Hồ sơ trùm khủng bố ISK: Slaullah Ghafari
Hôm thứ hai, ngày 7-2-2022, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố sẽ trao thưởng 10 triệu USD cho bất kỳ ai cung cấp thông tin dẫn đến việc tiêu diệt hoặc bắt giữ Slaullah Ghafari, hay còn gọi là Shahab al-Muhajir, kẻ đứng đầu Nhà nước Hồi giáo tỉnh Khorasan (ISK), chi nhánh của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Slaullah Ghafari được cho là tác giả của nhiều vụ tấn công khủng bố diễn ra ở Afghanistan, Iraq, Pakistan, trong đó có vụ đánh bom sân bay Kabul ngày 26-8-2021, giết chết hơn 170 dân thường và 18 quân nhân Mỹ…
ISK là gì?
Cho đến nay, Slaullah Ghafari vẫn là một ẩn số với các cơ quan tình báo phương Tây. Theo Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế Mỹ (CSIS), tên thật của Slaullah Ghafari là Shahab al-Muhajir (tiếng Arab có nghĩa là “Người di cư”). Ngoài ra hắn còn có một bí danh khác là Sanaullah al-Sadiq. Vẫn theo CSIS, không rõ Sanaullah là người Iraq hay Pakistan. Hình ảnh về Sanaullah cũng rất ít, trong đó một tấm chụp khi còn là thành viên của mạng lưới Haqqani ở Afghanistan còn tấm kia được cho rằng lúc hắn đã trở thành thủ lĩnh ISK.
Trước đó, tại Iraq, sau khi thành lập Nhà nước Hồi giáo tự xưng (29-6-2014), tên chính thức là Nhà nước Hồi giáo Iraq và Levant, mà lãnh thổ bao gồm Iraq, Syria, Liban, Israel, Jordan, Sip và miền nam Thổ Nhĩ Kỳ, Abu Bakr al-Baghdadi, thủ lĩnh IS tiến hành tuyển mộ những cá nhân rời bỏ hàng ngũ Taliban ở Afghanistan với mục tiêu mở rộng lãnh địa, trong đó có một nhóm gồm những tay súng đến từ nhiều quốc gia khác nhau,chủ yếu là Pakistan, Bangladesh, Ấn Độ và Myanmar…, ly khai khỏi hàng ngũ Taliban do bất mãn trước những phân chia quyền lực của giới lãnh đạo cùng những thất bại trong cuộc chiến chống lại Chính phủ Kabul được nước Mỹ và đồng minh hỗ trợ.
Gần nửa năm sau, Bakr al-Baghdadi đặt tên cho nhóm này là Nhà nước Hồi giáo Kharosan (ISK), chịu trách nhiệm quản lý một khu vực trải dài từ Kazakhstan ở phía bắc đến Sri Lanka và Maldives ở phía nam và từ phía đông Iran đến phía tây Trung Quốc. Động thái ấy đã khiến người đứng đầu Taliban là Akhtar Mansour viết thư gửi Abu Bakr al-Baghdadi, yêu cầu IS chấm dứt việc chiêu dụ nhân lực ở Afghanistan vì “cuộc chiến Afghanistan là của Taliban và phải do Taliban lãnh đạo”. Tuy nhiên Abu Bakr al-Baghdadi phớt lờ khiến giao tranh giữa Taliban và IS, ISK bùng nổ.
Tháng 6-2015, IS và chi nhánh của nó là ISK chiếm được tỉnh Nangarhar rồi tiếp theo là tỉnh Khorasan, Helmand và Farah. Lúc ấy ISK nằm dưới sự chỉ huy của Abdul Rauf Aliza nhưng tháng 7-2016, ông ta bị giết bởi quân đội Mỹ. Kẻ lên thay thế là Abdullah Orokzai cũng bị cơ quan tình báo Afghanistan bắt vào tháng 4-2020.
Thời điểm ISK ra đời, Slaullah Ghafari mới chỉ là một thành viên trong mạng lưới Haqqani - là nhóm chiến binh thánh chiến Hồi giáo có liên hệ với Taliban, đồng thời còn là thành viên của Al-Qaeda. Sau khi chạy theo IS, tháng 8-2015 Slaullah đã thuyết phục Phong trào Hồi giáo Uzbekistan (IMU) cam kết trung thành với IS, đồng thời xác nhận IMU là thành viên của ISK mặc dù IMU đang được Taliban hỗ trợ vũ khí, tài chính cũng như cho mượn đất để làm bàn đạp, tấn công khủng bố Uzbekistan.
Động thái “quay đầu xe” của IMU đã khiến Akhtar Mansour, thủ lĩnh Taliban nổi giận nên ông ta ra lệnh cho Taliban mở cuộc tổng phản công. Chỉ trong 4 tháng, các tay súng Taliban đã đánh bật lực lượng IMU và IS, ISK ra khỏi tỉnh Farah. Đến tháng 4-2016, ISK mất luôn quyền kiểm soát phần lớn lãnh thổ tỉnh Nangarhar mà nguyên nhân là ngoài Taliban, IS, ISK còn phải chịu thêm sức ép từ cả quân đội Chính phủ Kabul lẫn quân đội Mỹ và đồng minh do Mỹ lãnh đạo. Chưa hết, nhiều thành viên ISK trước đây đã rời bỏ hàng ngũ Taliban thì bây giờ lại quay về, tái đầu quân cho tổ chức này.
