vực ngoại giao, kinh tế, chính trị cùng những thành tích đạt được, năm 1574, ông được bầu vào Hội đồng Nữ hoàng, trở thành phụ tá trực tiếp của Huân tước William Cecil, Cố vấn trưởng của Nữ hoàng và được giao phụ trách cơ quan tình báo Anh.
Với kiến thức của một luật sư, kinh nghiệm của một nhà ngoại giao, dưới sự chỉ huy của Walsingham, tình báo Anh đã trở thành một trong những cơ quan mật vụ hoạt động hiệu quả nhất châu Âu thời đó. Một trong những nguyên nhân chính làm nên thành công này là nghệ thuật chỉ đạo, cách thức tuyển dụng và sử dụng điệp viên rất hiệu quả của Walsingham.
Walsingham là vị chỉ huy hết lòng vì tổ chức tình báo Anh. Ông đã dùng chính căn nhà riêng Barn Elms tại quận Surrey của mình làm trụ sở của cơ quan mật vụ. Thậm chí bao nhiêu lương bổng ông đều dốc hết vào các hoạt động của cơ quan mật vụ. Lúc nào ông cũng có trong “trụ sở” khoảng 60 con ngựa để làm phương tiện liên lạc. Walsingham đã triển khai mạng lưới điệp viên tại hầu khắp các nước châu Âu như Italy, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp… Ông có khoảng 60 điệp viên chính ở nước ngoài và một mạng lưới điệp viên phụ được tuyển dụng cho các điệp vụ cụ thể.
Walsingham dùng hai loại điệp viên chủ yếu: Những người Italy trung thành và khéo léo (ở thời này, người Italy được coi là những người giỏi nhất về tình báo) và những nghệ sĩ, trí thức, nhà thơ, sinh viên theo đạo Thiên chúa tại hai trường đại học nổi tiếng là Oxford và Cambridge. Ông cho họ đi du học rồi phái sang hoạt động tại Tây Ban Nha, Pháp, Vatican và nhiều nước khác. Các điệp viên của ông đều là những người được tuyển chọn kỹ lưỡng và được đào tạo rất cơ bản. Một nhóm điệp viên khá thú vị khác của Walsingham là các nhà ảo thuật, thầy bói, những tay lãng tử giang hồ… Tiêu biểu phải kể đến nhà ảo thuật John Dee, “tay lãng tử” Francesce Pucci chuyên đánh cắp thư từ của Giáo hoàng.
Ở vào thời điểm mà trước đó không lâu, hoạt động tình báo vẫn chỉ là hành động của các điệp viên riêng lẻ, theo vụ việc, cách thức hoạt động đơn giản đến mức thô sơ, thì việc đào tạo và sử dụng một mạng lưới điệp viên chuyên nghiệp, có phục vụ nhiệm vụ chiến dịch và chiến lược, có chính và phụ, có chính thức và dự bị, có trong nước và ngoài nước, hoạt động trong các tổ chức liên quan trực tiếp và gián tiếp đến quyền lợi của nước Anh… cho thấy nhãn quan chiến lược và tư duy tình báo, tài năng tổ chức, chỉ huy và sử dụng điệp viên xuất chúng của Walsingham.
Là một người có tư duy hiện đại, ngoài yếu tố con người thì Walsingham đặc biệt chú trọng đến kỹ thuật tình báo. Phụ tá cho Walsingham là các chuyên gia kỹ thuật, trong đó, Francis Miles và Thomas Phelippes nổi tiếng về mật mã, Arthur Gregory là chuyên gia bóc trộm thư. Walsingham là người đã đặt nền móng đầu tiên cho sự phát triển kỹ thuật mật mã của ngành tình báo Anh. Ông mang từ Italy về cuốn sách “Bàn về mật mã” của Alberti và phổ biến phương pháp chuyển vị bằng lưới quay do Cardan sáng chế để mã hóa tài liệu. Phương pháp mã hóa của chuyên gia Đức Trithemius (mô tả trong tác phẩm “Tốc ký hay nghệ thuật viết chữ bí mật”) cũng được các điệp viên của Walsingham sử dụng để mã hóa các báo cáo tình báo gửi về triều đình dưới hình thức trò chuyện với thần thánh. Đồng thời, ông cũng là người thiết lập ngành kiểm tra thư tín. Theo nhà sử học Boulestris de la Contie, “Walsingham có thể đọc được những bức thư mật của cả châu Âu rất nhanh mà không ai ngờ là thư của mình đã bị đọc trộm”.
