Hồ sơ Pandora: Luật sư phân tích lỗ hổng chính sách thuế và khả năng khởi tố hình sự tội rửa tiền, trốn thuế…
Hồ sơ Pandora không chỉ phơi bày dữ liệu tài chính của hàng trăm tỉ phú, chính khách nhiều quốc gia trên khắp thế giới mà còn chỉ ra lỗ hổng trong chính sách thuế toàn cầu giúp nhiều người giàu trên thế giới che giấu tài sản, thậm chí rửa tiền hoặc trốn thuế.
Đặc biệt, theo ý kiến của luật sư, từ vụ rò rỉ dữ liệu tài chính Pandora, các quốc gia đều có thể khởi tố vụ án hình sự nếu như có căn cứ cho thấy công dân của quốc gia mình đã có hành vi trốn thuế, tham nhũng hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác liên quan đến các tài liệu trên.
Phơi bày dữ liệu tài chính hàng trăm tỉ phú, chính khách…
Các giao dịch bí mật và tài sản ẩn của một số người giàu nhất và quyền lực nhất thế giới đã được tiết lộ trong vụ phơi bày dữ liệu lớn nhất lịch sử gồm 2,94 TB dữ liệu ngày 4/10.
Những tài liệu này được gọi là Pandora, bao gồm 11,9 triệu tệp từ các công ty được những khách hàng giàu có thuê để tạo ra các cấu trúc và quỹ tín thác ngoại biên (offshore) ở các "thiên đường thuế" như Panama, Dubai, Monaco, Thụy Sĩ và quần đảo Cayman.Theo The Guardian, hồ sơ Pandora phơi bày những hoạt động ngoại biên của 35 nhà lãnh đạo thế giới, bao gồm cả tổng thống, thủ tướng và nguyên thủ quốc gia đương nhiệm và cựu lãnh đạo.
Hồ sơ Pandora cũng làm sáng tỏ nguồn tài chính bí mật của hơn 300 quan chức nhà nước khác như các bộ trưởng, thẩm phán, thị trưởng và tướng lĩnh quân đội ở hơn 90 quốc gia.
Dữ liệu trong vụ phơi bày bí mật tài chính của giới nhà giàu và chính khách mới nhất cũng bao gồm hơn 100 tỉ phú, những người nổi tiếng, ngôi sao ca nhạc và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Nhiều người sử dụng các công ty vỏ bọc để sở hữu các mặt hàng xa xỉ như tài sản và du thuyền, cũng như các tài khoản ngân hàng ẩn danh. Thậm chí còn có cả việc sở hữu các tác phẩm có giá trị nghệ thuật như cổ vật bị đánh cắp từ Campuchia đến các bức họa của Picasso và tranh tường của Banksy.
Hồ sơ Pandora bao gồm nhiều email, bản ghi nhớ, hồ sơ doanh nghiệp, chứng nhận cổ phần, các báo cáo và sơ đồ phức tạp về cấu trúc của các công ty như mê cung. Những dữ liệu này khiến chủ sở hữu thực sự của các tài sản không dễ gì bị phát hiện ngay.
… và cả những lỗ hổng chính sách thuế của nhiều quốc gia
Bên cạnh những dữ liệu bí mật tài chính của giới nhà giàu và chính khách bị phơi bày, dữ liệu của Pandora còn tiết lộ hoạt động bên trong thế giới tài chính bóng tối, mang tới cơ hội hiếm hoi nhìn rõ các hoạt động bí mật của nền kinh tế ngoại biên toàn cầu giúp nhiều người giàu trên thế giới che giấu tài sản và trong một số trường hợp phải đóng ít hoặc không phải đóng thuế.
Một trong những bí mật lớn nhất mà Hồ sơ Pandora tiết lộ là những người nổi tiếng và giàu có đã thành lập công ty một cách hợp pháp, từ đó bí mật mua bất động sản ở Anh và một số nước khác.
Theo Washington Post, hệ thống tài chính nước ngoài cho phép người giàu trả tiền để thuê trung gian thành lập các chủ thể pháp lý (như công ty bình phong, quỹ ủy thác…) ở bên ngoài quốc gia họ sinh sống, hay còn gọi là các công ty "ngoại biên" (offshore). Những chủ thể trên sẽ “giữ hộ” tài sản cho người giàu, qua đó giúp giữ bí mật danh tính người hưởng lợi từ tài sản ấy.
Những công ty hoặc vùng lãnh thổ ngoại biên này là những nơi dễ thành lập các công ty; có những điều khoản trong luật pháp khó có thể xác định chủ sở hữu của các công ty; không có, hoặc chỉ có thuế doanh nghiệp ở mức thấp.
Những điểm đến này thường được gọi là các "thiên đường thuế". Không có danh sách định nghĩa các thiên đường thuế này nhưng những điểm đến được biết đến nhiều nhất gồm có: các vùng lãnh thổ hải ngoại thuộc Anh như Quần đảo Cayman và Quần đảo Virgin thuộc Anh; cũng như các quốc gia như Thụy Sĩ và Singapore…
Một trong những phát hiện thú vị nhất của Tài liệu Pandora có liên quan đến nước Mỹ là vai trò của nhiều bang như South Dakota, Nevada trong mạng lưới thiên đường thuế. Các bang này đã áp dụng Luật bí mật tài chính mang tính cạnh tranh cao và là biểu tượng cho thấy Mỹ đang "mở rộng hoạt động của nền kinh tế offshore".
Như Francisco Bonatti, một luật sư và nhà tư vấn về rửa tiền, giải thích, bản thân việc chuyển tiền ra nước ngoài không trái pháp luật và một số người làm vậy vì có lý do chính đáng, như để đảm bảo an ninh. Nhưng tính chất bí mật của các thiên đường thuế cũng có sức thu hút lớn đối với người có hành vi lừa đảo, rửa tiền và trốn thuế.