Năm 2017, tình báo Mỹ ước tính ISK có khoảng 1.000 tay súng so với 2.500 hồi năm 2015. Dưới sự chỉ huy của Abdullah Orokzai, ISK đã thực hiện nhiều cuộc tấn công khủng bố nhắm vào Afghanistan và Pakistan, gây thương vong cho hàng nghìn thường dân vô tội, trong đó tháng 7-2018, một vụ đánh bom của ISK đã giết chết 149 ngươiờ̉ Mastung, Pakistan. Đến tháng tháng 8-2019, ISK đánh bom tự sát nhắm vào một đám cưới ở Kabul khiến hơn 140 người bị thương và 92 người thiệt mạng.
Dưới thời Slaullah Ghafari
Tháng 4-2020, Abdullah Orokzai, thủ lĩnh ISK bị cơ quan tình báo Afghanistan bắt. Người thay thế là Slaullah Ghafari, được IS bổ nhiệm làm “Tiểu vương Nhà nước Hồi giáo Karosan”. Ngay sau khi nắm quyền, ngày 12-5-2020 Slaullah tổ chức đồng thời hai cuộc khủng bố mà mục tiêu là khoa Sản bệnh viện Kabul và nhà tang lễ Kuz Kunar, dẫn đến cái chết của 56 người và 148 người khác bị thương, hầu hết là trẻ sơ sinh, sản phụ, nữ hộ sinh cùng những người đưa tang. Nhiều nhân chứng cho biết các chiến binh ISK xả súng như điên loạn, nhiều nạn nhân đã chết vẫn bị bắn bồi cho chắc!
Theo các nhà phân tích chính trị thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế Mỹ (CSIS), ý đồ của Slaullah là tạo ra sự hỗn loạn ở Afghanistan trong bối cảnh quân đội Mỹ chuẩn bị rút khỏi đất nước này sau những cuộc đàm phán với Taliban. Nếu như trước đây, để không rơi vào thế “lưỡng đầu thọ địch” đồng thời góp phần “chia lửa” trong cuộc chiến chống lại Chính phủ Kabul được Mỹ và một số đồng minh ủng hộ, Taliban buộc phải cho Al-Qaeda, IS và sau này là ISK sử dụng lãnh thổ Afghanistan để lập căn cứ, tiến hành các cuộc “thánh chiến”.
Nhưng khi quân đội Mỹ và đồng minh rút hết, nếu Taliban thành công trong việc lật đổ Chính phủ Kabul thì chắc chắn họ sẽ phải xem lại sự hiện diện của Al-Qaeda, IS và ISK trên đất Afghanistan vì trong các cuộc đàm phán với người Mỹ lúc ấy, có thỏa thuận là Taliban sẽ không cho phép Al-Qaeda, IS, ISK dùng đất Afghanistan để thực hiện những vụ tấn công nhắm vào Iraq, Pakistan. Vì vậy khi chiếm được Kabul, dù muốn dù không Taliban cũng phải “nhổ cái gai” IS, ISK nếu muốn được cộng đồng quốc tế công nhận Taliban là chính quyền hợp pháp.
Vẫn theo các nhà phân tích chính trị thuộc CSIS, mặc dù trên bản đồ do ISK công bố, lãnh thổ của Tiểu vương quốc Hồi giáo Kharosan rất rộng lớn nhưng thực tế thì ISK chỉ kiểm soát được một phần tỉnh Kharosan, Afghanistan, còn ở Pakistan, Iraq và Uzbekistan, sự hiện diện của tổ chức này chỉ là những “cú cắn trộm”. Tuy nhiên, mặc dù chỉ kiểm soát một phần tỉnh Kharosan nhưng suốt năm 2020 và nửa đầu năm 2021, ISK đã thực hiện thành công một số vụ khủng bố mà cụ thể là ngày 24-10-2020, ISK tổ chức đánh bom tự sát nhắm vào Đại học Kabul khiến 32 người thiệt mạng và 50 người khác bị thương, phần lớn là sinh viên.
Tháng 3-2021, ISK bắn chết 3 nữ nhân viên trong ngành truyền thông ở Jalalabad. Đến ngày 8-5-2021, một vụ đánh bom xe hơi kèm theo hai vụ nổ bằng bom tự chế (IED) xảy ra trước trường trung học Sayed al-Shuhada ở Dashte Barchi, một khu dân cư chủ yếu là người Shia, phía tây Kabul làm 90 người chết và 240 người bị thương, đa số là các học sinh gái từ 11 đến 15 tuổi.