Những thành tựu nổi bật
Với khả năng chỉ huy tình báo thiên bẩm, Walsingham đã vận hành ngành tình báo Anh đạt được những thành tựu to lớn. Hoạt động của cơ quan mật vụ đầu tiên này gắn liền với các sự kiện chính trị, quân sự quan trọng của triều đại Nữ hoàng Elizabeth. Trong cuộc xâm lược của Tây Ban Nha nhằm chinh phục nước Anh và khôi phục Thiên chúa giáo ở Anh, Walsingham không chỉ kịp thời nắm được âm mưu, ý đồ xâm lược của Vua Philippe II mà còn chỉ đạo các điệp viên tại Roma, Florencia và Milano thuyết phục các chủ ngân hàng Italy không cho Vua Philippe vay tiền, khiến cho cuộc xâm lăng phải hoãn lại một năm. Điệp viên của Walsingham đã thu được bản sao báo cáo của Santa Cruz gửi Vua Philippe thống kê tàu chiến, cảng neo đậu, thành phần thủy thủ đoàn, tình hình vũ khí, đạn dược, lương thực… của Hạm đội Tây Ban Nha (hạm đội này có tên là Armada, vốn được mệnh danh là “hạm đội bất khả chiến bại”, gồm 130 tàu và 29.300 binh lính).
Một tin tình báo khác do mạng lưới điệp viên bố trí ở các hải cảng Tây Ban Nha cho biết Hạm đội Tây Ban Nha có những chiến hạm đáy phẳng dùng để đổ bộ. Ông cũng nắm được chính xác thời gian và địa điểm hành quân của quân Tây Ban Nha và báo lên Nữ hoàng: “Hạm đội Tây Ban Nha sẽ xuất phát từ Lisbonne vào tháng 5-1588”. Những tin tức tình báo có giá trị đặc biệt này đã giúp Anh đánh bại Hạm đội Tây Ban Nha, chấm dứt huyền thoại về sức mạnh bất khả chiến bại của hạm đội nổi tiếng này.
Khi được giao nhiệm vụ tìm hiểu quan điểm chính trị, thái độ của Vua xứ Scotland Jacques, người mà Nữ hoàng Elizabeth dự định sẽ truyền ngôi, Walsingham đã phái điệp viên Wilmore tiếp cận Jacques. Điệp viên này đã trở thành bạn thân và sống bên cạnh Jacques 19 năm mà không hề bị nghi ngờ. Tin tức tình báo về Jacques đã được chuyển lên đều đặn cho Nữ hoàng.
Cơ quan mật vụ của Walsingham còn đập tan các vụ mưu phản của một tổ chức bí mật do các giáo sĩ Dòng Tên (Society of Jesus) chỉ đạo hoạt động (tổ chức này phục vụ Giáo hội và bảo vệ Thiên chúa giáo), âm mưu loại trừ Nữ hoàng Elizabeth vì bà lãnh đạo đạo Tin lành. Walsingham đã cài điệp viên của mình vào các hải cảng để phát hiện các linh mục Dòng Tên xâm nhập vào nước Anh; cài điệp viên vào Chủng viện Reims để nắm được những âm mưu, kế hoạch chống phá nước Anh ngay từ khi nhen nhóm. Gilbert Grifford và nhà thơ Christopher Marlowe giả vờ theo đạo Thiên chúa là các điệp viên xuất sắc của Walsingham trong tổ chức bí mật của các giáo sĩ Dòng Tên. Âm mưu ám sát Nữ hoàng của Anthony Babington do Jean Ballard, một linh mục Dòng Tên chỉ đạo, đã bị cơ quan mật vụ của Walsingham sớm phát hiện nhờ các điệp viên trong Chủng viện Reims báo kịp thời cho Walsingham về âm mưu tạo phản này trước cả khi Ballard khởi hành sang Anh.