Bên cạnh đó, vấn đề với các công ty bình phong là khi chúng được tạo ra trong các khu vực pháp lý không rõ ràng hưởng mức thuế thấp và tính bảo mật, những công ty này không có bất kỳ hoạt động nào tại các quốc gia mà họ đã đăng ký; họ không cần văn phòng cũng như nhân viên.
“Đồng thời, sự tồn tại của những công ty không được khai báo cho cơ quan có thẩm quyền nơi chủ sở hữu thực sự cư trú. Điều này có thể áp dụng cho nhiều trường hợp được công bố trong Hồ sơ Pandora. Dưới lớp mờ đó, các dòng tiền bất hợp pháp được che giấu, mở ra cánh cửa cho hối lộ, rửa tiền, trốn thuế hoặc tài trợ cho khủng bố”, chuyên gia Bonatti nhận định.
Cá nhân, tổ chức Việt Nam nếu có tên trong hồ sơ Pandora, liệu có thể xử lý?
Trao đổi với Phóng viên Tạp chí điện tử Pháp lý dưới góc nhìn pháp lý, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, từ vụ rò rỉ dữ liệu tài chính Pandora, các quốc gia đều có thể khởi tố vụ án hình sự nếu như có căn cứ cho thấy công dân của quốc gia mình đã có hành vi trốn thuế, tham nhũng hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác liên quan đến các tài liệu trênTheo vị Tiến sĩ, Hồ sơ Pandora là thông tin mới nhất và lớn nhất về khối lượng dữ liệu trong loạt vụ rò rỉ dữ liệu tài chính ngoại biên lớn gây chấn động thế giới kể từ năm 2013. Trước đó đã có một vụ Hồ sơ Panama năm 2016 gồm 2,6 terabbytes dữ liệu rò rỉ từ công ty luật Mossack Fonseca.
Với những thông tin dữ liệu này thì cơ quan điều tra của các quốc gia sẽ thu thập các thông tin, các dữ liệu có liên quan đến quốc gia mình để nắm bắt tình hình, nếu phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật thì sẽ xử lý hình sự.
Trước câu hỏi đây là 1 tài liệu của 1 tổ chức phi chính phủ nước ngoài, vậy nếu có tên cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam che giấu các dòng tiền bất hợp pháp hoặc “né thuế”… liệu tổ chức cá nhân, tổ chức này có thể bị xử lý hay không? … Vị Tiến sĩ luật cho rằng, theo quy định của pháp luật Việt Nam thì mọi hành vi vi phạm pháp luật đều phải chịu trách nhiệm pháp lý và mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, kể cả người vi phạm đó là chính trị gia, là doanh nhân hay bất cứ thành phần nào trong xã hội.
Trường hợp nếu có căn cứ cho thấy trong những dữ liệu được công khai ở trên nếu có thông tin về việc số tiền lớn từ Việt Nam chuyển ra nước ngoài thì lực lượng an ninh tiền tệ, cơ quan an ninh điều tra sẽ xác minh tin báo, làm rõ thực hư của thông tin nêu trên, đồng thời xác định danh tính của người chuyển tiền, nguồn gốc số tiền và các vấn đề khác có liên quan để xem xét vụ việc có dấu hiệu tội phạm hay không.
Trong trường hợp có căn cứ cho thấy có tổ chức, cá nhân đã thực hiện hành vi chuyển tiền ra nước ngoài để trốn thuế hoặc che giấu tài sản do phạm tội mà có thì cơ quan điều tra có thể khởi tố vụ án hình sự về tội trốn thuế, tội thuộc nhóm tội tham nhũng hoặc các tội danh khác có liên quan theo quy định pháp luật.
Điều kiện để khởi tố vụ án hình sự là phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm. Việc chuyển tiền chưa phải là căn cứ hội tụ vụ án hình sự, nếu việc chuyển tiền đó trái pháp luật, không kê khai hoặc nguồn gốc số tiền bất minh thì mới là hành vi vi phạm pháp luật và có thể xử lý hình sự. TS, Luật sư Đặng Văn Cường nhận định.
Cũng theo TS, LS Cường, đây là một vụ việc phức tạp có liên quan đến nhiều quốc gia, nhiều nhân vật quan trọng, có uy tín và có quyền lực trong xã hội. Bởi vậy việc thu thập thông tin, tài liệu, làm rõ danh tính và nguồn gốc tài sản không dễ dàng. Các thông tin thu thập được là các dữ liệu điện tử, trên không gian mạng thì cần phải được đánh giá, kiểm chứng tính xác thực, đồng thời phải có sự liên kết, phối hợp của cơ quan, tổ chức ở nước ngoài thì mới có thể xác định được tính chính xác của nguồn tin cũng như các tài liệu có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án hình sự.
Cần phải căn cứ vào luật pháp quốc tế, các điều ước song phương, đa phương, các Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và các quốc gia thì mới có thể khai thác sâu hơn về các thông tin này, đồng thời làm căn cứ để thực hiện các hoạt động tư pháp theo quy định của pháp luật.
Với những diễn biến thông tin như vậy thì lực lượng tình báo, lực lượng an ninh tiền tệ, an ninh điều tra của Việt Nam cũng cần phải nắm bắt thông tin xem vụ việc có liên quan đến Việt Nam hay không, nếu có thì liên quan đến tổ chức, cá nhân nào và cũng có thể sẽ tiến hành xác minh làm rõ nguồn tin, làm cơ sở để xác định tính chất pháp lý của sự việc để giải quyết theo quy định của pháp luật. TS, LS. Đặng Văn Cường kiến nghị.