Ngày 15-5-2021, một quả bom đã nổ bên trong một nhà thờ Hồi giáo ở Kabul khi tín đồ đang tổ chức lễ Eid al-Fitr. Ít nhất 12 người thiệt mạng và 15 người khác bị thương. Theo CSIS, từ tháng 1-2020 đến tháng 7-2021, ISK đã thực hiện 83 cuộc tấn công, giết chết 309 người. Những động thái ấy đã khiến Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc và Liên minh châu Âu đưa Sanaullah Ghafari, thủ lĩnh ISK vào danh sách những kẻ khủng bố cần phải bị trừng phạt.
Đầu tháng 7-2021, khi Taliban thành công trong việc đánh chiếm hàng loạt tỉnh thành trên khắp lãnh thổ Afghanistan thì Slaullah Ghafari, thủ lĩnh ISK tuyên bố từ chối thừa nhận Taliban là lực lượng lãnh đạo Hồi giáo hợp pháp ở Afghanistan, đồng thời cáo buộc Taliban là “những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc bẩn thỉu” bởi lẽ “Taliban chỉ lôi kéo các chiến binh dựa vào nền tảng hẹp hòi thay vì tham gia một cuộc thánh chiến Hồi giáo trên toàn thế giới…”.
Ngày 16-8-2021, Taliban chiếm được thủ đô Kabul. Theo những thỏa thuận với chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump, lực lượng này để yên cho quân đội Mỹ di tản người Mỹ, người nước ngoài và một số những người Afghanistan đã từng cộng tác với Mỹ. Và trong khi việc di tản đang tiến hành thì ngày 26-8, ISK tổ chức một vụ đánh bom tự sát tại cổng ra vào sân bay Hamid Karzai. Tiếp theo, một vụ đánh bom khác xảy ra tại một khách sạn cũng nằm trong khu vực này, nơi có hàng nghìn người chờ được di tản. Hậu quả là 170 dân thường và 18 lính Mỹ thiệt mạng.
Tiêu diệt ISK, bài toán khó?
Ngày 7-2-2022, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố sẽ trao thưởng 10 triệu USD cho bất kỳ ai cung cấp thông tin dẫn đến việc tiêu diệt hoặc bắt giữ Slaullah Ghafari, thủ lĩnh ISK nhưng theo các chuyên gia phân tích của CSIS, việc triệt thoái quân đội Mỹ và đồng minh ra khỏi Afghanistan đã khiến các nguồn tin tình báo bị suy giảm. Hệ quả là các hoạt động chống khủng bố - mà cụ thể là chống ISK cũng giảm theo.
Điều này vô hình trung đã tạo cho ISK một khoảng hở chiến lược để tập hợp lực lượng bằng cách thu hút một số lớn các chiến binh giàu kinh nghiệm của Al-Qaeda, Taliban Pakistan (Tehrik-i-Taliban Pakistan - viết tắt là TTP), hiện có mặt ở cả hai bên biên giới Afghanistan, Pakistan, hoặc các nhóm Hồi giáo cực đoan Trung Á Uzbekistan, Kazakhstan..., chưa kể một số thành viên thuộc cơ quan tình báo và sĩ quan quân đội Chính phủ Kabul cũng đi theo ISK để tránh sự trả thù của Taliban. Các phân tích cho thấy trước đây, sau cái chết của những thủ lĩnh ISK bởi máy bay không ngưới lái, Mỹ, các vụ tấn công do tổ chức này thực hiện ở Afghanistan và Pakistan cũng lắng xuống nhưng hiện nay, lợi thế ấy đã không còn.
Với Taliban, trước mắt ISK vẫn là một thách thức quyền lực đáng kể nếu không có được sự hỗ trợ từ bên ngoài bởi lẽ những nhà lãnh đạo Taliban đang phải đối mặt với ngân sách cạn kiệt, lương thực, thuốc men thiếu thốn vì các lệnh cấm vận của những tổ chức tài chính quốc tế. Tuy nhiên, cách hành xử tàn ác của họ với những người đã từng cộng tác với Mỹ hoặc với Chính quyền Kabul, với nữ giới…, đã khiến cộng đồng quốc tế nhìn Taliban với con mắt nghi ngờ.
Kể từ khi kiểm soát toàn bộ đất nước Afghanistan đến ngày 31-1-2022, giữa Taliban và ISK đã xảy ra 31 cuộc chạm súng, hơn 300 thành viên của cả hai bên đã thiệt mạng, trong đó có Mawlawi Hamdullah Mukhlis, chỉ huy cấp cao của Taliban, người đứng đầu quân đoàn Kabul và là một trong những người đầu tiên vào dinh tổng thống Afghanistan ngày 15-8.
Một đánh giá của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc cho thấy tính đến 31-1-2022, ISK đã có mặt ở tất cả 34 tỉnh Afghanistan. Ông Nada Al-Nashif, Phó cao ủy Nhân quyền Liên hiệp quốc nói, Taliban đã thực hiện ít nhất 50 vụ hành quyết các thành viên ISK, bao gồm cả treo cổ và chặt đầu. Ngược lại ISK cũng không thua kém với 72 vụ.
Và như vậy, với Taliban, đơn phương tiêu diệt ISK vẫn là bài toán khó.
Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/ho-so-trum-khung-bo-isk-slaullah-ghafari-i644562/