Ở thời kỳ mà vai trò an ninh và tình báo được tổ chức thực hiện trong cùng một cơ quan, trong bối cảnh chưa nước nào xây dựng và sử dụng được mạng lưới mật vụ, điệp viên chuyên biệt thì Walsingham là người đi tiên phong trong việc tổ chức, chỉ huy, sử dụng các mạng lưới mật vụ, điệp viên thực hiện các vai trò an ninh và tình báo một cách chuyên nghiệp nhất. Đây chính là khởi đầu cho sự phát triển các cơ quan an ninh, tình báo sau này của nước Anh nói riêng và của thế giới nói chung (thậm chí hiện nay nhiều cơ quan mật vụ vẫn đang thực hiện hai vai trò).
Theo cựu Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Allen Dulles, viết trong tác phẩm “The craft of intelligence” (Tạm dịch: Nghề tình báo - xuất bản năm 1964) về Walsingham, “Cùng với chủ nghĩa dân tộc và các cuộc chiến tranh tôn giáo xuất hiện ở thế kỷ XVI và XVII, ta thấy xuất hiện trên vũ đài phương Tây những chuyên gia tình báo chính cống đầu tiên... Ở thời kỳ này, luôn luôn có những chuyện tranh chấp nội bộ và những cuộc nội chiến ở châu Âu nên đã có sự phân biệt giữa công tác tình báo ở nước ngoài với công tác an ninh ở trong nước nhưng chưa phải đã đến lúc xuất hiện hai cơ quan riêng biệt, chịu trách nhiệm khác nhau. Vì vậy, điệp viên trong nước cũng giá trị như điệp viên ở ngoài nước, cả hai loại đều do một bàn tay chỉ đạo. Một trong những bậc thầy của hai nghệ thuật đó là Walsingham. Walsingham là người đã lập ra cơ quan tình báo nhà nghề đầu tiên”.
Những đóng góp của Walsingham cho triều đại Nữ hoàng Elizabeth nói riêng và cho khoa học tình báo trên thế giới nói chung là vô cùng lớn lao và đặc biệt mà không dễ gì đánh giá hết được, bởi nó là sự nghiệp của một con người say mê nghề tình báo một cách lạ kỳ, một con người đã cống hiến tất cả tài năng, tâm huyết và tiền bạc cho tình báo Anh đến mức biến nhà riêng thành cơ quan, tự bỏ tiền túi ra trả lương cho nhân viên.
Cuối đời
Đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo an toàn cho Nữ hoàng Elizabeth, thành lập liên minh Scotland và Anh, đồng thời đập tan mọi âm mưu xâm lược nước Anh là những di sản của Walsingham để lại. Mặc dù đã lập được nhiều công trạng, nhưng cuối đời Walsingham không được Nữ hoàng hậu đãi.
Năm 1590, ông xin về hưu và sau đó qua đời trong cảnh vô cùng túng quẫn, đến mức đám tang của ông phải cử hành vào ban đêm vì gia sản để lại không đủ để tiến hành tang lễ tương xứng với chức tước của ông. Không phải Nữ hoàng quá hà tiện đối với Walsingham mà bởi có bao nhiêu lương bổng ông đều đã dốc hết vào các hoạt động của cơ quan mật vụ đầu tiên của nước Anh.
Hồ sơ mật đem tới bạn đọc những bài viết về các vụ án, hồ sơ điệp viên, sự kiện lịch sử quân sự - chính trị thế giới đã được giải mật và những bí ẩn chưa có lời giải đáp.
MINH ANH (tổng hợp từ Historic UK, Warfare History Network, School History)